Tài Chính

Cổ phiếu TLG tăng kịch trần trong ngày tựu trường

Việt Hà Thứ Hai | 05/09/2022 15:00

Cổ phiếu TLG tăng trần ở phiên giao dịch 5/9. Ảnh: SSI.

Ngày 5/9 khi hàng triệu học sinh nô nức tựu trường thì các cổ đông của Tập đoàn Thiên Long, thương hiệu gắn liền với học sinh, cũng được phiên "mát lòng".
Cổ phiếu TLG tăng trần ở phiên giao dịch 5/9. Ảnh: SSI.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Thị trường mở cửa trở lại trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ liên tục giảm sâu. Từ đó, tâm lý nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là khi chỉ số VN-Index đã có sự hồi phục mạnh mẽ từ vùng đáy tháng 7 và đang tiệm cận vùng kháng cự 1.300 điểm. 

Cổ phiếu TLG là 1 trong 8 cổ phiếu hiếm hoi tăng trần ở sàn HOSE phiên giao dịch 5/9. Ảnh: VNDirect.
Cổ phiếu TLG là 1 trong 8 cổ phiếu hiếm hoi tăng trần ở sàn HOSE phiên giao dịch 5/9. Ảnh: VNDirect.

Thị trường diễn ra trong trạng thái khá giằng co và phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Kết phiên 5/9, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm hơn 3 điểm, lùi về mốc 1.277 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 283 mã giảm (trong đó có 10 mã giảm sàn) và 168 mã tăng. Sắc tím chỉ le lói ở một vài mã cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu TLG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã TLG) nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Bởi lẽ, phiên tăng trần của cổ phiếu trùng khớp với ngày tựu trường 5/9. 

Trên các diễn đàn và hội nhóm chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc kỳ vọng cho một năm học mới, sách vở, bút thước và dụng cụ học tập được bán ra nhiều hơn là trợ lực của đà tăng này trong phiên 5/9 này.  Bởi lẽ, Thiên Long dường như là cái tên gắn liền với thế hệ học sinh, sinh viên trong suốt nhiều năm qua. 

Nguồn: TLG.
Ngành bút viết và dụng cụ văn phòng đóng góp phần lớn doanh thu cho Thiên Long. Nguồn: TLG.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ năm 1981, đến nay, Thiên Long sở hữu vị thế của Tập đoàn văn phòng phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Ở thị trường nội địa, Thiên Long đã xây dựng và phát triển hệ thống kênh phân phối sâu rộng tại thị trường nội địa. Sản phẩm của Thiên Long có mặt trên khắp 63 tỉnh/thành trong cả nước và các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng, nhà sách, cửa hàng tiện ích... đồng thời phân phối thông qua các kênh như kênh thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tiếp cho trường học, doanh nghiệp (B2B). Thị trường nội địa đóng góp tới 70 - 80% trong cơ cấu tổng doanh thu của Thiên Long. 

Xét về từng ngành hàng, ngành bút viết và dụng cụ văn phòng đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu của Thiên Long, chiếm tỉ trọng lần lượt 44% và 34% trong tổng doanh thu thuần của Công ty trong năm 2021. 

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Thiên Long, nhu cầu sử dụng bút viết, văn phòng phẩm ở Việt Nam vẫn giữ ở mức độ ổn định; trong thời kỳ giãn cách toàn xã hội do dịch COVID-19 thì học sinh, sinh viên hay nhân viên văn phòng cũng phải học và làm việc trực tuyến. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng vẫn là sự đổi mới về mẫu mã chất lượng sản phẩm, đồng thời phải đảm bảo giá thành phù hợp. 

“Chúng tôi lạc quan về khả năng phục hồi và tiếp tục phát triển bền vững trong năm 2022, hướng đến tương lai cùng nhiều dự án kinh doanh và đầu tư mang tính sáng tạo, đột phá”, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thiên Long chia sẻ. 

Có thể bạn quan tâm 

Các yếu tố cơ bản của thị trường chứng khoán đang được cải thiện


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày