Kinh Doanh

FAO: Giá lương thực giảm 6 tháng liên tiếp xuống thấp nhất 4 năm

Thứ Sáu | 10/10/2014 08:46

Giá lương thực toàn cầu tháng 9 giảm tháng thứ 6 liên tiếp, đợt giảm dài nhất kể từ 2009, khi giá sữa, ngũ cốc, dầu ăn và đường đều giảm.
Trong báo cáo ra ngày 9/10, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực FAO (BCOM) theo dõi 55 mặt hàng thực phẩm giảm 2,6% xuống 191,5 điểm, thấp nhất từ tháng 8/2010.

Giá đậu nành và ngô trên sàn CBOT Chicago giao dịch ở mức gần thấp nhất 4 năm trong bối cảnh vụ thu hoạch của Mỹ đạt kỷ lục. Hai năm qua, tất cả các nông sản trong Chỉ số Hàng hóa Bloomber, ngoại trừ gia súc, thịt lợn và cà phê, đều giảm, dẫn đầu là ngô, lúa mỳ và đậu nành.

Báo cáo của FAO viết “Giá đường và giá sữa giảm mạnh nhất, tiếp đến là ngũ cốc và dầu ăn. Trong số các yếu tố cơ bản, USD tăng giá tiếp tục gây áp lực lên giá tất cả các mặt hàng”.

Chỉ số Giá Lương thực FAO trung bình tháng 9 đạt 191,5 điểm, giảm 2,6% so với tháng 8 và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là tháng thứ 6 chỉ số này giảm liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2010. Mức giảm trong tháng 9 đánh dấu đợt giảm dài nhất kể từ cuối những năm 1990.

Chỉ số giá sữa trung bình tháng 9 đạt 187,8 điểm, giảm 6,5% so với tháng 8 và giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2013. Giá tất cả các sản phẩm sữa đều giảm, nhất là bột sữa tách kem.

Giá sữa giảm liên tục cho thấy nguồn cung cho xuất khẩu dồi dào, nhất là ở châu Đại Dương. Tại châu Âu, sản lượng bơ và bột sữa tách kem tăng khi nhà sản xuất chuyển từ sản xuất phô-mai cho thị trường Nga.

Chỉ số giá ngũ cốc trung bình tháng 9 đạt 177,9 điểm, tháng thứ 5 giảm liên tiếp và giảm 2,5% so với tháng 8, giảm 8,8% so với tháng 9/2013. Sản lượng cao và nguồn cung cho xuất khẩu dồi dào là lý do chính khiến giá ngô và lúa mỳ giảm. Thậm chí giá gạo – vốn liên tục tăng trong những tháng gần đây – cũng giảm trong tháng 9.

Chỉ số giá dầu thực vật trung bình tháng 9 đạt 162 điểm, giảm 2,8% so với tháng 8. Chỉ số đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Nguyên nhân chính là do giá dầu cọ giảm xuống mức thấp nhất 5 năm do sản lượng tăng trong khi nhu cầu yếu. Bên cạnh đó, ước tính sản lượng đậu nành kỷ lục tại Mỹ cũng gây áp lực lên giá, khiến chỉ số giảm.

Chỉ số giá đường giảm 6,6% xuống 228 điểm do sản lượng toàn cầu dự đoán vượt nhu cầu.
Trong khi đó, chỉ số giá thịt tăng lên 207,8 điểm, cao nhất kể từ 1990 do giá xuất khẩu thị bò tại Australia tăng.

Chỉ số giá lương thực FAO Gafin Nguồn: FAO
Nguồn: FAO

Nguồn Theo DVO/FAO/Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày