Kinh Doanh

Cỗ máy thép 4.400 tỷ oằn mình tái khởi động

Thứ Ba | 15/12/2015 11:35

Nhận được 1.000 vốn hỗ trợ của SCIC, nhưng TISCO lại lấy mang đi gửi ngân hàng thay vì đầu tư vào dự án và kết quả dự án vẫn treo.

Mang gói cứu trợ 1.000 tỷ đồng của SCIC đi gửi ngân hàng

Mới đây (ngày 17/11), Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 375, xác định điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên làm cơ sở cho dự án được tiếp tục triển khai có hiệu quả.

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên là nhóm A, có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2007. 

Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, dự án trên bị chậm tiến độ và đội vốn lên tới 8.104 tỷ đồng, sau đó lại rơi vào trạng thái dừng thi công từ quý 4/2012 do chưa thu xếp được vốn.

Dự án được thực hiện bởi nhà thầu chính là Công ty China Mctallurgical Group Corporation (MCC), mặc dù dừng thi công nhưng giá trị đầu tư của dự án vẫn không ngừng tăng lên và đến thời điểm 30/09/2015, tổng vốn đầu tư đã vượt ngưỡng 4.400 tỷ đồng.

Co may thep 4.400 ty oan minh tai khoi dong
 

Những đống sắt hoen gỉ tại Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên có tổng mức đầu tư lên đến 8.104 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, các đơn vị liên quan đã và đang hỗ trợ tối đa để Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên có thể tháo gỡ khó khăn về vốn trong việc triển khai Dự án.

Cụ thể, cuối tháng 01/2015, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vay bổ sung 1.359 tỷ đồng. Sau đó không lâu, tháng 3/2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cũng đồng ý với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên khoản góp vốn 1.000 tỷ đồng. Đến tháng 6/2015, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chính thức ký với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hợp đồng vay bổ sung 1.100 tỷ đồng.

Thế nhưng, với khoản góp vốn 1.000 tỷ đồng từ SCIC, TISCO đã làm gì?

Bắt đầu từ cuối quý I/2015, vốn góp của chủ sở hữu tại TISCO tăng thêm 1.000 tỷ đồng từ 1.840 tỷ lên 2.840 tỷ. Phần tài sản của công ty thép đầu ngành này bỗng xuất hiện khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn với số tiền “khủng” tương đương.

TISCO đã dùng 1.000 tỷ đồng để gửi có kỳ hạn 7 tháng bắt đầu từ 19/03/2015 tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lãi suất 5,4%/năm, phương thức trả lãi cuối kỳ. Tính đến 30/09 vừa qua, TISCO hoan hỉ báo cáo thu về hơn 30 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng trong khoản mục doanh thu tài chính.

Trong khi đó, dự án mà đáng lẽ cần được thực hiện vẫn nằm im với đống sắt gỉ mà chưa có giải pháp phù hợp.

Số nợ phải trả tính đến hết tháng 9/2015 của TISCO cũng đã tăng thêm 1.000 tỷ lên 8.768 tỷ đồng, trong đó khoản vay nợ tài chính ngắn hạn các ngân hàng là 2.684 tỷ đồng và dài hạn là 4.009 tỷ đồng.

Thực hư con số lợi nhuận trên báo cáo tự lập

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý III/2015, CTCP gang thép Thái Nguyên báo lãi trước thuế 71,86 tỷ đồng sau 9 tháng – tăng 150% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là một kết quả vượt bậc của TISCO trong quý III khi chỉ 3 tháng trước đó, TISCO ghi nhận khoản lỗ 24,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Theo đó, đến ngày 30/09/2015, số lỗ lũy kế của CTCP Gang thép Thái Nguyên giảm xuống còn 178 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một dấu hỏi đặt ra đối với con số lãi 71,86 tỷ đồng của công ty này khi số liệu “Lợi nhuận trước thuế” trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được lập theo phương pháp gián tiếp 9 tháng 2015 lại là -56,088 tỷ đồng.

Co may thep 4.400 ty oan minh tai khoi dong
Chỉ tiêu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trên BCKQKD hợp nhất quý III/2015 của TISCO là 71.867.285.669 đồng
Co may thep 4.400 ty oan minh tai khoi dong
Chỉ tiêu Lợi nhuận trước thuế trên BCLCTT theo phương pháp gián tiếp lại là -56.088.103.210 đồng

Theo nguyên tắc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chỉ tiêu Lợi nhuận trước thuế (Mã số 01) được lấy từ chỉ tiêu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 50) trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo (ở đây là từ 01/01/2015 đến 30/09/2015).

Thế nhưng, chênh lệch giữa hai số liệu ở đây là 71,86 tỷ đồng và -56,088 tỷ đồng (lỗ 56,088 tỷ đồng) lại được trình bày cùng trên một bộ báo cáo mà TISCO tự lập được công khai trên trang web của Tổng công ty và gửi cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Vậy đâu là con số lãi thực của doanh nghiệp này khi mà từ thời điểm công bố báo cáo hợp nhất (ngày 13/11) đến nay, TISCO chưa có văn bản đính chính số liệu nào thêm.

Nguồn ANTT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày