Công Nghệ

Blockchain: Bước tiến trong quản lý hồ sơ y tế cá nhân

Bảo Ngọc Thứ Sáu | 08/03/2019 08:00

Ảnh: Quý Hòa

Tính bảo mật và minh bạch của blockchain đang là câu trả lời cho nhiều vấn đề trong quản lý hồ sơ y tế điện tử (electronic health record- EHR).
Ảnh: Quý Hòa

Công nghệ đang mang đến nhiều ứng dụng tích cực cho nhiều ngành nghề, đặc biệt ngành y tế, các ứng dụng công nghệ vào y tế được BIS Research ước lượng sẽ giúp giảm được 100-150 tỉ USD mỗi năm. Nếu dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo (A.I) tăng độ tin cậy của chẩn đoán và tiến tới dự báo bệnh trong tương lai, thì một công nghệ đình đám khác là blockchain lại đang được xem là tương lai của việc quản lý EHR.

Theo Allied Market Research, thị trường ứng dụng công nghệ vào y tế sẽ đạt tổng giá trị là 136,8 tỉ USD vào năm 2021, với CAGR là 12,5%. Trong đó, phân khúc các ứng dụng quản lý EHR và giám sát bệnh nhân được dự đoán là sẽ dẫn đầu về mức tăng trưởng, đạt 72,7 tỉ USD (năm 2021).

Chúng ta đã quá quen với cảnh hàng dài bệnh nhân xếp hàng tại các bệnh viện lớn từ khi trời chưa sáng. Bên cạnh nguyên nhân là ngành y tế đang quá tải, còn có một yếu tố góp phần không nhỏ là sự thiếu đồng bộ hóa trong quản lý hồ sơ bệnh án ở nhiều tuyến khác nhau, dẫn đến thiếu thông tin về tiền sử bệnh án, tạo ra rủi ro biến chứng khi điều trị, tăng cao chi phí khám chữa bệnh và lãng phí nhân lực, vật lực vốn đã khan hiếm của ngành y tế.

Blockchain: Buoc tien trong quan ly ho so y te ca nhan
 

Vào tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế đã chính thức triển khai đề án xây dựng EHR cho mỗi người dân với mục tiêu đến năm 2030, có 95% dân số được quản lý sức khỏe. Trong 2 quý đầu năm nay, 8 tỉnh sẽ được thí điểm phần mềm quản lý hồ sơ điện tử và mở rộng ra cả nước vào tháng 7.2019.

“EHR giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục trong suốt đời, cũng như giúp quá trình khám chữa bệnh nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), cho biết.

Trên thực tế, khái niệm EHR không hề mới, đã xuất hiện hơn 30 năm trước tại các nước có nền y tế tiến bộ và xem là thiết yếu để đưa ra các chẩn đoán, quyết định điều trị và trên hết là dữ liệu cho các công ty bảo hiểm, các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, gian lận bảo hiểm cũng trở thành khó khăn của EHR vì thiếu đồng bộ hóa dữ liệu. Theo Financial Times, 3.500 trường hợp bị bắt vì kê khống đơn thuốc tại Mỹ trong một thập niên qua và tổng thiệt hại lên đến 12,5 tỉ USD. Hay gần đây nhất là năm 2017, khi 50 bác sĩ Mỹ đã bị buộc tội biển thủ 1,3 tỉ USD từ kê khống đơn thuốc và chi phí khám, điều trị.

Trên nền tảng blockchain, khi dữ liệu được lưu trữ dưới dạng chuỗi khối và được quản lý bởi chính mỗi cá nhân, thì bệnh án sẽ được phân quyền chia sẻ từ chính bệnh nhân. Quan trọng hơn hết là tính minh bạch của dữ liệu ở dạng chuỗi khối, mỗi sửa đổi sẽ được ghi nhận lại, giúp bệnh nhân dễ dàng nhận ra khi có thông tin sửa đổi, thêm vào bởi người khác.

Blockchain: Buoc tien trong quan ly ho so y te ca nhan
 

Thêm vào đó, bệnh án thường là những thông tin mang tính nhạy cảm. Các hệ thống trung tâm của bệnh viện và chính phủ, vốn dĩ là các hệ thống tập trung, sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của các hacker khi muốn chiếm hoặc chỉnh sửa các EHR.

Theo một hướng khác, công nghệ blockchain dường như là câu trả lời khi dữ liệu dưới dạng chuỗi khối không nằm ở hệ thống phi tập trung (bệnh nhân) chứ không phải hệ thống tập trung truyền thống (bệnh viện, chính phủ), giúp giảm bớt rủi ro tấn công làm rò rỉ thông tin.

Xuất phát từ kinh nghiệm chờ đợi tại một bệnh viện tại Hà Nội, anh Nguyễn Văn Công đã phát triển Imprint, một ứng dụng EHR trên nền tảng blockchain. “Trao quyền quản lý cho bệnh nhân sẽ giúp dữ liệu y tế Việt Nam phù hợp với các luật thế giới, như GDPR (General Data Protection Regulation - Quy định bảo vệ dữ liệu chung) của châu Âu. Đồng thời, cũng sẽ củng cố niềm tin cho bệnh nhân”, anh Công lý giải.

Theo báo cáo của BIS Research, thị trường blockchain ứng dụng vào y tế đạt 176,8 triệu USD trong năm 2018 và sẽ tăng gấp 32 lần vào năm 2025 (5,6 tỉ USD), trong đó các ứng dụng blockchain quản lý EHR là động lực tăng trưởng chính. Nguyên nhân là công nghệ chuỗi khối này giải quyết được một vấn đề phổ biến nhất trong ngành y tế là thông tin thiếu đồng bộ hóa. Mảng blockchain EHR được dự đoán sẽ đạt 1,89 tỉ USD vào năm 2025.

Trên thực tế, các quốc gia như Estonia và Úc đã ứng dụng blockchain để quản lý các dữ liệu y tế, bao gồm thông tin bệnh án, chi phí y tế và tương tác giữa bệnh nhân, cơ sở khám chữa bệnh và các chương trình bảo hiểm của chính phủ.

Gần đây nhất, Đại học Y Đài Bắc cũng đưa ra một nền tảng dựa trên blockchain để lưu trữ các thông tin y tế. Chương trình trực thuộc chính phủ này nhằm giúp cho mỗi cá nhân có thể quản lý thông tin y tế của bản thân thông qua một ứng dụng trên điện thoại.

Tại Việt Nam, ứng dụng Imprint Blockchain Services cho phép bệnh nhân lấy số, đặt lịch hẹn và thanh toán viện phí trước khi đến bệnh viện. Bệnh nhân cũng có thể lấy kết quả xét nghiệm qua ứng dụng. Thêm vào đó, hệ thống này sẽ giúp quá trình chi trả bảo hiểm nhanh hơn khi các thông tin liên quan đều được xác minh trực tuyến.

 Imprint cũng đang trong bước đầu của quá trình tích hợp big data nhằm giúp nâng cao tính chính xác trong của chẩn đoán. Tuy nhiên, khó khăn nhất của dịch vụ này không phải là kỹ thuật mà làm sao thuyết phục được các hệ thống bệnh viện cùng đồng bộ ứng dụng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày