Tài Chính

Những ngôi sao Top 50

Thứ Bảy | 11/07/2020 07:48

Doanh nghiệp nhận giải Top 50 2020. Ảnh: QH

Danh sách tôn vinh “50 Công ty Kinh doanh Hiệu quả nhất Việt Nam” (Top 50) ghi những dấu ấn mới.
Doanh nghiệp nhận giải Top 50 2020. Ảnh: QH

Ngày 10.7, Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) công bố danh sách và tôn vinh “50 Công ty Kinh doanh Hiệu quả nhất Việt Nam” (Top 50).

DẤU ẤN CỦA NGÂN HÀNG, TIÊU DÙNG, BÁN LẺ

Nhóm ngân hàng sau hơn 5 năm tái cấu trúc đặc biệt là xử lý nợ xấu, tăng vốn khả dụng để nâng CAR phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng như đẩy mạnh hoạt động bancassurance với các công ty bảo hiểm, đã đạt thành quả nhất định và tiếp tục duy trì duy trì 7 đại diện trong bảng xếp hạng 2018 và 2019.

Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đánh giá nhóm ngân hàng có yếu tố nhà nước đang có sự vươn lên. Các ngân hàng tăng trưởng doanh thu trung bình cao năm nay đều đang tận dụng khai thác tốt mảng tài chính tiêu dùng, dẫn đầu là TP Bank (39%), và các ngân hàng sở hữu các công ty tài chính tiêu dùng như MBB với Mcredit, HD Bank với HDSaigon, VP Bank với FE Credit.

Hơn 300 doanh nghiệp tham dự sự kiện Top 50 năm 2020.
Hơn 300 doanh nghiệp tham dự sự kiện Top 50 năm 2020.

Bảng xếp hạng năm nay cho thấy, trong Top 10 công ty hàng đầu vẫn, ngành bán lẻ tiếp tục dẫn đầu với: Thế Giới Di Động (MWG), Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ). MWG tiếp tục giữ vị trí đầu bảng khi duy trì ROE trung bình hơn 40%. Nhóm ngành bán lẻ tiếp tục được hưởng lợi từ nền kinh tế tiêu dùng của Việt Nam (cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người tăng cũng như gia tăng trong việc mua sắm trực tuyến).

 

Ngoài ra, nhóm thực phẩm - hàng tiêu dùng còn có Nam Việt (ANV), Vinamilk (VNM), Vĩnh Hoàn (VHC), Tập đoàn Thiên Long (TLG) với Sabeco (SAB), các doanh nghiệp này cho thấy sự thiết yếu của mình khi hầu như đều duy trì tỉ suất ROE (tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) trung bình khá ổn định trên 30%.

Nhìn chung các doanh nghiệp bất động sản trong danh sách Top 50 năm nay có tăng trưởng doanh thu trung bình 3 năm, tuy giảm nhẹ xuống 30% nhưng tỉ suất sinh lời ROE lại đạt được cao hơn với 24%. Điều này cho thấy tuy điều kiện khá thách thức nhưng các doanh nghiệp vẫn cho thấy sức mạnh hiệu quả kinh doanh của mình.

Một gương mặt mới gia nhập Top 50 năm nay là Vinhomes (VHM) và một gương mặt cũ quay lại danh sách là Tập đoàn CEO. VHM với các con số vượt trội như tăng trưởng doanh thu trung bình 3 năm lên tới 66% còn ROE trung bình đạt 44%. Năm 2020, VHM được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ động lực từ 3 đại dự án Ocean Park, Smart City và Grand Park.

Xét về tỉ suất sinh lời cổ phiếu, đứng đầu là Phát Đạt (PDR) với 240%, tiếp theo là Vingroup (VIC) với 231%. PDR có một năm 2019 thành công với việc bàn giao nhà ở và chuyển nhượng tại 2 dự án The EverRich 2 và The EverRich 3. Hiện PDR đang chuyển đầu tư về các dự án dân cư ở tỉnh như Phú Quốc, Bình Định, Quảng Ngãi và tập trung vào các dự án BT để mở rộng quỹ đất TP.HCM.

Các doanh nghiệp bất động sản được vinh danh lần này là HDG, DXG, PDR, VHM, VIC, NLG, NVL, KDH. Tập đoàn Hà Đô (HDG) và Đất Xanh (DXG) đứng thứ hạng khá cao trong danh sách năm nay, lần lượt thừ 2 và thứ 5. Trong đó, năm 2019, HDG tăng tới 35% doanh thu và 47% lợi nhuận nhờ thành công với dự án Hado Centrosa Garden, vốn được giới đầu tư đánh giá khá cao về vị trí, hình ảnh cũng như xây dựng.

NGÔI SAO TỈ ĐÔ

So với năm 2018, vốn hóa của Top 50 công ty năm nay đạt khoảng 77,3 tỉ USD, giảm mạnh 17%. Đại diện TVS đánh giá, sự giảm mạnh về mặt vốn hóa chủ yếu là do đợt giảm mạnh khoảng 30% của thị trường chứng khoán vừa qua do lo ngại dịch bệnh và trong năm 2019, các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết mới trong 2019 không có nhiều. Trong 2019 chỉ có 1 thương vụ nổi bật là Công ty SK của Hàn Quốc mua lại cổ phần của nhóm Vingroup với giá trị khoảng 1 tỉ USD.

Tọa đàm với chủ đề Top 50 vs Corona.
Tọa đàm với chủ đề Top 50 vs Corona.

Ngoài ra lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cũng thấp (khoảng 203 triệu USD so với 1,8 tỉ USD năm 2018) cho thấy nhà đầu tư nước ngoài dần rút bớt tiền ra khỏi thị trường mới nổi do lo ngại về rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, những khi thị trường giảm mạnh, nhiều công ty dư thừa tiền mặt như Vinhome, Vin Retail và HD Bank mua lại cổ phiếu trên thị trường để làm cổ phiếu quỹ.

 

Xét về hoạt động kinh doanh, Top 50 năm 2019 lại thể hiện sự vượt trội về cả doanh thu và lợi nhuận ròng tạo ra. 50 doanh nghiệp này tạo ra hơn 60,5 tỉ USD doanh thu (tăng 17%) và 7,1 tỉ USD lợi nhuận ròng (tăng 30%). TVS nhận thấy, mức tăng tốt nghiêng về nhóm ngân hàng (VCB, BID, ACB, TPB), tiêu dùng (MWG, PNJ) và công nghệ (FPT).

Chính sự năng động của nền kinh tế trẻ Việt Nam là động lực cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp hàng đầu. Theo ước tính của TVS, tổng vốn hóa Top 50 chiếm đến 76% vốn hóa thị trường sàn HOSE, ROE chung của Top 50 năm 2019 đạt tới 21,4% trong khi mức bình quân của các công ty niêm yết khoảng 14,9%. Điều này đã tạo nên mức định giá hấp dẫn hơn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp.

Năm nay, danh sách Top 50 có 18 doanh nghiệp tỉ USD như năm trước. Ngân hàng vẫn dẫn đầu với 7 thành viên, còn lại dàn trải khá đều ở các nhóm ngành từ tài chính, bán lẻ cho đến công nghiệp, hàng không.

18 công ty trong danh sách Công ty tỉ đô
18 công ty trong danh sách Công ty tỉ đô

Năm 2020 sẽ là một năm rất thách thức với cộng đồng doanh nghiệp cả Việt Nam lẫn thế giới. Tuy nhiên, vẫn có đó một số điểm sáng mà TVS nhận định: “Mặc dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng dương 1,81% - mức tăng khá tốt so với phần còn lại của nền kinh tế. Sự tích cực của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ giảm bớt tác động của dịch bệnh đến hiệu quả của các doanh nghiệp”. TVS cũng đưa ra 3 yếu tố tích cực trong 6 tháng cuối năm và kỳ vọng có những “ngôi sao” trong Top 50 năm kế tiếp.

>>Danh sách Top 50 2020 tại đâyhttp://top50.nhipcaudautu.vn/bang-dep-hang-Top50-2019.pdf


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày