Kinh Doanh

Quan niệm mới của Herbalife về CSR và bền vững

Thứ Hai | 23/03/2015 14:56

Tại Việt Nam, các hoạt động CSR của Herbalife đã được khởi đầu từ năm 2011 dưới hình thức cải thiện dinh dưỡng cho các trẻ em khó khăn.

Những đứa trẻ khiếm thính ở Bình Định một lần nữa làm cho Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Tổng Giám đốc Herbalife Việt Nam, Thái Lan & Campuchia, phải ngạc nhiên. Các em giờ đây đã có thể trình diễn thành thạo môn võ dân tộc vốn không dễ ngay cả với người nghe nói bình thường. Sự kiên trì của những đứa bé này đã giúp ông cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống, cũng là mục tiêu mà Quỹ Gia đình Herbalife (Herbalife Family Foundation), thuộc Tập đoàn Herbalife hướng đến, thông qua triển khai sự kiện này.

Tiến sĩ Nguyễn Thắng trải qua hơn nửa thập kỷ với vai trò điều hành Herbalife Việt Nam và gần đây là thuyền trưởng của cùng lúc 3 thị trường Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Người đàn ông trung niên này có một cách truyền cảm hứng đặc biệt bởi trình độ am hiểu và lối diễn đạt tế nhị, sâu sắc, đặc biệt trong lĩnh vực dinh dưỡng, một câu chuyện còn tương đối mới mẻ đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Trong câu chuyện với NCĐT, Tiến sĩ Nguyễn Thắng ít chia sẻ những con số kinh doanh, thay vào đó, ông bắt đầu những con số minh chứng về tình trạng sức khỏe dinh dưỡng của cộng đồng, điều làm ông quyết định gắn bó trong nhiều năm để tìm câu trả lời để cải thiện tình trạng.

Tôi nghe ông đề cập đến “thực phẩm bổ sung”, nhưng đa phần chúng tôi được biết Herbalife là “thực phẩm chức năng”?

Tôi xin nói rõ hơn, tầm nhìn của Herbalife là hướng đến thực phẩm bổ sung (supplement food). Chúng tôi hiện tập trung vào thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Từ “thực phẩm bổ sung” sẽ mang nghĩa đúng hơn. Tôi cho rằng cách gọi “thực phẩm chức năng” ở Việt Nam là chưa phù hợp.

Tôi chưa hình dung hết được cái được gọi là “thực phẩm bổ sung”. Tôi vẫn nghĩ chúng ta có thể bổ sung dinh dưỡng từ việc ăn uống mỗi ngày? 

Điều bạn nói là đúng nhưng chưa đủ. Hãy hình dung một người làm việc năng động có thể sẽ cần vitamin và khoáng chất tương đương với 4 đĩa rau lớn/ngày, nhưng thật sự dạ dày của bạn có thể hấp thụ hết? Các loại khác như protein, canxi… cũng tương tự vậy. Thứ hai, nói chung, người Việt mình thường bị dư tinh bột, đường, đặc biệt là thừa muối. Lượng muối nạp vào cơ thể của người Việt, theo Tổ chức Y tế Thế giới, cao gần gấp 3 lần so với nhu cầu (chuẩn là chỉ 5g/ngày), trong khi chúng ta lại rất thiếu đạm. Vì thế, tôi mới nghĩ “thực phẩm bổ sung” là cần thiết như đúng tên gọi của nó.

Tôi không phủ nhận vai trò của thực phẩm bổ sung. Nhưng với thu nhập của người Việt hiện nay, chuyện dùng đến sản phẩm này e là khó hơn các nước phát triển?

Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là mối quan tâm được đặt ở đâu. Một bằng chứng là sau hơn 5 năm, vị trí của Herbalife Việt Nam đã nằm trong “tốp 5” châu Á - Thái Bình Dương và thứ 16 trên toàn cầu, với tăng trưởng doanh thu bình quân qua các năm khoảng 50-60%.

Như vậy, chiến lược sản phẩm Herbalife liệu có khác biệt ở những thị trường khác nhau?

Dĩ nhiên, mỗi thị trường sẽ có những chiến lược sản phẩm riêng. Chúng tôi tìm hiểu kỹ và thấy Việt Nam thường đối mặt về vấn đề dinh dưỡng cân bằng, toàn diện, nên ngay từ đầu chúng tôi đã tập trung vào mảng này. Ngoài ra, các vấn đề tim mạch, xương và khớp cũng rất phổ biến nên các sản phẩm phân khúc này đã được đẩy mạnh từ rất sớm. Mới đây chúng tôi đã giới thiệu dòng sản phẩm chuyên chăm sóc da Herbalife SKIN và chăm sóc tóc Herbalife Aqua và được đón nhận nồng nhiệt.

Ông vừa nhận được Giải Thưởng Lãnh Đạo Của Năm 2014 từ Tập đoàn Herbalife. Phải quản lý cùng lúc 3 thị trường khác nhau, ông quản trị theo phong cách nào để đạt được hiệu quả như vậy?

Triết lý quản trị quan trọng nhất đối với tôi chính là “tư duy nguồn lực mở”. Thế giới này rất rộng lớn và bao la, nên cơ hội sẽ đến với người biết cách khơi gợi và sử dụng hiệu quả nguồn lực mở đó. Tôi sẽ không tin và không chú ý đến những người hay tự hào rằng họ tự mình làm được nhiều thứ. Khi có kế hoạch hay dự án mới, điều đầu tiên tôi suy nghĩ là có ai sẽ giúp mình đạt được mục tiêu này; chứ không phải là tôi sẽ phải làm gì và làm như thế nào.

Làm việc cả với người Việt, Thái Lan lẫn Campuchia, ông nhìn nhận thế nào về tương quan trình độ và những vấn đề gặp phải khi sử dụng, quản lý họ?

Khi tôi phỏng vấn tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao cho Herbalife Thái Lan, tất cả các ứng viên, bên cạnh kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia, đều tốt nghiệp Thạc sĩ từ Mỹ hoặc Anh dù yếu tố này tôi không yêu cầu. Tính chuyên nghiệp của họ rõ ràng là rất cao. Còn đối với người Campuchia, tôi từng bất ngờ khi biết rằng họ nói tiếng Anh rất tốt. Cùng cấp bậc trong công ty, nhưng người Campuchia nói tiếng Anh lưu loát hơn người Việt.

Hơn 30 năm học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi tin rằng về năng lực thì người Việt rất có tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta cần hoàn thiện là tính chuyên nghiệp và kỷ luật. Thật sự, thách thức lớn nhất để nhân sự người Việt hội nhập với khu vực và thế giới không phải là kỹ năng, mà là tính chuyên nghiệp và kỷ luật. Kỹ năng hoàn toàn có thể được hoàn thiện qua thời gian, nhưng tính chuyên nghiệp và kỷ luật lại liên quan đến thái độ, tư duy, thói quen, văn hóa… vốn cần được giáo dục từ nhỏ.

Hiện nay, các công ty ngoài kinh doanh còn hướng đến hoạt động cộng đồng (CSR). Tuy nhiên, các hoạt động này thường là từ thiện ngắn hạn. Herbalife có suy nghĩ cho một chiến lược CSR dài hơi?

Chúng tôi rất thấu hiểu điều này. Herbalife thực chất có một quỹ gọi là Quỹ Gia Đình Herbalife, do ông Mark Hughes sáng lập. Quỹ này hoạt động độc lập với việc kinh doanh của Herbalife. Toàn bộ nguồn đóng góp kinh phí vào Quỹ là từ thành viên (đại lý phân phối) và nhân viên của Herbalife toàn cầu. Sau đó, quỹ này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động CSR ở từng quốc gia. Ví dụ, tại Việt Nam, chúng tôi, sẽ tư vấn cho Quỹ các phương án và địa chỉ cần thực hiện CSR, còn Quỹ sẽ trực tiếp đi thực hiện, để đảm bảo tính minh bạch nhất. Chúng tôi gọi đây là hoạt động “Casa Herbalife”. Casa Herbalife được triển khai lần đầu vào năm 2011 với chương trình nâng cấp bếp ăn và cải thiện chất lượng bữa ăn cho trẻ em tại Trung tâm Nhân đạo Hòa Bình - Hà Nội.

Sự kiên trì của những đứa bé khiếm thính đã giúp Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Tổng Giám đốc Herbalife khu vực  Việt Nam, Thái Lan & Campuchia, cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống.
Sự kiên trì của những đứa bé khiếm thính đã giúp Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Tổng Giám đốc Herbalife khu vực Việt Nam, Thái Lan & Campuchia, cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống.

Theo ông, tư duy CSR của Herbalife có gì khác biệt và nổi trội so với quan niệm CSR truyền thống là “dùng tiền làm từ thiện”?

Chúng tôi tin rằng dinh dưỡng và vận động là 2 thứ quan trọng để tạo nên nền tảng vững chắc cho sức khỏe con người, ngoài những yếu tố khác là gen di truyền và môi trường sống khó/hoặc không kiểm soát được. Tóm lại, dinh dưỡng và vận động là 2 thứ then chốt để có thể thay đổi được chất lượng sống. Đó là lý do vì sao Herbalife đã ký hợp đồng thỏa thuận chiến lược hợp tác dài hạn với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam và Ủy ban Olympic bằng cách thông qua tài trợ dinh dưỡng trên diện rộng cho thể thao Việt Nam, từ SEA Games cho đến ASIAD và Olympics.

Theo quan niệm của tôi thì từ CSR chưa lột tả đúng bản chất. Vì CSR không phải là luật, nó không được quy định hoặc hiện định. Cho nên dùng từ “trách nhiệm” là chưa hết ý. Tôi nghĩ nên dùng từ “tình thương xã hội” thì đúng hơn. Tình thương đầu tiên là phải xuất phát từ việc doanh nghiệp cam kết mang lại giá trị thực sự cho người tiêu dùng trên chính sản phẩm của mình, sau đó mới đến các hoạt động thiện nguyện. Với yếu tố đầu tiên ở Herbalife, việc kiểm soát chất lượng được thực hiện rất gắt gao, ngay từ khâu gieo trồng cho đến chế biến và vận chuyển.

Ngoài CSR, các công ty nước ngoài và ngay cả Herbalife đều đề cập đến “phát triển bền vững”. Nghe qua thì đơn giản, nhưng tôi vẫn chưa hình dung được hàm ý của cụm từ này trong Herbalife?

35 năm không phải là quá dài trong lịch sử của Herbalife, nhưng chúng tôi vẫn đang hướng đến phát triển bền vững. Các đời lãnh đạo của chúng tôi đều rất chú trọng về cái này nhưng đặc biệt ông Michael Johnson, Tổng Giám đốc của Tập đoàn hiện nay, rất nỗ lực cho triết lý này được phát triển thực tế. Tính bền vững với chúng tôi rất đơn giản, đó là “sự gắn bó”. Nếu bạn không tạo được môi trường nhân sự giỏi, lành mạnh và gắn kết, điều đó chẳng có ý nghĩa gì với phát triển bền vững. Tất nhiên, ngay cả cái được gọi là “phát triển bền vững” cũng phải đo lường được. Tôi sẽ không chia sẻ cụ thể vấn đề đo lường này vì nó khá phức tạp. Tôi chỉ muốn nói rằng, chỉ tính riêng ở Việt Nam, chúng tôi đã có hơn 60.000 thành viên đang ngày đêm sát cánh cùng nhau để mang đến những giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho cộng đồng. Khi bản thân chúng tôi gắn kết, chúng tôi đang nỗ lực tạo ra sức mạnh gắn kết cho cộng đồng.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày