Công nhân may mặc trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực triền miên
Các thương hiệu thời trang đã hủy bỏ đơn đặt hàng ước tính 15 tỉ USD khi lệnh phong tỏa toàn cầu đóng cửa các cửa hàng bán lẻ vào đầu năm nay. Ảnh: WWD
Theo The Guardian, hậu quả thảm khốc của việc ngành công nghiệp thời trang quyết định hủy các đơn đặt hàng quần áo trị giá hàng tỉ USD khi đại dịch bắt đầu, đã khiến công nhân may mặc trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực triền miên do lương giảm và các nhà máy đóng cửa.
Công nhân may mặc Bangladesh biểu tình để đòi tiền lương. Ảnh: Barcroft Media. |
Cuộc khảo sát gần 400 công nhân may mặc ở Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Lesotho, Haiti, Ethiopia, El Salvador, Campuchia và Bangladesh do nhóm nhân quyền Worker Rights Consortium (WRC) thực hiện, cho thấy: gần 80% công nhân may mặc của các thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới đang trong tình trạng đói khát. Gần 1/4 những người được khảo sát đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực hàng ngày.
Khoảng 60% những người được phỏng vấn vẫn đang làm việc trong các nhà máy sản xuất quần áo cung cấp cho các nhãn hiệu ở nước ngoài. Trên tất cả 9 quốc gia, người lao động đã bị giảm lương trung bình 21% kể từ đầu năm. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người không thể trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản.
Những người khác đã mất việc làm khi nhà máy đóng cửa, sa thải hoặc đình chỉ công nhân sau khi các thương hiệu hủy đơn đặt hàng hoặc ngừng hoạt động kinh doanh khi đại dịch bắt đầu.
Giám đốc nghiên cứu chiến lược Penelope Kyritsis tại WRC cho biết: “Các thương hiệu phải chịu trách nhiệm đáng kể đối với tình trạng những công nhân may mặc nghèo khổ đang phải đối mặt.
Công nhân may mặc Campuchia về nhà sau ca làm việc. Các cuộc phỏng vấn với gần 400 công nhân ở 9 quốc gia cho thấy mức lương trung bình giảm 21% kể từ khi bắt đầu đại dịch. Ảnh: AP. |
Ngành công nghiệp thời trang đã khiến người lao động ở nước ngoài dễ bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng này bằng cách trả cho họ mức lương thấp kỷ lục. Điều đó khiến người lao động không được bảo vệ và không thể chống chọi với những cú sốc kinh tế của đại dịch. Và phản ứng của ngành đối với cuộc khủng hoảng thường khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Trừ khi có điều gì đó được thực hiện để giúp đỡ họ, chúng tôi sẽ thấy sự đau khổ to lớn trên khắp các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một công nhân may mặc người Campuchia mất việc vào tháng 4 khi nhà máy của cô đóng cửa sau khi các thương hiệu ngừng kinh doanh và hủy đơn đặt hàng. Cô cho biết mình vẫn chưa được trả lương và đang nợ hơn 2.000 USD. Cô buộc phải vay nợ và hiện chỉ ăn một bữa mỗi ngày để đảm bảo đủ thức ăn cho con gái 3 tuổi.
Để có thể tiếp tục cho con ăn, 75% công nhân đã vay nợ hoặc nợ nần chồng chất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Một công nhân may mặc khác từ Indonesia cho biết nhà máy cô làm việc đã phá sản vào tháng 9 do đơn đặt hàng bị hủy từ các khách hàng nước ngoài. Hiện cô đang sống nhờ vào quỹ từ thiện của những người hàng xóm và không thể trả nợ.
Theo nữ công nhân, “Không có công việc nào khác ở đây ngoài các xưởng may. Tôi bây giờ đã 40 tuổi và mỗi khi tôi cố gắng xin việc họ đều nói rằng tôi quá già. Tôi không biết làm cách nào để trả số tiền mà mình đã nợ”.
Giáo sư chính trị Genevieve LeBaron tại Đại học Sheffield cho biết: nợ của các công nhân đang tăng dần là một trong những khía cạnh đáng báo động nhất của nghiên cứu.
Giáo sư Genevieve LeBaron nói rằng: “75% trong số 400 công nhân mà chúng tôi trao đổi, họ đang vay tiền để mua thực phẩm. Gần một nửa số công nhân này vẫn đang làm việc tại cùng một nhà máy đã thuê họ trước đại dịch. Điều đó có nghĩa là ngay cả những người quản lý cố gắng để giữ công việc của họ tồn tại cũng đang gánh nợ để đối phó với thu nhập giảm”.
Theo bà Genevieve LeBaron, “Điều quan trọng nhất là các công nhân may mặc đến từ 9 quốc gia có nhân khẩu học về công nhân và ngành rất khác nhau đều gặp khó khăn như nhau... Đây là một hệ thống mà những người lao động ở phía dưới phải chịu mọi rủi ro và phải trả giá khi mọi việc không như ý muốn”.
Các thương hiệu thời trang đã hủy bỏ đơn đặt hàng ước tính 15 tỉ USD khi lệnh phong tỏa toàn cầu đóng cửa các cửa hàng bán lẻ vào đầu năm nay.
Hàng tồn kho từ các đơn đặt hàng bị hủy tại một nhà máy ở Bangladesh. Ảnh: The Guardian. |
Các công ty thời trang đã sử dụng các điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng của họ với các nhà cung cấp ở nước ngoài để hủy các đơn đặt hàng hiện có. Nhiều đơn hàng trong số này đã được hoàn thành nhưng các thương hiệu từ chối nhận hàng. Điều đó khiến các nhà cung cấp mắc kẹt với hàng triệu tấn hàng tồn kho chưa bán được.
Các nhà máy cũng buộc phải đóng cửa vì COVID-19. Việc người mua nước ngoài từ chối tiếp tục trả lương cho người lao động trong khi kinh doanh bị đình chỉ, dẫn đến tình trạng dư thừa giờ làm hàng loạt và giảm lương.
Worker Rights Consortium cho biết: mặc dù một số nhà bán lẻ đã đồng ý thanh toán đầy đủ cho các đơn đặt hàng bị hủy, những những người khác vẫn từ chối. Một phân tích gần đây về dữ liệu nhập khẩu của chính phủ cho các thị trường Mỹ và châu Âu đã xác định mức lỗ nhập khẩu quần áo 16 tỉ USD cho năm 2020, phần lớn là do các đơn đặt hàng bị hủy.
Giám đốc nghiên cứu chiến lược Penelope Kyritsis cho biết: “Điều đáng lo ngại nhất là các thương hiệu hiện đang khai thác sự tuyệt vọng của các nhà cung cấp đối với các đơn đặt hàng bằng cách yêu cầu giá thấp hơn và lịch thanh toán chậm hơn. Điều này làm tăng áp lực giảm lương và khiến việc mất việc nhiều hơn là không thể tránh khỏi”.
Ngành công nghiệp thời trang nên hỗ trợ tiền mặt cho người lao động ở nước ngoài trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19 và đảm bảo rằng người lao động đang được trả lương thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp.
Có thể bạn quan tâm:
► COVID-19 tạo nên những cuộc cạnh tranh lâu dài
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư