Kinh Doanh

Tích tụ ruộng đất để nâng chuỗi giá trị nông lâm thủy sản

Vân Nguyễn Thứ Ba | 31/07/2018 13:30

Bình quân diện tích đất nông nghiệp hiện chỉ khoảng 0,46 ha/hộ. Ảnh: Quý Hòa

Đang có những vướng mắc, cản trở đối với doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản.
Bình quân diện tích đất nông nghiệp hiện chỉ khoảng 0,46 ha/hộ. Ảnh: Quý Hòa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Báo cáo chuyên đề mới nhất đưa nhận định, chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản phát triển mạnh ở khâu sản xuất và tăng trưởng mạnh về thị trường.

"Tuy nhiên, khâu tổ chức phân phối còn yếu, liên kết giữa doanh nghiệp với các tác nhân trong chuỗi giá trị còn chưa bền vững, chưa phát triển phổ biến là do những vướng mắc, cản trở”, báo cáo viết.

Hiện nay, quy mô đất đai của hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún. Cả nước có hơn 27 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó đã giao cho các hộ gia đình quản lý và sử dụng khoảng 15 triệu ha, chiếm 55% tổng diện tích. Bình quân diện tích đất nông nghiệp hiện chỉ khoảng 0,46 ha/hộ và được chia thành 2,83 mảnh.

Quy mô nhỏ lẻ ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp vào liên kết với các hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất sản phẩm NLTS.

Cạnh đó, hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển còn nhiều hạn chế, khó khăn. Các tổ chức đại diện của nông dân (như hợp tác xã, tổ hợp tác…) có đủ năng lực để tổ chức cho người sản xuất liên kết được với doanh nghiệp còn rất thiếu.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 32 liên hiệp HTX nông nghiệp và 11.688 HTX nông nghiệp hoạt động; nhưng có tới hơn 23% số này hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ kéo dài.

Tich tu ruong dat de nang chuoi gia tri nong lam thuy san

Các hoạt động của HTX cũng đa phần còn hạn hẹp, mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Hiện các mô hình HTX, tổ hợp tác… đạt hiệu quả và có khả năng phát triển bền vững chưa phổ biến.

Hiện chỉ có khoảng 10 - 15% số lượng nông sản được tiêu thụ thông qua các tổ hợp tác và HTX, kể cả trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa phát triển như lúa gạo, bò sữa, mía đường, cà phê, hồ tiêu.

Thêm nữa, thị trường nông sản biến động mạnh, cản trở không nhỏ đối với quá trình xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết ở quy mô lớn và dài hạn.

Thị trường nông sản đang ngày càng trở nên bấp bênh, không ổn định và có yêu cầu khắt khe hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa cộng với sự hạn chế về khả năng cung cấp thông tin và nhận thức, tư duy ngắn hạn của cả phía doanh nghiệp và người nông dân.

Ngoài ra, việc liên kết đến nay chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và có hiệu lực, hiệu quả đi kèm với các cơ chế, chế tài đủ mạnh để triển khai được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hợp đồng một cách bền vững.

Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25.10.2013 đến nay vẫn là nền tảng quan trọng và gần như là duy nhất cho mục tiêu khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập so với thực tiễn.

- Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,5 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13,5% so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,9 tỷ USD, tăng khoảng 1,3 tỷ USD so với năm 2016.

- Ngành vẫn duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng là tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ,  đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra 5 giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

Một là, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp thông qua việc tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Hai là, phát triển hợp tác xã nông nghiệp thông qua hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất theo chuỗi đảm bảo sản phẩm đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững về chuỗi giá trị.

Bốn là, phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp để có các giải pháp phòng ngừa rủi ro có hiệu quả, dần tiến đến xóa bỏ tâm lý e dè của các nhà đầu tư đối với mức độ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như Nghị định 57/2018-NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở rộng chương trình cho vay theo chuỗi giá trị.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày