Góc nhìn chuyên gia

Ngân hàng cho vay trả nợ trái phiếu, nên hay không?

Chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long Thứ Ba | 28/03/2023 16:07

Chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long. Ảnh chụp màn hình.

Liệu ngân hàng có nên cho các doanh nghiệp bất động sản vay để đảo nợ trái phiếu đến hạn?
Chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long. Ảnh chụp màn hình.

Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM có đưa ra một đề xuất là nếu như các doanh nghiệp bất động sản nợ trái phiếu không trả được nhưng có những tài sản đảm bảo là tài sản tốt, thì đề xuất ngân hàng sẽ cho các doanh nghiệp đó vay để trả nợ trái phiếu đến hạn, tức là họ đảo thanh khoản và đảo chủ nợ từ trái chủ sang cho ngân hàng.

Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long, “Tôi nghĩ rằng đề xuất này sẽ rất là khó trong thực tế”. Đầu tiên, việc định giá và đánh giá thế nào là tài sản đảm bảo tốt, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản khó khăn như thế này. Chúng ta biết rằng phần lớn các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có tài sản thế chấp chính là các dự án bất động sản, thậm chí là có những dự án mới là giai đoạn đầu, thì làm sao chúng ta có thể định giá nổi và chi phí để định giá, các chi phí liên quan đến cả một quá trình đó nó sẽ rất là lớn.

 

Thứ hai, chính vì điều đó cho nên thời gian để xử lý cho một khoản cho vay để trả nợ trái phiếu rất là dài, như vậy sẽ không đáp ứng được tính kịp thời khi trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản này đến hạn. 

Thứ ba, đó là các quy định về đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng. Có thể hình dung rằng Ngân hàng Nhà nước họ có những quy định rất là chặt chẽ trong chuyện đảm bảo an toàn vốn và ngay cả trong Hội nghị về tín dụng bất động sản vào đầu năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh một điểm rất rõ, đó là các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn tín dụng, tức là không hạ chuẩn cho vay. Thế thì liệu chăng các ngân hàng sẽ là người đứng ra gánh những gánh nặng này hay không cho các doanh nghiệp bất động sản? 

“Đương nhiên đứng về góc độ của doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM họ sẽ đưa ra những khuyến nghị và những đề xuất. Nhưng việc thực thi được hay không nó phụ thuộc quá nhiều yếu tố. Khi một đề xuất phụ thuộc quá nhiều yếu tố, tôi nghĩ rằng là tính khả thi nó không có”, ông Long nói thêm. 

Hình ảnh chụp màn hình từ kênh Tài chính - Kinh doanh.
Hình ảnh chụp màn hình từ kênh Tài chính - Kinh doanh.

Ngoài ra, chúng ta cần phải nhìn sâu hơn, đó là câu chuyện chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng ở thời điểm này và khả năng huy động vốn ở trên thị trường. Trong bối cảnh Ngân hàng Credit Suisse là một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam rất là sôi động, nhưng họ đã phải bán mình và bị thâu tóm trong thương vụ thâu tóm nổi tiếng của thị trường tài chính ngân hàng trên toàn cầu trong vòng hai tuần vừa qua. 

“Chính bản thân những ngân hàng như là Credit Suisse họ cũng khó khăn thì ở Việt Nam làm sao có khả năng thực hiện được việc này khi các quy chế hoạt động của khối ngân hàng thương mại ở Việt Nam rất là khó cho các ngân hàng thương mại để thực hiện được. Và kể cả quy chế có cởi mở đi chăng nữa thì ngân hàng có khẩu vị rủi ro rất là cao thì họ mới dám thực hiện”, ông Long nói thêm. 

Theo ông Long, chúng ta sẽ phải trông chờ vào vốn từ khối ngoại, tức là vốn từ nước ngoài vào Việt Nam. Gần đây báo chí nói rằng nếu như  tình trạng trái phiếu và các doanh nghiệp bất động sản như hiện tại thì có thể rất nhiều các dự án bất động sản Việt Nam rơi vào tay nước ngoài. “Chuyện đó là chuyện rất là bình thường. Nếu như chúng ta có được nguồn vốn ngoại cũng là một cơ hội tốt chứ không nói gì đến những quan điểm rằng Việt Nam rơi vào tay nước ngoài. Tôi nghĩ rằng là không phù hợp”, ông Long nói. 

Có thể bạn quan tâm 

Những gì xấu nhất của thị trường đã đi qua


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày