Công Nghệ

Marathon ghi danh cuộc đua EdTech

Huy Vũ Thứ Năm | 02/09/2021 07:30

Theo đó, Marathon sẽ hỗ trợ giáo viên thiết kế chương trình, tiếp thị, tuyển sinh và giáo viên sẽ trực tiếp giảng dạy qua ứng dụng của Công ty.

Marathon là doanh nghiệp EdTech (công nghệ giáo dục) mới nhất tham gia thị trường Việt Nam.
Theo đó, Marathon sẽ hỗ trợ giáo viên thiết kế chương trình, tiếp thị, tuyển sinh và giáo viên sẽ trực tiếp giảng dạy qua ứng dụng của Công ty.

Điều khá thú vị là dù chỉ mới thành lập được hơn 1 tháng nhưng “tân binh” Marathon đã huy động được 1,5 triệu USD từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ như Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed SEA, các đối tác và Giám đốc Điều hành cao cấp tại Trường Quốc tế Việt Úc, Singapore Life để chuẩn bị cho việc phát triển trong thời gian tới.

Cũng như các doanh nghiệp EdTech khác đã gọi vốn thành công ở Việt Nam, nhu cầu học trực tuyến tăng cao vì dịch bệnh và mức độ chịu chi cho giáo dục cao nhất khu vực (20% tổng thu nhập so với mức 6-15% ở các nước Đông Nam Á, theo báo cáo của Bain & Company) là 2 yếu tố giúp Marathon huy động được vốn dù thị trường Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp tham gia. Theo Ken Research, thị trường EdTech Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023.

Gần đây nhất là thương vụ Manabie huy động 3 triệu USD do Do Ventures dẫn dắt. Đơn vị này hiện có 5 trung tâm ở TP.HCM, phục vụ chủ yếu học sinh cấp 3. Marathon sẽ tham gia vào nhóm K-12 (chuyên phục vụ học sinh, sinh viên) với đối tượng cụ thể là học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 có nhu cầu học thêm, tăng cường kiến thức sau giờ học.

Anh Phạm Đức, sáng lập Marathon, là người từng có kinh nghiệm quản lý các khoản đầu tư giáo dục của TPG Capital (quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở ở Mỹ). Sự trỗi dậy của EdTech ở khu vực, cùng nhu cầu cao ở Việt Nam cho các sản phẩm giáo dục chất lượng, là động lực chính khiến anh tin vào tương lai của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam. 

Đây cũng là lý do dù mới thành lập nhưng Marathon đã huy động được vốn và quan trọng hơn, theo anh Đức, sự tham gia của các đơn vị đầu tư chuyên về giáo dục sẽ giúp Công ty tham khảo được nhiều bài học kinh nghiệm từ các đơn vị trong khu vực. Đồng sáng lập Marathon, anh Trần Việt Tùng, là người có nhiều kinh nghiệm trong việc mở rộng doanh nghiệp với 2 dự án là Triip.Me và đặc biệt Christina, nơi anh đã mở rộng quy mô lên 8 thành phố trong thời gian ngắn.

Có 4 mảng lớn trong EdTech là nội dung (bài học ghi hình trước dưới dạng video hoặc ngân hàng đề thi), live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên, có thể theo hình thức 1-1 hoặc theo nhóm), O2O (mô hình online kết hợp với offline), B2B (giải pháp quản lý quy trình cho các trường học hoặc cơ sở giáo dục).

Trong khi phần lớn các đối thủ khai thác K-12 đều hướng phát triển online to offline, trong đó offline là kênh chủ đạo và online là công cụ hỗ trợ thì Marathon lại chọn mô hình live-class. 

Marathon tiếp cận trực tiếp với các thầy cô chuyên dạy thêm. Dịch bệnh khiến nhiều cơ sở đóng cửa, nhiều giáo viên chuyển lên dạy thêm online nhưng hiệu quả không cao vì nút thắt trong quản lý và chất lượng kết nối không ổn định. Tương tự, học sinh cũng khó tiếp cận vì phụ thuộc vào quãng đường đi, lịch học và học phí.

“Marathon dùng công nghệ để mang lại trải nghiệm dạy và học tốt nhất cho cả 2 bên”, anh Đức nói. Trong giai đoạn thí điểm, Marathon sẽ làm việc với 2-3 gia sư có uy tín và nhiều năm kinh nghiệm cùng đội ngũ trợ giảng khoảng 20 người. Nhóm này sẽ tổ chức 5-10 lớp cho lứa khách hàng đầu tiên.

Theo đó, Marathon sẽ hỗ trợ giáo viên thiết kế chương trình, tiếp thị, tuyển sinh và giáo viên sẽ trực tiếp giảng dạy qua ứng dụng của Công ty. Trong khi đó, đội ngũ trợ giảng mỗi người sẽ phụ trách một nhóm học viên nhỏ để theo dõi việc học của họ và kiểm tra kiến thức sau mỗi buổi. Để đảm bảo chất lượng học tập và tuyển sinh được những giáo viên tốt nhất trong ngành, giá tham gia dự kiến từ 70.000-170.000 đồng/giờ học.  

Anh Đức đánh giá mô hình của Marathon khác biệt nhiều với các giải pháp khác khi mô hình phụ thuộc chủ yếu vào online và các trung tâm offline của Marathon ở các thành phố lớn chủ yếu tập trung mang lại trải nghiệm học thử, nhận dạng thương hiệu, chứ không chú trọng vào giảng dạy tại chỗ.

“Mô hình EdTech trong khu vực như Byju’s, Vedantu, Unacademy, Ruangguru đều thành công với việc mang lại trải nghiệm học chủ yếu dựa vào online. Chúng tôi cũng muốn mang lại trải nghiệm học trực tuyến chất lượng cho người học ở Việt Nam”, anh Đức cho biết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày