Thế giới

Ai hỗ trợ tài chính cho Nhà nước Hồi giáo?

Thứ Bảy | 23/08/2014 09:03

Tuy dòng tiền tài trợ từ quốc gia giảm sút nhưng ISIS vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính từ các nguồn đóng góp tư nhân.
Tài chính là vấn đề rất quan trọng để hiểu làm thế nào mà một nhóm nhỏ chiến binh Hồi giáo ra đời năm 2003 chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Iraq đã phát triển thành tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Ðông” (ISIS), kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và trở thành mối đe dọa với toàn cầu bởi các tội ác đẫm máu, man rợ, khiến cả thế giới bất bình. Vậy ai, tổ chức nào, quốc gia nào đã hỗ trợ cho lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan, dã man hơn cả Al-Qaeda này?

Các quốc gia vùng Vịnh

Tiền thân của ISIS là ISI (Nhà nước Hồi giáo Iraq) ra đời năm 2001 để chống lại Chính phủ Iraq nghiêng về hệ phái Shia và thân Mỹ.

Thoạt đầu, ISI chỉ là một nhóm Hồi giáo thánh chiến nhỏ, chẳng có mấy tiếng tăm. Khi nội chiến Syria nổ ra, ISI bắt đầu chuyển mình thành ISIS với khẩu hiệu “thống nhất Sunni khắp thế giới” và “chống lại chính quyền” Shia tại cả Syria lẫn Iraq. Tổ chức này có tham vọng xây dựng một nhà nước Hồi giáo Sunni trên lãnh thổ Iraq, Syria, Lebanon, Israel, Palestine, Jordan, Cyprus và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 29/6/2014 vừa qua, ISIS tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo mới trên các vùng lãnh thổ chiếm được từ tỉnh Diyala của Iraq đến Aleppo của Syria. ISIS cũng đã bỏ tên gọi “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông” và tuyên bố từ giờ sẽ mang tên là “Nhà nước Hồi giáo” (IS), do Abu Bakr al-Baghdadi lãnh đạo, của người Hồi giáo ở khắp mọi nơi.

ISIS thực chất là kẻ đắc lợi nhất từ sự hỗ trợ tích cực của một số quốc gia vùng vịnh, nổi bật là Arập Xêút và Qatar, khi chúng tham gia vào lực lượng phiến quân chống lại chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Theo chuyên gia Alain Chouet của Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp, nguồn tài chính hỗ trợ cho ISIS chủ yếu từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức Hồi giáo phi chính phủ hoặc ngân sách dành cho các công việc đặc biệt, thông qua các thỏa thuận tài chính phức tạp sử dụng tài khoản của một số quốc gia vùng vịnh ở nước ngoài.

Hiện cả hai quốc gia này đã hạn chế tài trợ cho Nhà nước Hồi giáo. Arập Xêút thậm chí bây giờ còn tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Không chỉ điều hàng chục nghìn quân ra sát biên giới Iraq để đối phó với quân ISIS sớm muộn cũng tràn sang, mà “đại gia” Trung Ðông này cũng đã đóng góp gần 500 triệu USD viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Iraq chạy trốn các cuộc tấn công của ISIS, cũng như hoạt động chống lực lượng khủng bố này, thông qua Liên Hiệp Quốc.

Tuy dòng tiền tài trợ từ quốc gia giảm sút nhưng ISIS vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính từ các nguồn đóng góp tư nhân. Tuy nhiên, rất khó ước tính được số tiền tài trợ đó. Một số nhà tài trợ chỉ đơn thuần ủng hộ vì tán thưởng lý tưởng của ISIS và không biết rằng tiền của họ được sử dụng cho thánh chiến. Họ nghĩ rằng, chúng được dành cho các công trình tốt đẹp của Nhà nước Hồi giáo.

Ngoài ra, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tổ chức Hồi giáo này hiện vẫn còn là một câu hỏi. Từ lâu chính quyền Ankara nhắm mắt làm ngơ về các hoạt động của nhóm Hồi giáo nổi dậy này ở ngay vùng biên giới của mình. Giờ đây đối mặt trước thái độ chủ nghĩa cực đoan của họ và vấn đề an ninh quốc gia đến từ các làn sóng nhập cư tị nạn mới, chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan buộc phải đưa ra một số cam kết với các đồng minh phương Tây.

“Chiến lợi phẩm” chiến tranh

Khi tổ chức khủng bố tại Mỹ vào năm 2001, Al-Qaeda chỉ có ngân sách khoảng 30 triệu USD, chủ yếu từ tiền túi của ông trùm Osama bin Laden. Trong khi đó, theo giới phân tích, hiện Nhà nước Hồi giáo có ngân quỹ lên tới 2 tỉ USD -có lẽ là giàu nhất trong các tổ chức khủng bố từ trước đến nay. Ngoài các nguồn tài trợ nói trên, không thể kể đến sự đóng góp từ các “chiến lợi phẩm” thu được từ chiến tranh.

Tại các khu vực kiểm soát trên lãnh thổ Syria, ISIS đã làm chủ nhiều giếng dầu và thu lợi mỗi ngày 1 triệu USD. Ngoài ra, theo thông tin trên tờ The Guardian (Anh), ISIS từng thu 36 triệu USD từ Al-Nabuk - một khu vực ở vùng núi Qalamoun, nằm phía tây Damascus - trong đó có tiền bán các món đồ cổ 8.000 năm tuổi.

Sau khi mở những cuộc tấn công ồ ạt vào Iraq, Nhà nước Hồi giáo đã sử dụng phần lãnh thổ họ chiếm giữ được để lấy dầu mỏ một số cơ sở khai thác dầu chính của Iraq. Theo ước tính của chuyên gia, trong nửa đầu tháng 7-2014, ISIS đã kiếm được khoảng 10 triệu USD từ hoạt động buôn lậu dầu thô và nhiên liệu tinh lọc. Chỉ riêng hoạt động buôn lậu nhiên liệu vào khu vực cộng đồng người Kurd và Iran, ISIS đã kiếm được 1 triệu USD/ngày. Ngoài ra, ISIS còn chào bán dầu thô với giá rẻ gấp 4 lần cho các tay buôn lậu Thổ Nhĩ Kỳ, thu một lợi nhuận khổng lồ.

Khi chiếm trọn thành phố Mosul ở phía bắc Iraq vào ngày 11/6/2014, ISIS đã cướp được 466 triệu USD và một số lượng vàng khá lớn dự trữ trong ngân hàng. Ước tính lượng tiền bị ISIL chiếm đoạt tương đương với ngân khố của các nước nhỏ như Tonga, Kiribati, các quần đảo Marshall và Falkland. Mặt khác, theo các nguồn tin thì trước khi thất thủ, Mosul cũng là “con gà đẻ trứng vàng” cho ISIS khi mỗi tháng gom được 12 triệu USD “thuế nuôi quân”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tình báo cho biết, từ đầu ISIS đã xây dựng hệ thống kinh tài thông qua việc buôn lậu, tống tiền và thu phục những tín đồ Sunni giàu có trên toàn vùng vịnh đóng tiền “nuôi quân”. ISIS nhắm vào những cá nhân giàu có trong các khu vực mình kiểm soát và đe dọa các cơ sở kinh doanh để thu thuế, bằng không sẽ cho nổ tung cơ sở.

Nguồn Petrotimes


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày