Kinh Doanh

"WB sẽ không thay đổi chính sách với Việt Nam"

Thứ Năm | 26/09/2013 12:34

Đây là khẳng định của ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) vào ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam) nhân dịp tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 tại Mỹ.

Phóng viên thường trú Đài TNVN tại Mỹ đã có cuộc trao đổi với ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian qua.

WB đã dành rất nhiều sự ủng hộ tài chính cho các chương trình phát triển của Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của vốn vay được thực hiện cho tới nay?

WB có quan hệ mật thiết, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và có nhiều quan điểm tương đồng về xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và đây cũng là mục tiêu chủ yếu của WB.

Chúng ta đã thiết lập được nền tảng vững chắc không chỉ trong đối thoại mà còn trong các chương trình hợp tác, góp phần xây dựng một trong những chương trình cho vay lớn nhất của WB mang tên Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), tổ chức hỗ trợ cho các nước đang phát triển có thu nhập thấp.
Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương

Việt Nam đã trở thành nước thụ hưởng lớn thứ 2 của quỹ IDA trong những năm gần đây. Tôi thấy rằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới đã được chuyển hóa thành những dự án và kết quả cụ thể, trong đó chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam rất thành công.

Trong vài năm qua, nhiều vùng sâu vùng xa đã có điện, góp phần cải thiện đời sống nông dân cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục. Không chỉ vùng sâu vùng xa, chúng tôi còn hỗ trợ thực hiện nhiều dự án phức hợp tại đô thị, chẳng hạn như: dự án làm sạch kênh mương tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những dự án lớn, góp phần thay đổi diện mạo thành phố.

Chúng tôi muốn tối đa hóa quan hệ đối tác với Việt Nam và tạo ra sự khác biệt trong đời sống của người dân Việt Nam.

Ông nhìn nhận thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây và Việt Nam cần làm gì để cải thiện hơn nữa kinh tế vĩ mô?

Chúng ta cần xem xét vấn đề này trên phương diện ngắn hạn và trung hạn.

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với 20 năm qua, chẳng hạn như tăng trưởng năm ngoái chỉ đạt khoảng 5,2% và năm nay có khả năng cũng như vậy.

Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế vĩ mô nhưng tình hình đã ổn định hơn nhờ các giải pháp của chính phủ. Về trung hạn, điều quan trọng không chỉ là duy trì một khuôn khổ vĩ mô ổn định và còn phải tính đến những thách thức về cơ cấu, nhất là trong lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính. Một hệ thống tài chính vững mạnh là điều kiện cần thiết để kinh tế Việt Nam phát triển và thành công hơn nữa.

Sau khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, đã có những cảnh báo về "bẫy thu nhập trung bình", tức là không thể vượt qua được ngưỡng thu nhập trên do phát triển không dựa trên năng suất và nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Tôi không cho rằng Việt Nam sẽ sớm rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhưng điều này cũng đòi hỏi cần tiếp tục tập trung vào vấn đề then chốt là cải cách doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính.

Một yếu tố nữa là Việt Nam cần tăng cường sức cạnh tranh trong nước và quốc tế để thu hút đầu tư và thành công trên thị trường toàn cầu. Yếu tố cuối cùng là nguồn nhân lực, sức mạnh lớn nhất của Việt Nam. Trong lĩnh vực này, giáo dục đóng vai trò mấu chốt. Chúng tôi luôn nói với các nước đối tác rằng, giáo dục là vấn đề rất quan trọng, từ mầm non cho tới đại học, thậm chí cả hình thức học tập trọn đời. Đây là chương trình nghị sự không chỉ cho hôm nay hay ngày mai mà là vấn đề dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư và tập trung vào chất lượng giáo dục, một yếu tố quyết định đối với tương lai của Việt Nam. Nếu thực hiện được tất cả những điều trên, mức thu nhập sẽ tăng và Việt Nam có thể sẽ rất thịnh vượng trong những năm tới.

Việt Nam đã đạt được nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ và không còn nằm trong danh sách các nước có thu nhập thấp, vậy trong tương lai Ngân hàng Thế giới có điều chỉnh chính sách hỗ trợ Việt Nam hay không, thưa ông?

Mục tiêu Thiên niên kỷ là mục tiêu lý tưởng để các nước huy động nguồn hỗ trợ. Việt Nam đã rất thành công trong xóa đói giảm nghèo nhưng cũng cần phải nỗ lực hơn nữa trong vấn đề này.

Ngân hàng Thế giới đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch xóa tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 và chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam để mang lại hy vọng cho những người nghèo rằng họ thực sự có cơ hội trong xã hội.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ đối với Việt Nam. Theo thông lệ, 3 năm một lần, IDA tổ chức đàm phán tái cấp vốn và theo tôi được biết thì vòng đàm phán gần đây nhất đã huy động được 50 tỷ USD vốn vay cho các nước.

Tôi hy vọng chúng ta sẽ một lần nữa thành công và tiếp tục có một chương trình hợp tác vững mạnh. Ngoài IDA, Ngân hàng Thế giới còn dành các khoản vay khác cho Việt Nam từ các nguồn như Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC).

Tôi tin tưởng rằng những sự hỗ trợ và ủng hộ này đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam. Tôi hy vọng với những nguồn tài chính đa dạng như vậy, hai bên sẽ có thể duy trì các chương trình hợp tác hiệu quả. Chúng ta cũng có thể làm việc với các đối tác khác để thu hút thêm các nguồn tài chính. Ngân hàng thế giới có mối quan hệ đối tác rất tốt đẹp với Việt Nam và tôi thấy không có lý do gì để thay đổi chính sách đối với Việt Nam trong tương lai.

Nguồn VOV News


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày