Kinh Doanh

Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu sau gần 40 năm

Thứ Tư | 16/12/2015 18:03

Liệu giá dầu thế giới có tiếp tục lao dốc do nguồn dầu xuất khẩu của Mỹ?

Theo một nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa cho biết, lãnh đạo của đảng này và đảng Dân chủ đã đồng ý sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu ra nước ngoài. Lệnh cấm này vốn đã được duy trì trong gần 40 năm qua, vì thế đây có thể nói là một thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách kinh tế của Mỹ. 

Luật hạn chế xuất khẩu dầu được ban hành tại Mỹ vào năm 1975 để hỗ trợ cho việc kiểm soát giá dầu, sau đợt khủng hoảng dầu mỏ những năm 1973-1974. Và luật này vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay, tới lúc giá dầu giảm mạnh chỉ còn vài chục USD / thùng và khiến cho nhiều nhà sản xuất dầu gặp khó khăn.

Do đó, từ 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ đã tích cực vận động việc dỡ bỏ lệnh cấm. Theo lập luận của họ thì việc cho phép tự do xuất khẩu dầu sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất tại nước này, cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư và theo đó là số công ăn việc làm sẽ tăng lên. Quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ từ một nhóm nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Khơi thông dòng chảy

Theo các thông tin được biết thì việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu kỳ này là một phần trong gói ngân sách trị giá 1,1 ngàn tỷ USD đang được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Theo đó, thỏa thuận giữa các lãnh đạo 2 đảng bao gồm việc cho phép xuất khẩu dầu (vừa lòng đảng Cộng hòa), vừa nới rộng tín dụng cho việc phát triển năng lượng tái tạo (vừa lòng đảng Dân chủ).

Hiện tại, phía đảng Dân chủ vẫn chưa lên tiếng xác nhận về vấn đề này. Ngoài ra, để chính thức có hiệu lực thì chính sách này vẫn còn phải được cả hạ viện và thượng viện Mỹ thông qua, chưa kể đến phải được tổng thống Barack Obama ký thành văn bản luật.

Trong khi đó, một số nhà máy lọc dầu của Mỹ đã lên tiếng phản đối việc cho phép tự do xuất khẩu dầu, với lập luận là giá dầu trong nước có thể sẽ tăng lên, kéo theo giá xăng trong nước và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Các nhà phân tích thì cho rằng ngay cả khi lệnh cấm được dỡ bỏ thì lượng dầu xuất khẩu của nước Mỹ cũng sẽ không tăng đáng kể. Hiện tại, chênh lệch giá dầu Tây Texas (WTI) và giá dầu Brent quốc tế chỉ ở khoảng 1,25 USD/thùng. Điều này có nghĩa rằng lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu ở Mỹ thu về sau khi trừ đi chi phí vận chuyển là không đáng kể. 

Dù luật cấm xuất khẩu dầu mỏ tuy đã được nới lỏng trong vài năm trở lại đây, nhưng lượng dầu mỏ xuất khẩu của Mỹ trong tháng 9 vừa qua vẫn chỉ dừng lại ở mức 409.000 thùng /ngày, chiếm vỏn vẹn 4% trong tổng sản lượng dầu cả nước.

Tuy nhiên, khi xét về dài hạn thì việc tự do xuất khẩu dầu sẽ góp phần giúp cho nhiều công ty dầu mỏ của Mỹ có cơ hội tìm kiếm các thị trường mang lại lợi nhuận cao nhất cho họ.

John Hess, hiện là giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ Hess Corp, từ chối cho biết rằng công ty của ông có ngay lập tức xuất khẩu dầu ngay khi lệnh cấm được dỡ bỏ hay không. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng về dài hạn thì điều đó sớm muộn cũng xảy ra, nếu tình hình thị trường có tín hiệu thuận lợi.

Công nghệ làm thay đổi cuộc chơi

Với kỹ thuật fracking để khai thác dầu khí từ đá phiến, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng trưởng gần 90% so với thời điểm tháng 8 năm 2008. Điều này giúp cho giá xăng dầu tại Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 cho đến nay. Hiện nay, giá xăng đã xuống gần mức 0,5 USD/lít tại một số tiểu bang. Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã dự báo rằng giá bình quân của một lít xăng sẽ đạt khoảng 0,54 USD trong tháng 12 này và 0,62 USD vào năm tới.

Hiện tại, Mỹ đang xuất khẩu gần 400.000 thùng dầu thô / ngày tới Canada, đối tác nhập khẩu lớn nhất được cho phép theo luật hiện hành. Con số này cao gấp 9 lần so với năm 2008, nhưng hiện vẫn chỉ chiếm tới 3,8% lượng dầu sản xuấtmỗi ngày tại Mỹ.

Hiện tại, các cảng biển tại 2 thành phố Corpus Christi và Houston của bang Texas đang được mở rộng hàng loạt để phục vụ cho việc chuyên chở dầu mỏ. Công ty Enbridge Energy Partners đang dự kiến đầu tư 5 tỷ USD để xây dựng 3 bến tàu chở dầu nằm giữa 2 thành phố New Orleans và Houston.

Theo dự kiến, thông tin về việc Quốc hội Mỹ sắp dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu sẽ khiến cho giá dầu tiếp tục dò đáy trên thị trường, do nguồn cung dầu mỏ sẽ tăng lên. Tại thị trường Châu Âu, giá dầu Brent đã giảm 2,65%, xuống mức còn 37,43USD/thùng.

Đinh Hạnh

Nguồn WSJ, FT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày