Phong Cách Sống

Nhựa tái chế: Kế hoạch voi, thực tế kiến

Ngô Ngọc Châu Thứ Hai | 11/11/2019 09:58

Ảnh: TL

Các số liệu vừa được công bố cho thấy rất ít bao bì được làm từ vật liệu tái chế.
Ảnh: TL

Các tập đoàn hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới gần như không sử dụng, hoặc sử dụng rất ít nhựa tái chế trong bao bì của mình. Điều đó cho thấy họ còn cách rất xa mục tiêu “xanh” mà mình đặt ra trong bối cảnh dư luận ngày càng phản cảm trước những đại dương ngập tràn vật liệu gây ô nhiễm và những bãi chôn rác cao như núi.

Theo một báo cáo mới được công bố bởi Ellen MacArthur Foundation, các công ty như Nestlé, PepsiCo và Unilever phải nỗ lực hơn nữa nếu họ muốn thực hiện cam kết do mình đặt ra: đạt tới 25% tỉ lệ vật liệu được tái chế trong bao bì nhựa đến năm 2025.

Thậm chí doanh nghiệp tích cực nhất trong nỗ lực sử dụng nhựa tái chế là Coca-Cola cũng chỉ đạt tỉ trọng vật liệu tái chế trong bao bì nhựa của họ là 9% vào năm ngoái. Hãng nước giải khát Mỹ này đã tìm cách chuẩn hóa các vật liệu, màu sắc và nắp của chai để dễ dàng tái chế chúng hơn. Nhưng Coca-Cola vẫn còn cho ra gần 3 triệu tấn bao bì nhựa mỗi năm mà gần như tất cả đều được sản xuất từ nhựa nguyên sinh.

 

Doanh nghiệp tích cực thứ 2 là Danone (Pháp). Công ty này đã sử dụng 6,4% nhựa tái chế trong tổng 820.000 tấn vật liệu mà Hãng sử dụng hằng năm để sản xuất bao bì. Danone đang sở hữu một công ty nước đóng chai lớn với các nhãn hàng Evian và Volvic. Loại nhựa PET sử dụng trong các chai nước của Hãng lại tương đối đơn giản và chi phí tái chế chúng cũng khá rẻ.

Trong khi đó, Nestlé, hãng sản xuất thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới về doanh thu, lại sử dụng chỉ 2% nhựa tái chế trong 1,7 triệu tấn bao bì nhựa vào năm ngoái. Tỉ lệ này tại Unilever chưa tới 1%. Còn Mars thì không sử dụng vật liệu tái chế nào. Các nhà sản xuất thực phẩm lại càng gặp nhiều khó khăn hơn vì phần lớn bao bì mà họ sử dụng như gói bánh chiên giòn, bao bì kẹo sôcôla và túi đựng thức ăn cho thú cưng lại không hiệu quả về mặt chi phí tái chế.

Sander Defruyt, đứng đầu dự án Ellen MacArthur, cho biết mặc dù tỉ lệ tái chế vật liệu vẫn rất thấp nhưng một tín hiệu tích cực là các tập đoàn hàng tiêu dùng đã cam kết sẽ tăng mức độ sử dụng nhựa tái chế trong doanh nghiệp. “Nhiều hoạt động tái chế nhựa hiện nay lại ảnh hưởng đến chất lượng. Điều đó có nghĩa là vật liệu tái chế chỉ tốt khi sử dụng trong ngành xây dựng hoặc công nghiệp, chứ không thích hợp cho ngành bao bì thực phẩm và đồ uống”, ông giải thích. “Để thay đổi thực tế này, đòi hỏi các công ty và ngành tái chế phải đi một bước rất lớn trong nỗ lực đầu tư vì họ cần phải gia tăng thêm công suất và cải tiến công nghệ”, ông nói thêm.

 

Các con số trên do chính các công ty hàng tiêu dùng tự công bố sau năm đầu tiên trở thành thành viên của dự án Nền kinh tế Nhựa Mới của tổ chức Ellen MacArthur Foundation. Sáng kiến này đã thu gom được khoảng 400 chữ ký với mục đích tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa để vật liệu nhựa không phải kết thúc cuộc đời ở các bãi chôn rác hay làm ô nhiễm môi trường. Nhưng bức tranh này hiện đang dở dang vì các công ty trong dự án Nền kinh tế Nhựa Mới không bị buộc phải công khai tất cả các dữ liệu mà họ chia sẻ với tổ chức Ellen MacArthur Foundation và bản thân dữ liệu cũng không được kiểm tra, thẩm định.

Một số tập đoàn hàng tiêu dùng lớn như Procter & Gamble và Anheuser-Busch InBev không tham gia vào sáng kiến này. Trong khi những thành viên khác trong dự án như Walmart và Carrefour lại từ chối không công bố dữ liệu về tỉ trọng sử dụng vật liệu tái chế trong doanh nghiệp.

Bao bì nhựa từ lâu được các doanh nghiệp ưa chuộng vì giá rẻ, độ bền cao, trong khi chúng lại có thể bảo quản và kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm. Nhưng bao bì cũng là ngành tiêu thụ nhựa lớn nhất, chiếm tới hơn 25% nhu cầu thế giới. Kết quả là các bãi chôn rác và đại dương ngập tràn rác thải nhựa, gây hiểm họa cho môi trường và sức khỏe con người. Vì thế, các luật lệ cũng đang siết chặt khi lệnh cấm túi nhựa đã có hiệu lực ở 127 quốc gia và các mức thuế cao hơn đối với rác thải nhựa cũng sắp được áp dụng tại châu Âu.

Các thương hiệu hộ gia đình cũng đang nghiêm túc xem xét lại việc sử dụng bao bì nhựa, đặc biệt dưới sức ép ngày càng tăng từ phía người tiêu dùng. Ngoài việc cam kết làm sao để bao bì dễ tái chế hơn và tăng tỉ lệ sử dụng vật liệu được tái chế, công ty hàng tiêu dùng duy nhất đã cam kết tiêu thụ ít nhựa hơn là Unilever. Công ty này đặt mục tiêu cắt giảm tổng lượng sử dụng bao bì nhựa của Tập đoàn tới 14%, tương đương 100.000 tấn, vào năm 2025. Một số nhà bán lẻ lớn cũng đặt ra mục tiêu giảm tiêu thụ nhựa như J Sainsbury (Anh) và Schwarz Group (Đức). “Chúng tôi thực sự mong muốn sẽ có nhiều công ty hơn đặt mục tiêu cắt giảm tuyệt đối việc tiêu thụ nhựa”, Defruyt kỳ vọng.

►Biến nhựa thành dầu

Ống hút nhựa: Thay thế hay tái chế?

Tái chế sản phẩm công nghệ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày