Tài Chính

Cổ phiếu Thép Pomina tăng gần 65% chỉ trong 9 phiên giao dịch

Kim Anh Thứ Hai | 23/11/2020 17:24

Diễn biến giá của cổ phiếu POM trên thị trường. Ảnh: KA.

Không thua kém gì các doanh nghiệp cùng ngành, cổ phiếu của Thép Pomina cũng tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.
Diễn biến giá của cổ phiếu POM trên thị trường. Ảnh: KA.

Dựa theo dữ liệu giao dịch trên thị trường, cổ phiếu Công ty Cổ phần Thép Pomina (HOSE: POM)  đã có những diễn biến rất tích cực trong thời gian gần đây.

Kết thúc phiên giao dịch 23.11, POM đóng cửa ở mức giá trần 8.820 đồng/cổ phiếu. Lũy kế trong 9 phiên giao dịch gần nhất (11-23.11), cổ phiếu POM đã tăng gần 65%.  Trong đó, cổ phiếu đã có 8 phiên tăng trần liên tiếp với khối lượng giao dịch tăng đột biến, cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất.

 

Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu POM trong 1 tháng qua chỉ ở mức hơn 72.000 cổ phiếu/phiên. Trong khi đó, khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu trong 1 tuần gần đây đạt hơn 183.000 cổ phiếu/phiên.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2020 vừa qua Công ty đạt mức lãi sau thuế hơn 16,1 tỉ đồng, tích cực hơn rất nhiều lần so với khoản lỗ hơn 118,9 tỉ đồng hồi quý III/2019.

Giải trình về kết quả kinh doanh, Pomina cho biết do Công ty đang triển khai dự án lò cao và dự án này sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2020 nên hiện Công ty đang gánh chi phí lãi vay tăng 18,7% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước do giảm sản xuất để xây dựng thiết bị kết nối với dự án thượng nguồn lò cao tại một nhà máy.

Có thể, kết quả kinh doanh tích cực đã góp phần trợ lực để giá cổ phiếu “phi mã” trong thời gian gần đây.

Không chỉ riêng POM mà nhiều cổ phiếu thuộc ngành thép cũng đạt được mức tăng trưởng tốt trong cùng khoảng thời gian trên. Tiêu biểu như cổ phiếu của Thép Nam Kim (NKG, 37,2%), hay cổ phiếu của Thép Hòa Phát (HPG, 19,8%).

Nhận định chung về ngành thép, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không đạt được mức tăng trưởng như những năm trước, nhưng cũng có một số tín hiệu đáng mừng cho ngành trong giai đoạn này. 

Một trong số đó được ông Nguyên nhắc đến là “có rất nhiều nhà máy thép carbon liên hợp do Trung Quốc đầu tư ở ASEAN và Việt Nam trong khi tiềm năng tiêu thụ thép ở các nước này sẽ tăng lên đến 7% trong khu vực vào năm 2021”.

* Có thể bạn quan tâm 

►Hòa Phát thép cứng mùa dịch

►Tôn Hoa Sen qua cơn bĩ cực


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày