Tài Chính

Soi vào chứng chỉ quỹ

Viết Nguyên Thứ Ba | 03/05/2022 07:29

Trụ sở của VinaCapital tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa.

Các quỹ vẫn sinh lời tốt giữa lúc VN-Index giảm điểm từ đầu năm đến nay.
Trụ sở của VinaCapital tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những phiên giảm mạnh khiến không ít cổ phiếu nằm sàn và trắng hẳn bên mua. Đây được xem là phản ứng của thị trường trước tình hình vĩ mô không nhiều hỗ trợ tích cực trong khi hàng loạt lãnh đạo của FLC, Tân Hoàng Minh và Louis Holdings... đã bị bắt.

Dù vậy, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, “những động thái chấn chỉnh thị trường là rất cần thiết để lành mạnh hóa thị trường trong dài hạn, hướng tới thông lệ chung của những nước phát triển”.

Bất chấp nhà đầu tư trong nước bán tháo, 8 phiên gần đây (từ ngày 19-28/4), khối ngoại đã mua ròng nhiều hơn với tổng giá trị hơn 3.900 tỉ đồng. Ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định và thị trường chứng khoán đang có sự phát triển cơ bản về chất đã giúp tăng sức hấp dẫn của thị trường đối với nhà đầu nước ngoài.

Về quy mô giao dịch, theo Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan, với giá trị giao dịch bình quân đạt 30.845 tỉ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước.
 

 

Nếu xét về định giá, tại ngày 20/4, VN-Index đang có mức P/E năm 2022 là 12,2 lần, thấp hơn hẳn so với trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần). Dữ liệu Reuters cũng dự đoán, tỉ lệ P/E của Việt Nam năm nay khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức 16-17 lần tại các thị trường Đông Nam Á.

Trong khi đó, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết lại khả quan. Chẳng hạn, PNJ ghi nhận doanh thu và lãi ròng quý I/2022 lần lượt đạt 10.143 tỉ đồng và 712 tỉ đồng, tăng 41,2% và 40,7% so với cùng kỳ. Hay 3 tháng đầu năm nay, FPT cũng đạt 9.730 tỉ đồng doanh thu và 1.779 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 30% so với cùng kỳ. 

Thực tế, dù nghi ngại với diễn biến thị trường nhưng số lượng nhà đầu tư mới tham gia chứng khoán vẫn tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 675.000 tài khoản mở mới, nâng tổng số tài khoản chứng khoán ở Việt Nam lên hơn 4,9 triệu, xấp xỉ 5% dân số và vượt xa mục tiêu Chính phủ đề ra.

 

Ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO của S-Talk, nhận định: “Chứng khoán vẫn là kênh tốt, đáng để ưu tiên”. Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán 2020-2021 còn “dễ ăn” thì sang năm 2022, theo ông Điệp, độ khó đã tăng lên và rất có thể trong vài thời điểm sẽ có những cú sụt giảm sâu. Đây sẽ là cơ hội bắt đáy.

Cũng theo ông Điệp, năm 2022 nhà đầu tư đạt tỉ suất sinh lời 25-35% là có thể hài lòng. Nếu trừ lạm phát từ 10%, nhà đầu tư vẫn đạt được lãi khoảng 20%. Việc dự báo và lên chiến lược đầu tư là rất quan trọng nhưng ông Điệp cho rằng, sẽ không thể đúng cho mọi hoàn cảnh của từng cá nhân riêng biệt. Vì thế, không phải cứ bắt chước theo khuôn mẫu nào đó là sẽ thành công. “Quan trọng hơn là mở rộng tư duy, xem xét mọi điều dưới nhiều góc độ để có thể xử lý các sự kiện bất ngờ, cũng như đạt hiệu quả đầu tư tốt”, ông nhấn mạnh.

Trường hợp nhà đầu tư không đủ am tường cũng như thời gian để tự tin đầu tư, giải pháp đề xuất là nhờ đến tư vấn của các chuyên gia hoặc mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư.

Hai quỹ mở của VinaCapital là Quỹ Đầu tư Cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) và Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) đã giữ vị trí hàng đầu về lợi nhuận năm 2021. Sang quý I năm nay, 2 quỹ này vẫn tiếp tục vị trí dẫn đầu. Cụ thể, Quỹ VEOF đã đạt lợi nhuận 8,6%, còn Quỹ VESAF xếp ngay sau với lợi nhuận 8,1%. Mức lợi nhuận của 2 quỹ đặt trong bối cảnh thị trường biến động khá lớn và VN-Index giảm 7,6% tính từ đầu năm đến nay càng cho thấy sự kỹ lưỡng trong quy trình xây dựng danh mục, thẩm định, quản lý rủi ro chặt chẽ của VinaCaptial. 
 

Ảnh: Quý Hòa
Ảnh: Quý Hòa.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital, “các quỹ mở đã được quản lý chủ động bởi đội ngũ đầu tư giàu kinh nghiệm nên mới có khả năng vượt tăng trưởng của thị trường, đem lại lợi nhuận tốt và sự an tâm cho nhà đầu tư trong dài hạn”.

Ở các quỹ nội địa, quý I/2022, Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Hàng đầu VCBF đạt lãi 6%, Quỹ Đầu tư Tăng trưởng VCBF lãi 5,9%. Hai quỹ còn lại đạt mức lãi thấp hơn nhưng tính chung, 4 quỹ của VCBF đang quản lý tổng tài sản hơn 1.050 tỉ đồng của gần hơn 5.000 nhà đầu tư, tính đến ngày 31/3/2022.

Ông  Vũ Quang Đông, Tổng Giám đốc VCBF, đánh giá: “Chứng khoán đã và đang là kênh đầu tư phân bổ tài sản rất tốt. Tuy nhiên, những câu chuyện của đầu năm 2022 đã cho thấy thị trường chứng khoán không phải là thị trường dành cho cá nhân không hiểu biết kỹ càng về các loại đầu tư cổ phiếu”. Theo ông Đông, các công ty quản lý quỹ với sự chuyên nghiệp có thể giúp các cá nhân đầu tư và quản lý tiền hiệu quả hơn.

2022 thực sự là một năm có nhiều thách thức khi chiến tranh Nga - Ukraine chưa biết khi nào kết thúc, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết xong dịch COVID-19... gây ảnh hưởng chuỗi cung ứng, thị trường năng lượng và sản xuất toàn cầu. Trong khi đó, ở Việt Nam, các chính sách liên quan đến tài khóa, tiền tệ vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là giải ngân công tiếp tục bị chậm.

Trước tình hình này, ông Vũ Quang Đông khuyến nghị, không nên kỳ vọng quá cao vào thị trường chứng khoán. Dù vậy, VCBF vẫn tin đi kèm rủi ro là cơ hội và nhà đầu tư sẽ tin tưởng, gia tăng gửi tiền vào các quỹ đầu tư. Bằng chứng là quỹ mới của VCBF - Quỹ Đầu tư Tăng trưởng VCBF (VCBF-MGF) đã IPO thành công.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày