Thế giới

Vì sao Trung Quốc không thể giải quyết được vấn đề nợ?

Thứ Ba | 09/08/2016 17:21

Từ lâu kinh tế Trung Quốc đã có sẵn khuôn mẫu: Nếu tăng trưởng bắt đầu giảm tốc, các nhà hoạch định chính sách sẽ giải quyết bằng kích thích tài chính.

Cùng với số liệu thâm hụt chính thức lạc quan, lập luận này có vẻ ổn trong một thời gian.

Tuy vậy, thực tế hiện nay là việc can thiệp mạnh mẽ. Tình hình tài chính công của Trung Quốc đang xấu hơn so với suy nghĩ thông thường. Trong bối cảnh nợ tăng cao và tăng trưởng kinh tế èo uột, khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính phủ ngày càng bấp bênh. Nếu không cải cách, sẽ có một số hậu quả xấu.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự đoán thâm hụt ngân sách của Trung Quốc sẽ đứng ở mức 3% GDP trong năm 2016, với gánh nợ có thể quản lý tương đương 46,8% nền kinh tế, đứng thứ 100 trong số 184 nước được IMF theo dõi. Nhìn qua, tình hình này có vẻ tương đối ổn.

Song thực tế, số liệu mà IMF sử dụng chỉ bao gồm nợ của chính phủ trung ương mà không tính đến nợ của các tỉnh và thành phố. Vì hơn 80% chi tiêu công ở Trung Quốc đến từ các chính quyền địa phương, số liệu trên vướng thiếu sót quan trọng. Giả sử các chính quyền địa phương phát sinh khoản nợ tối đa theo luật định năm ngoái là tổng cộng 16.000 tỷ nhân dân tệ, thì bạn sẽ có gấp đôi tổng nợ công, tăng thêm 47% GDP.

Dù vậy, giả định này vẫn khá hào phóng. Kết quả kiểm tra của Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc năm 2013 cho thấy, dư nợ đang là 18.000 tỷ nhân dân tệ (NDT). Nói cách khác, khối nợ này đã vượt quá giới hạn quy định năm 2015 từ 3 năm trước.

Kể từ đó, tình hình tài chính địa phương ngày một xấu hơn. Năm 2015, IMF ước tính thâm hụt tài khóa của Trung Quốc là 10% GDP. Mới đây, Goldman Sachs cũng đưa ra ước tính con số này là khoảng 15% GDP. Đây là những con số "khủng": Cả IMF và Goldman Sachs đều cho rằng mức tổng thâm hụt của Trung Quốc ngang bằng hoặc tồi tệ hơn so với Mỹ thời điểm giữa khủng hoảng tài chính 2008.

Trung Quốc vẫn che giấu phần nào gánh nợ thực. Chính quyền địa phương - đang cố gắng tránh giới hạn nợ - thường đảm bảo tài trợ vốn ngoại bảng và tạo ra các doanh nghiệp nhà nước để thay mặt họ theo đuổi nhiều dự án. Năm ngoái, nợ tăng mạnh đến mức Bắc Kinh phải thiết kế biện pháp cứu trợ bằng cách buộc hoán đổi nợ với các ngân hàng nhà nước.

Hơn nữ, giới đầu tư và các hãng xếp hạng vẫn gặp khó trong việc phân biệt rõ ràng nợ công và nợ tư nhân. Giả định được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc là chính phủ đứng sau hầu hết nợ của doanh nghiệp nhà nước, các công ty chiến lược. Nhà đầu tư có xu hướng tin rằng chính phủ sẽ hỗ trợ hầu hết các doanh nghiệp hay dự án lớn.

Đến nay, họ vẫn đúng. Dù tỷ lệ vỡ nợ tăng cao, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa cho phép bất cứ công ty lớn nào sụp đổ do lo ngại châm ngòi cho cuộc khủng hoảng. Căng thẳng ngày một tăng trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, cộng với việc nợ công đang tăng và là vấn đề nghiêm trọng hơn so với những gì số liệu chính thức thể hiện, chính phủ đang ngày càng bị hạn chế.

Có vài phươn thức Bắc Kinh có thể sử dụng để giải quyết mớ bòng bong này. Quá trình giảm nợ phải được đặt lên hàng đầu. Hạn chế mức vay của chính quyền địa phương đơn giản chỉ khuyến khích nhiều phương án mới và sáng tạo để họ giấu nợ, việc này khiến việc kiểm soát nợ hiệu quả trở nên khó khăn hơn. Cách làm hiệu quả nhưng ít hấp dẫn hơn về mặt chính trị là cho phép các công ty “xác sống” sụp đổ, làm chậm tốc độ đầu tư và chấp nhận tăng trưởng GDP thấp hơn.

Thay vào đó, Bắc Kinh dường như vẫn đang “cầu nguyện”, hy vọng rằng tăng thêm kích thích sẽ giúp họ vượt qua nhiều vấn đề, hệt như câu chuyện cách đây một thập niên. Song giai đoạn hậu 2000 rất khác biệt khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng trưởng kinh tế toàn cầu đẩy mạnh doanh thu xuất khẩu và ngân sách trở nên hợp lý một cách kỳ diệu. Chính phủ Trung Quốc phải chấp nhận rằng lịch sử khó có thể lặp lại.

Nếu chính phủ Bắc Kinh không thể chấp nhận được điều này, núi nợ xấu, thâm hụt ngân sách ở 2 con số và hệ thống tài chính thiếu vững chắc sẽ trở thành sự kết hợp ngày càng biến động. Nhiều nhà đầu tư bi quan, những người dự báo đợt phá giá tiền tệ lớn và khủng hoảng ngân hàng, hiểu rõ những rủi ro đi kèm với sự hoang phí. Nếu tín dụng Trung Quốc không thể tăng mãi, nó phải dừng lại, dù đấy là do cố ý hay bị ép buộc.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày