Thế giới

Tranh cãi kịch bản tấn công hạt nhân Triều Tiên

Chủ Nhật | 26/10/2014 09:49

“Nếu Triều Tiên vượt biên giới, kế hoạch tác chiến là một tướng Mỹ sẽ chỉ huy lực lượng Mỹ-Hàn bảo vệ Hàn Quốc, kể cả vũ khí hạt nhân nếu cần”.
Đó là tiết lộ về kịch bản tấn công Triều Tiên của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Cách đây khoảng 4 năm, khi còn làm Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), ông Leon Panetta đã được chỉ huy lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc khi đó là Walter L. “Skip” Sharp tiết lộ những biện pháp ứng phó của Mỹ trong trường hợp binh sĩ Triều Tiên vượt biên giới xâm nhập miền Nam.

Kế hoạch trên ông Panetta tiết lộ trong cuốn hồi ký mang tên Worthy Fights: A Memoir of Leadership in War and Peace (tạm dịch: Những cuộc chiến đáng giá: Hồi ký về vai trò lãnh đạo trong chiến tranh và hòa bình) được xuất bản hồi đầu tháng này, gần 2 năm sau khi ông về hưu từ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, không chỉ Bình Nhưỡng phản ứng, giới chuyên gia cũng phê phán việc tiết lộ kịch bản tấn công Triều Tiên của Leon Panetta.

Cụ thể, ông Panetta dẫn lại lời của tướng Sharp: “Nếu Triều Tiên vượt biên giới, kế hoạch tác chiến của chúng ta là một viên tướng cao cấp Mỹ ở bán đảo sẽ chỉ huy các lực lượng của hai bên Mỹ - Hàn và bảo vệ Hàn Quốc, kể cả dùng vũ khí hạt nhân nếu cần”. Cựu Bộ trưởng Panetta còn viết rằng khi kết thúc cuộc họp với ông Sharp ở Seoul năm 2010, ông cảm thấy rằng nguy cơ chiến tranh trong khu vực đang hiển hiện.

Tiết lộ hiếm thấy

Tiết lộ của ông Panetta lập tức nhận được nhiều phản ứng khác nhau, từ nghi ngờ đến ngạc nhiên. Cụ thể, một cựu chuyên gia CIA bình luận với tạp chí Newsweek: “Chúng ta nghĩ người Hàn Quốc sẽ phản ứng như thế nào về thông tin Mỹ chuẩn bị dùng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó không bảo vệ họ mà chỉ khiến họ nghĩ rằng việc nhờ nước Mỹ vụng về không phải là một ý tưởng hay. Điều đó cũng thật sự dọa nạt được Triều Tiên, vốn nghĩ rằng họ bị đe dọa hạt nhân trong nhiều thập niên, nhưng đây cũng chính là lý do họ phát triển chương trình hạt nhân”.

Trong khi đó, chuyên gia Terence Roehrig tại Trường Chiến tranh hải quân (Mỹ) khẳng định tiết lộ của ông Panetta không có gì mới, lập luận rằng từ lâu Washington có quan điểm rằng Hàn Quốc được bảo vệ dưới “ô hạt nhân” của Mỹ. Đây là thuật ngữ ám chỉ Mỹ có thể dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đồng minh không có loại vũ khí hủy diệt này trong trường hợp bị tấn công.

Tương tự, chuyên gia Richard Fisher tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế ở Washington cho rằng trong mấy năm qua giới chức Mỹ có thể đã bàn với Hàn Quốc và Nhật Bản về khả năng tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nếu cuộc chiến xảy ra. Tuy nhiên, ông Fisher cho Newsweek hay rằng ông ngạc nhiên về tiết lộ của cựu Bộ trưởng Panetta vì hiếm khi vấn đề này được một quan chức cấp cao về hưu chưa bao lâu tiết lộ công khai.

Theo Newsweek, Mỹ lần đầu tiên triển khai vũ khí hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên vào năm 1958, nhưng chỉ thừa nhận động thái trên vào thập niên 1970, khi Hàn Quốc dọa sẽ tự chế bom hạt nhân nếu lực lượng Mỹ rời khỏi nước này.

Đến năm 1991, Tổng thống George H.W.Bush cho rút vũ khí hạt nhân và tàu chiến khỏi bán đảo Triều Tiên và quá trình đó được chính quyền Tổng thống Barack Obama tiếp tục hoàn tất vào năm 2010. Dù vậy, một số thông cáo chung Mỹ - Hàn trong mấy năm qua vẫn đề cập việc mở rộng khả năng răn đe hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

Sai lầm nguy hiểm

Theo một số chuyên gia, tiết lộ của ông Panetta về chính sách của Mỹ là không thực tế và sai lầm một cách nguy hiểm, Newsweek cho biết.

Chuyên gia Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Montere (Mỹ) nhận định những lời phát biểu khoa trương về việc dùng vũ khí hạt nhân tấn công mà thật ra Mỹ “không bao giờ có ý định sử dụng” sẽ gây tác dụng ngược vì Seoul vẫn biết rằng Washington sẽ không dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Triều Tiên và một số chính trị gia Hàn Quốc sẽ vẫn theo đuổi lập trường tự chế bom nguyên tử.

Trong bài phân tích đăng trên chuyên san The Foreign Policy, ông Lewis còn khẳng định Mỹ không có kế hoạch tấn công hạt nhân Triều Tiên vì Mỹ không nhất thiết phải dùng vũ khí hạt nhân mới có thể đánh bại đối phương.

Tương tự, chuyên gia Roehrig cảnh báo việc thường xuyên đưa ra khả năng tấn công hạt nhân khi bàn về cuộc xâm lược tiềm tàng của Triều Tiên là “sai lầm”. Ông cho rằng dù “mối đe dọa” từ Triều Tiên vẫn còn đó, khả năng nước này tiến hành cuộc tấn công như kiểu vượt biên giới trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) là rất thấp vì cán cân quân sự hiện không nghiêng về phía Bình Nhưỡng và nếu tấn công như thế, Bình Nhưỡng chẳng khác nào tự sát.

Phản ứng của Triều Tiên

Phản ứng về tiết lộ trên của ông Panetta, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên khẳng định đó là “lần đầu tiên một ông trùm chiến tranh Mỹ công khai tuyên bố sẽ dùng vũ khí hạt nhân chống lại CHDCND Triều Tiên”.

Sau đó, hãng thông tấn KCNA đăng bài xã luận tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ đẩy mạnh khả năng răn đe hạt nhân để “phòng thủ về chất lượng lẫn số lượng” cho đến khi “đánh bại hoàn toàn chính sách thù địch của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên”.

Trong nhiều thập niên qua, Triều Tiên đã không ngừng phát triển tên lửa hạt nhân, thử hạt nhân 3 lần và một số tên tửa tầm xa, theo Yonhap. Bình Nhưỡng cũng từng dọa tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin về phản ứng của Hàn Quốc và chính quyền Mỹ đối với tiết lộ của ông Panetta.

Liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Curtis Scaparrotti ngày 24.10 cho rằng Triều Tiên hiện đủ khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa, nhưng thừa nhận ông không rõ liệu Bình Nhưỡng đã sở hữu loại vũ khí này hay chưa, theo Yonhap.

Ông Scaparrotti đưa ra phát biểu này một ngày sau khi Seoul và Washington nhất trí hoãn việc chuyển giao quyền kiểm soát chiến dịch thời chiến cho quân đội Hàn Quốc đến khi Seoul đủ khả năng ứng phó các “mối đe dọa tên lửa và hạt nhân” từ Triều Tiên, theo Yonhap.

Ngoài ra, trong cuộc họp ở Washington ngày 24.10, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng của hai bên bày tỏ ý định muốn mở rộng hợp tác an ninh với Nhật Bản để ứng phó các “mối đe dọa” từ Triều Tiên, theo Yonhap.

Cuốn hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng gây nhiều tranh cãi ở nước này do chỉ trích chính sách ngoại giao của chính quyền Obama, theo tờ .

Cụ thể, ông Panetta viết rằng trong năm 2011, ông cùng các thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và các chỉ huy quân sự Mỹ ủng hộ việc để lại số lượng nhỏ binh sĩ để duy trì ổn định ở Iraq, nhưng ông Obama không ủng hộ, muốn rút hết quân. Nhóm binh sĩ Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Ông Panetta lý giải rằng một nhóm binh sĩ Mỹ ở lại có thể cố vấn cho quân đội Iraq cách ứng phó các nhóm thuộc al-Qaeda và xử lý tình trạng bạo lực tại nước này. Ngoài ra, ông Panetta còn chỉ trích chính sách của ông Obama về Syria. Ông cho rằng việc Tổng thống Obama không quyết định tấn công mà để chính quyền Syria giao nộp vũ khí hóa học là sai lầm, làm tổn hại tới uy tín của Mỹ.


Nguồn Thanh Niên


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày