Kinh Doanh

Trung Quốc tăng cường kiểm soát nhập khẩu ngũ cốc do tồn kho lớn

Thứ Bảy | 25/10/2014 17:49

Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát nhập khẩu ngũ cốc và trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu nhằm giảm tình trạng dư cung.
Thông tin này được Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương (Wang Yang) cho biết hôm 24/10.

Chính sách tăng hàng dự dữ của Trung Quốc, theo đó chính phủ sẽ mua nông sản từ nông dân khi giá tăng, đã khiến nguồn cung nước ngoài giá rẻ hơn trở nên hấp dẫn hơn đối với người sử dụng cuối cùng như các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, buộc chính phủ phải hành động để kiềm chế nhập khẩu.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu ngũ cốc trong khi trừng phạt nghiêm khắc các hành động phi pháp như buôn lậu nhằm ổn định thị trường nội địa.

Việc Trung Quốc từ chối các lô hàng ngô của Mỹ với lý do có chứa thành phần biến đổi gen chưa được phép nhập khẩu cũng được coi là một phần trong nỗ lực kiềm chế nhập khẩu giá rẻ và hỗ trợ giá ngô trong nước của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nước tiêu thụ ngô số 2 thế giới này lại đang nhắm đến các nhà xuất khẩu mới, kể cả Bulgaria và Ukraine, để bù đắp khoảng trống do việc hạn chế nhập khẩu từ Mỹ.

Ông Uông Dương cho biết, chênh lệch giá giữa thị trường trong và ngoài nước đang khiến nhập khẩu ngũ cốc ngày càng tăng.

Chênh lệnh giá giữa ngô nội địa và ngô Mỹ đang ở mức cao kỷ lục khi vụ mùa bộ thu của Mỹ đang đẩy giá xuống trong trong khi giá ngô nội địa Trung Quốc vẫn không đổi do chính sách hỗ trợ. Bắc Kinh thanh toán cho nông dân 2.220-2.260 nhân dân tệ (362,9-369,5 USD)/tấn ngô, trong khi giá ngô Mỹ hiện là 143 USD/tấn.

Trung Quốc không công bố số liệu chi tiết về lượng tồn kho ngũ cốc, nhưng theo các nhà phân tích lượng ngô tồn kho của nước này hiện đạt khoảng 100 triệu tấn – tương đương ½ tiêu dùng nội địa hàng năm – trước khi vụ thu hoạch hiện tại bắt đầu.

Ông Uông Dương cho biết, Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về việc nâng cao thu nhập ở vùng nông thôn và sản lượng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại và nguồn thu tài chính đang giảm, trong khi với việc chi phí sản xuất tăng, chính phủ phải tung ra thêm các khoản trợ cấp để duy trì lợi nhuận của nghề nông.

Nguồn Theo DVO/Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày