Thế giới

4 rủi ro nghiêm trọng với kinh tế Mỹ nếu Fed kích thích thêm

Thứ Hai | 30/07/2012 13:52

Trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục, các kích thích mới có thể không những không mang lại nhiều hiệu quả, mà còn ẩn chứa bất ổn với kinh tế Mỹ.
Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke từng tuyên bố trước Quốc hội Mỹ hồi tuần trước nữa về việc Fed sẵn sàng hành động kích thích nếu kinh tế Mỹ vẫn gặp khó khăn trong hồi phục. Vấn đề này đang càng nóng lên khi Mỹ công bố tăng trưởng quý II chỉ đạt 1,5%, chậm hơn tốc độ tăng 2% quý I, và Fed có cuộc họp kéo dài 2 ngày trong tuần này. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro như sau:

Lạm phát tăng nhanh

Hiện tại, số tiền Fed bơm vào các ngân hàng vẫn chưa được đẩy ra cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục với tốc độ nhanh hơn, tiền sẽ được bơm vào kinh tế rất nhanh, đẩy lạm phát lên cao.

Ông Bernanke phủ nhận nguy cơ này, lấy dẫn chững lạm phát hiện tại vẫn dưới mục tiêu 2%/ năm của Fed. Tiền lương cũng không tăng nhanh, trong khi nhu cầu tín dụng khá yếu, và giá nhà vẫn ở mức thấp nhất 9 năm. Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ bắt đầu cải thiện, nguy cơ lạm phát vẫn là mối nguy nếu Fed không hành động kịp thời ngăn chặn lạm phát.

Lãi suất tăng vọt

Khi giá cả tăng cao, Fed sẽ bắt đầu tăng mạnh lãi suất liên bang, tức lãi suất tiền gửi qua đêm của các ngân hàng, vốn là công cụ can thiệp kinh tế hiệu quả của Fed.

Việc này sẽ tác động đến mọi thứ từ lãi suất thế chấp, các khoản vay mua ô tô, cho tới lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Một cách kiểm soát ông Bernanke từng đề cập là tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc của ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng dự trữ nhiều tiền dư thừa tại Fed hơn, thay vì cho vay, từ đó làm giảm tốc độ tiền bơm vào nền kinh tế.

Khủng hoảng thị trường trái phiếu

Một trong những biện pháp kích thích được bàn tới nhiều nhất là Fed khởi động vòng mua tài sản quy mô lớn thứ 3, còn được biết tới với cái tên nới lỏng tiền tệ (QE 3). Các dạng của chương trình này là mua thêm trái phiếu chính phủ, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, hay một số dạng tài sản kết hợp của cả 2.

Chính Fed cũng thừa nhận mua trái phiếu kho bạc tiềm ẩn rủi ro. Hiện tại, Fed nắm giữ lượng lớn tới 1.700 tỷ USD trái phiếu khó bạc Mỹ, so với 1.200 tỷ USD của Trung Quốc và 1.100 tỷ USD của Nhật. Khi Fed mua thêm trái phiếu, liệu Fed có thể bán lượng trái phiếu này đi hay khó có thể biết được. Sự bất ổn này sẽ khiến người mua trái phiếu lớn, như Trung Quốc và Nhật Bản tháo chạy, Jeffrey Bergstrand, giáo sư tài chính tại Đại học Notre Dame, và cựu kinh tế gia của Fed nhận định.

Các gói kích thích không có tác dụng

Một số người cho rằng với lãi suất dao động xung quanh 0%, bất kỳ hành động nào của Fed không có nhiều tác động tới nền kinh tế.

Bên cạnh chương trình mua tài sản, Bernanke cũng đưa ra vài lựa chọn ích thích, nhưng kết quả của chúng có thể cũng rất hạn chế.

Ví dụ, Fed có thể thông báo giữ lãi suất gần 0% ít nhất tới 2015, từ dự báo năm 2014 đưa ra trước đó. Tuy nhiên, cam kết này có thể không thuyết phục, khi ủy ban chính sách Fed vốn dĩ thay đổi lịch trình vài lần trước đó. Fed đứng trước nguy cơ đánh mất uy tín của chính mình.

Một lựa chọn khác là Fed hạ lãi suất cho các khoản dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, từ đó thúc đẩy các ngân hàng bơm khoản tiền này vào nền kinh tế. Hiện tại, lãi suất này đang ở 0,25%.

Tuy nhiên, các ngân hàng Mỹ vốn có số dự trữ khổng lồ, nhưng vẫn chưa thể thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, chính sách này nhiều khả năng không có hiệu quả mấy.

Nguồn CNN/ Khampha


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày