Kinh Doanh

Kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2020, định hướng nhiệm vụ năm 2021

Nam Minh Thứ Sáu | 08/01/2021 10:21

Tính đến tháng 11.2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019. Ảnh: ST.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng.
Tính đến tháng 11.2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019. Ảnh: ST.

Một số kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với tác động của dịch; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn do COVID-19, lũ lụt để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai quyết liệt công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

Nhờ đó, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt hoạt động. 

Đến ngày 28.12.2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 13,26% so với cuối năm 2019 và tăng 14,61% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt.

Về điều hành lãi suất: Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11.2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Về điều hành tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước điều hành, công bố tỉ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tỉ giá USD/VND diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và biến động của USD trên thị trường thế giới.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 335.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi.

Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỉ đồng.

Nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng nỗ lực thực hiện đạt kết quả tích cực, chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết 42.

Mặc dù đến cuối tháng 10.2020, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%, nhưng đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.

Chính những kết quả này đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các tổ chức tín dụng Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á - Thái Bình Dương và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) xếp hạng thứ 29/500, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017. Đây là những kết quả rất đáng mừng, tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.

Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỉ đồng. Ảnh: QH
Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hòa.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là lãi suất, tỉ giá) chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.

Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.

Xây dựng, trình Chính phủ Đề án tổng thể cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại của tổ chức mình để sớm triển khai trong thời gian tới.

Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày