Thế giới

Trung Quốc trước bài toán khủng hoảng lương thực

Đàm Hoa Thứ Sáu | 29/12/2017 10:41

Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 31,2 tỉ USD đậu nành trong năm 2015, tăng 43% kể từ năm 2008, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như thế nào?

Yang Qichang đi vào “nhà máy cây trồng” của mình trên nóc tòa nhà của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh, cẩn thận kiểm tra từng khay cây cà chua vì chúng có thể giúp nông dân thoát khỏi “thòng lọng” mà các chất độc hại trong môi trường gây ra cho nguồn cung thực phẩm Trung Quốc.

Các thùng chứa được xếp chồng lên như gường tầng, mỗi cây cà chua được bao phủ bởi những đèn LED màu đỏ và xanh, trông giống như những cây thông Giáng sinh nhỏ xíu. Yang đang thử nghiệm xem phần nào trong dải quang phổ ánh sáng là tốt nhất cho sự quang hợp và tăng trưởng của cây trồng trong khi tiêu thụ ít điện năng nhất.

Trung Quoc truoc bai toan khung hoang luong thuc
 

Ông đang có được một số thành công. Với hàng dãy cây trồng cao tới hơn 3m, những khoảnh cà chua, rau diếp, cần tây và cải thìa trồng trong nhà mang lại năng suất gấp từ 40-100 lần so với một mảnh đất trồng ngoài trời có diện tích tương đương. Lại có một lợi thế khác khi sử dụng hệ thống trồng theo chiều dọc, hoàn toàn tách biệt: ở bên ngoài, mức độ ô nhiễm không khí được đo cao gấp 5 lần so với mức độ khuyến cáo an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.

“Sử dụng phương pháp của ngành “nông nghiệp dọc”, chúng tôi không cần dùng thuốc trừ sâu, có thể sử dụng ít phân bón hóa học hơn và sản xuất ra sản phẩm sạch”, Yang, Giám đốc Viện Môi trường và Phát triển bền vững ngành nông nghiệp, cho biết.

Nghiên cứu canh tác theo chiều dọc của Yang là dự án do Chính phủ tài trợ (với số tiền 8 triệu USD), cho thấy quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thay đổi. Hàng thập niên qua, các nhà cầm quyền nước này chỉ chú trọng làm sao đạt mục tiêu tăng thu nhập cho hơn 1 tỉ dân nước mình. Chính tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã tạo ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng với các mỏ than ngày đêm được khai thác và những ống khói nghi ngút đã “bơm” vào bầu trời nước này đủ loại khí thải độc hại và làm cằn cõi đất canh tác của người dân.

Thực trạng này đã khiến cho Trung Quốc bị giảm mạnh năng lực cung cấp lương thực cho chính mình và là một lý do vì sao nước này ngày càng dựa vào các thị trường quốc tế để đảm bảo an ninh lương thực. Chẳng hạn, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 31,2 tỉ USD đậu nành trong năm 2015, tăng 43% kể từ năm 2008, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Khoảng 1/3 số đó nhập từ Mỹ.

Trong bối cảnh mối quan hệ giao thương “phập phù” với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc tranh giành nguồn lực toàn cầu gia tăng, Trung Quốc đang quay sang dựa vào công nghệ để khôi phục độ màu mỡ cho đất đai trong nước. “Chúng tôi sẽ điều tra rốt ráo tình trạng ô nhiễm đất, phát triển và thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này”, Thủ tướng Lý Khắc Cường trả lời trước Quốc hội vào tháng 3.2017.

Giải pháp sẽ là ngưng thải khí và xóa sổ chất thải công nghiệp, một lựa chọn không thể hiện thực hóa đối với một nền kinh tế đang phát triển trị giá 11.000 tỉ USD. Tuy nhiên, các nhà phát minh và nhà đầu tư tin rằng có những công nghệ đầy hứa hẹn có thể giúp Trung Quốc cải thiện và lấy lại năng suất đã mất trong ngành nông nghiệp.

Trung Quoc truoc bai toan khung hoang luong thuc
 

Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ vốn cho nhiều dự án hiện đại hóa canh tác và cải thiện đời sống của nông dân. Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc cam kết cung cấp các khoản vay trị giá 3.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 437 tỉ USD) cho đến hết năm 2020 để tài trợ cho các dự án chủ chốt được xúc tiến bởi Bộ Nông nghiệp nước này. Làm một phép so sánh, giá trị sản xuất nông nghiệp Mỹ trong năm ngoái được dự báo là 405,2 tỉ USD. Điều này cho thấy Trung Quốc coi trọng như thế nào đối với việc cải thiện năng suất nông nghiệp.

Các dự án nhận được chính sách ưu đãi là những dự án cải thiện tính hiệu quả, gia tăng được sản lượng thu hoạch, hiện đại hóa các cơ sở trồng trọt và phát triển ngành giống nhằm đảm bảo nguồn cung cấp ngũ cốc, theo Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp.

Chương trình cho vay cũng dự kiến sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài vào ngành nông nghiệp. Ví dụ rõ nhất là thương vụ tập đoàn hóa chất ChemChina dự định thâu tóm doanh nghiệp Thụy Sĩ Syngenta AG với giá lên tới 43 tỉ USD. Thương vụ này sẽ cho ChemChina tiếp cận “kho” bản quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có công nghệ giống, của một trong những công ty nông nghiệp lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại do dự trong việc chấp thuận đưa thực phẩm biến đổi gen (GMO) vào các cửa hàng rau quả. Chính phủ không cho phép trồng hầu hết các loại cây GMO trong đó có lúa kháng sâu bệnh và đậu nành kháng thuốc diệt cỏ, đặc biệt khi một cuộc khảo sát hồi tháng 10 tại “vựa ngũ cốc” Hắc Long Giang cho thấy 90% người được khảo sát phản đối GMO.

“Các vấn đề an toàn thực phẩm trước đây của Trung Quốc đã khiến cho công chúng không tin tưởng Chính phủ khi nói đến các công nghệ thực phẩm mới”, Sam Geall, thuộc Chatham House ở London, nhận định.

Khoảng 1/5 đất canh tác của Trung Quốc chứa lượng chất độc hại vượt mức chuẩn quốc gia, Chính phủ cho biết vào năm 2014. Con số này bằng hơn phân nửa quy mô của bang California. Khoảng 14% ngũ cốc trong nước nhiễm các kim loại nặng như cadimi, thạch tín và chì, theo báo cáo vào năm 2015 của các nhà khoa học tại những trường đại học công lập. Mối nguy có thể thấy rõ nhất ở các tỉnh duyên hải công nghiệp của nước này, nơi một lượng rất lớn điện thoại iPhone và giày Nike của thế giới được sản xuất tại đây.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông cho biết vào năm 2013 rằng 44% gạo được lấy mẫu ở địa phương nhiễm lượng cadimi vượt mức cho phép, có thể làm tổn hại các cơ quan nội tạng và làm yếu xương nếu thường xuyên được hấp thụ vào người với số lượng lớn.

Chính thực trạng nóng bỏng này mà những nhà máy cây trồng như của Yang đã ra đời. “Với những thách thức mà ngành nông nghiệp đang đối mặt, trong đó có tình trạng đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm an toàn, các nhà máy cây trồng và ngành nông nghiệp dọc tại Trung Quốc sẽ trải qua sự thay đổi rất lớn. Sẽ có nhiều phương thức canh tác trong các đô thị lớn”, ông nói.

Không chỉ Yang săn tìm các kỹ thuật canh tác lương thực không bị ô nhiễm trong các tòa nhà bê tông. Một startup ở Bắc Kinh gọi là Alesca Life Technologies đang sử dụng các container trong ngành hàng hải được trang bị thêm một số bộ phận mới để trồng rau lá xanh. Một mô hình mẫu được dựng lên trên các cột bằng kim loại trong một ngõ hẻm giữa một nhà hàng Nhật và một dãy các tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh. Bên trong “nhà máy”, nhà đồng sáng lập Stuart Oda, nguyên là giám đốc đầu tư cho Bank of America Merrill Lynch ở Mỹ và Nhật, kiểm tra những dãy chậu cây đậu, cây mù tạc, cải xoăn đang lên mầm dưới những bóng đèn LED. Ứng dụng smartphone của Alesca Life cho phép người trồng theo dõi không khí và nước từ xa. “Tương lai của ngành trồng trọt đối với chúng tôi chính là đô thị”, Oda nói.

Mỗi container được bán với giá 45.000-65.000 USD, tùy thuộc vào các tiêu chuẩn kỹ thuật, Oda cho biết. Alesca Life đã bán các mô hình trồng có kích cỡ bằng cái tủ có thể vận chuyển được cho một bộ phận của Swire Group (chuyên quản lý các khách sạn hạng sang) ở Bắc Kinh và gia đình hoàng gia Dubai.

Shunwei Capital Partners, một quỹ được tài trợ bởi nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi Corp., cũng đã đầu tư vào 15 startup trong ngành nông nghiệp và nông thôn ở Trung Quốc, trong đó có một startup chuyên sản xuất các cảm biến theo dõi chất lượng đất và không khí. Shunwei hiện quản lý 1,75 tỉ USD và 2 tỉ nhân dân tệ tại 5 quỹ. “Để công nghệ nông nghiệp được áp dụng trên diện rộng hơn, cần phải cho năng suất cao và có tính hiệu quả về chi phí”, ông nói.

Đó là một lý do vì sao Shunwei đang cấp vốn cho các máy bay không người lái sử dụng trong ngành nông nghiệp, để phun phân bón và hóa chất một cách chính xác hơn. Một thực tế là trong khi đất canh tác của Trung Quốc ngày càng thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa thì những nông dân cũng đang ra sức đẩy cải thiện mùa vụ bằng cách “làm ngập” các cánh đồng bằng lượng lớn phân bón và thuốc trừ sâu, càng khiến cho đất đai thêm cằn cõi và cây trồng thêm ô nhiễm. Nông dân tại Trung Quốc sử dụng lượng phân bón trên mỗi hecta đất canh tác cao hơn 4,5 lần nông dân tại Bắc Mỹ, theo World Bank. Đây càng là lý do để công nghệ nhảy vào

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày