Công Nghệ

GIS: Bản đồ tới thành phố thông minh

Bảo Trung Thứ Năm | 04/02/2021 14:00

TP.HCM đang triển khai các mô hình thành phố thông minh. Ảnh: Thiên Ân.

TP.HCM hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thành phố thông minh nhờ ứng dụng bản đồ số GIS.
TP.HCM đang triển khai các mô hình thành phố thông minh. Ảnh: Thiên Ân.

Thành phố thông minh (Smart City) là thành phố luôn phấn đấu để thông minh hơn, giúp tìm ra các giải pháp giải quyết tổng hòa các nhu cầu xã hội một cách hợp lý nhất, đồng thời không ngừng tìm kiếm giải pháp tối ưu. Vì thế, rất nhiều thành phố trên thế giới hào hứng với mô hình này. 

Theo số liệu của Statista, số lượng thành phố thông minh đang bùng nổ trên toàn cầu. Vào năm 2015, thế giới chi khoảng 14,85 tỉ USD để xây dựng các thành phố thông minh, nhưng trongnăm 2020, số tiền đầu tư để kiến tạo nên những đô thị này trên toàn cầu dự kiến lên đến 34,45 tỉ USD.

 

Tuy nhiên, để xây dựng một thành phố thông minh không hề nhanh và dễ dàng. Theo Bộ Xây dựng, một thành phố thông minh luôn phải đảm bảo đủ 6 tiêu chí: kinh tế thông minh (phát triển có sức cạnh tranh), vận động thông minh (giao thông - hạ tầng kỹ thuật), cư dân thông minh (nhân lực, năng lực), môi trường thông minh (tài nguyên tự nhiên), quản lý đô thị thông minh, chất lượng cuộc sống tốt.

Vì thế, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã thành lập Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM (HCMGIS) từ tháng 5.2004. Đến nay, HCMGIS đã biên tập, cập nhật, công bố và chia sẻ trên 80 lớp dữ liệu GIS được thu thập từ các sở ngành, quận huyện; xây dựng trên 10 nền tảng công nghệ phục vụ thu thập, biên tập, hiển thị, phân tích và chia sẻ dữ liệu GIS. Cách tiếp cận của HCMGIS khi xây dựng ứng dụng GIS gồm 3 yếu tố: dữ liệu, nền tảng công nghệ mở và yêu cầu của từng ứng dụng.

HCMGIS đã kết hợp với các cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp chung tay phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ thu thập, biên tập, hiển thị, phân tích và chia sẻ dữ liệu GIS. Các nền tảng này có thể được ví như những khối lego độc lập để từ đó lắp ghép nên các ứng dụng GIS tùy biến.

Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS, chia sẻ: “Với trên 80 lớp dữ liệu GIS được thu thập, HCMGIS có thể chia sẻ các dữ liệu này dưới dạng dịch vụ Web để dễ dàng khai thác trong các ứng dụng GIS chuyên ngành”. Bản đồ số GIS là 1 trong 3 cơ sở dữ liệu nền tảng trong kho dữ liệu dùng chung của Thành phố.

 

Dữ liệu GIS đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý và quy hoạch của Thành phố trong tất cả các lĩnh vực: hạ tầng đô thị, phát triển không gian đô thị, quản lý kinh tế - văn hóa - xã hội. Dữ liệu GIS hiện có của HCMGIS có thể đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của Thành phố và dễ dàng liên thông, kết nối thông qua các dịch vụ Web.

Hơn nữa, vì HCMGIS tự phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ thu thập, biên tập, hiển thị, phân tích và chia sẻ dữ liệu GIS nên tự chủ về mặt công nghệ trong việc chia sẻ dữ liệu cũng như xây dựng các ứng dụng GIS phục vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo, điều hành.

Trong đó, HCMGIS có 2 nền tảng chia sẻ dữ liệu: HCMGIS Portal chia sẻ dữ liệu nội bộ giữa các sở ngành, quận, huyện; HCMGIS OpenData chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng. Đối với HCMGIS OpenData, người dùng có thể tải miễn phí dữ liệu trực tiếp trên nền tảng hoặc thông qua các dịch vụ Web trong các phần mềm GIS, cũng như đóng góp thêm dữ liệu cho nền tảng.

Song song đó, từ năm 2016, HCMGIS đã phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM (nay là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM - HCDC) xây dựng và vận hành hệ thống GIS quản lý bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, ho gà, thương hàn, zika, tiêu chảy...) trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở ứng dụng thành công này, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, HCMGIS tiếp tục phối hợp với HCDC xây dựng hệ thống quản lý dịch bệnh COVID-19.

Ông Phạm Quốc Phương nói thêm: “Slogan của HCMGIS là “GIS cho Thành phố, GIS cho cộng đồng”. Ngoài việc xây dựng dữ liệu và ứng dụng GIS cho sở ngành, quận, huyện, HCMGIS luôn quan tâm đến việc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở và đóng góp cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng người dùng GIS.

Trước mắt, trong giai đoạn 2021- 2025, HCMGIS sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, cũng như các sở, ban, ngành liên quan và quận, huyện để hoàn thành đề án này. Ngoài ra, HCMGIS sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, máy học để đáp ứng nhu cầu ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý nhà nước của sở ngành, quận huyện, cũng như phục vụ cộng đồng người dùng GIS


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày