Thế giới

Goldman Sachs: Không có suy thoái

Hiệp Khổng Thứ Hai | 06/01/2020 08:49

Ảnh: BBN

Lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới đã được Goldman Sachs gạt bỏ.
Ảnh: BBN

2 câu hỏi lớn làm đau đầu các nhà đầu tư thời điểm đầu năm mới là: Có xảy ra suy thoái kinh tế hay không và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn biến ra sao?

Thương chiến đạt đỉnh

Trong năm qua cũng đã có các tín hiệu lo ngại suy thoái ở châu Âu, Mỹ, hoặc suy thoái ở Singapore, Hồng Kông. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2019, để ngăn chặn kịch bản suy thoái, ngân hàng trung ương các nước đang giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đầu năm 2020, các “ông trùm” tài chính đang có cái nhìn khá tích cực về năm 2020 và gạt đi mối lo suy thoái.

Vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống 3%, nhưng vẫn giữ mức ước tính cho năm 2020 là 3,4%. Trước tiên là sự lạc quan của nền kinh tế Mỹ khi mới đây, Goldman Sachs cho rằng thuế quan giữa 2 nước Mỹ - Trung đã “đạt đỉnh”. Goldman Sachs cho rằng trọng tâm 2020 sẽ là kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ và từ đây đến khi có kết quả bầu cử chính thức, thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không tăng thêm đáng kể. Dấu hiệu rõ ràng nhất là sự thành công trong thỏa thuận giai đoạn 1 tháng 12.2019.

Tổ chức này cũng khẳng định chính quyền của ông Donald Trump cũng có rất ít động lực để khơi lên cuộc chiến thuế quan với châu Âu. Mỹ sẽ sớm có thỏa thuận với các nhà sản xuất xe hơi châu Âu để tăng lượng sản xuất tại Mỹ. Theo đó, Goldman Sachs cũng tin tưởng sẽ không có đợt suy thoái trong năm 2020. Lý do là căng thẳng thương mại có phần xoa dịu; lạm phát lõi của Mỹ còn quá thấp để có thể tạo áp lực lên chính sách tiền tệ; kinh tế tư nhân vẫn cho thấy những kết quả tài chính mạnh mẽ trong dài hạn.

Kinh tế Mỹ cho thấy sự kéo dài sự tăng trưởng trong ít nhất 2 năm nữa. Ngân hàng đầu tư thuộc hàng lớn nhất nước Mỹ cho rằng: “Tuy có nhiều mô hình dự báo khủng hoảng trong 12 tháng tới nhưng có lẽ chúng ta sai”.

Trong tháng 12.2019, ngân hàng đầu tư hàng đầu Thụy Sĩ UBS cũng tin rằng các cuộc đàm phán thương mại với châu Âu đang tiến triển khả thi. Theo đó, lạm phát chậm hơn nhờ hiệu ứng tốt từ các dự án về năng lượng. Khả năng cao là sẽ tích cực mà không cần thêm sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Ở Đức, các biện pháp tài khóa vừa phải và thương mại thế giới tốt hơn sẽ ổn định khu vực sản xuất của nước này. Ở Pháp, sự suy yếu các cuộc biểu tình, cải cách và kích thích tài khóa vàng sẽ giúp bảo vệ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Ý tiếp tục tăng trưởng ổn định sau áp lực về rủi ro trái phiếu. Chỉ có 20% khả năng kinh tế châu Âu sẽ rơi vào suy thoái nếu Brexit lại khó khăn mới hay rủi ro mới từ Trung Quốc.

Khởi đầu của "thế kỷ châu Á"

Đối với châu Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá mặc dù vẫn mạnh mẽ, xong mức độ sẽ tiếp tục ở mức vừa phải khi đầu tư trong nước suy yếu do ảnh hưởng của thương mại toàn cầu chậm lại, căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Trừ khu vực Trung Á, nơi tăng trưởng được dự báo sẽ mạnh hơn, còn ở Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng GDP được duy trì ở mức 4,7% cho năm 2020.

Theo đó, ADB hạ kỳ vọng cho Singapore và Thái Lan trong khi nâng cấp cho Brunei và Việt Nam. Ở Brunei và Việt Nam, sản lượng tăng mạnh bất ngờ được thúc đẩy bởi xuất khẩu nhanh chóng. Ngoại trừ 2 nền kinh tế này, đa phần các nền kinh tế ở châu Á tiếp tục giảm xuất khẩu và đầu tư yếu hơn. Theo ông Jonathan Ostry, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF, trong bối cảnh kinh tế châu Á có độ mở lớn, lệ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư, sự đi xuống trên phương diện thương mại, đầu tư và chế tạo… sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á giảm mạnh. Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất và trở thành động lực trọng yếu, đóng góp tới trên 2/3 tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo định nghĩa của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hiệp Quốc, quy mô kinh tế châu Á năm 2020 sẽ lớn hơn tổng quy mô kinh tế của các khu vực khác trên thế giới. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ thế kỷ XIX, châu Á làm được điều này.

Gần đây, VinaCapital cũng có đánh giá về kinh tế Việt Nam 2020, Việt Nam trong năm 2019 là một ví dụ cho khái niệm “Nền kinh tế Goldilocks” - kinh tế không quá nóng hay lạnh, nói cách khác là duy trì tăng trưởng kinh tế vừa phải với lạm phát thấp, tạo điều kiện cho một chính sách tiền tệ thân thiện. Ngành tiêu dùng Việt Nam vẫn có mức độ tự tin thuộc hàng cao nhất trên thế giới và tiêu dùng hộ gia đình tiếp tục cao.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã mang lại một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ mở rộng trong lĩnh vực sản xuất mà trước đó đã có sự chuẩn bị trước từ phía các doanh nghiệp. Theo đó, 2019 đã là một năm tăng trưởng vững chắc khác của Việt Nam. Quỹ đầu tư quản lý hơn 3,3 tỉ USD này kỳ vọng câu chuyện tích cực này sẽ tiếp tục vào năm 2020, vượt qua hầu hết các cơn bão bên ngoài có thể xảy ra.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày