Phong Cách Sống

Giải bài toán 2 tỉ tấn rác

Văn Quốc Thứ Hai | 22/07/2019 11:08

Ảnh: bloomberg.com

Một thông điệp rõ ràng hiện nay là các quốc gia phải tự xử lý rác thải của nước mình.
Ảnh: bloomberg.com

Mùi hôi thối từ sữa đóng cục tỏa ra từ một container chở rác thải tại Cảng Klang của Malaysia khi Bộ trưởng Bộ Môi Trường Yeo Bee Yin tuyên bố với một nhóm nhà báo vào tháng 5 rằng bà sẽ gửi container rác thải bốc mùi này trở lại nơi nó xuất phát.

Bà Yeo Bee Yin đã nói lên mối lo ngại đang lan khắp Đông Nam Á, làm dấy lên một cơn bão truyền thông về việc các nước giàu xả hàng triệu tấn rác thải sang các nước đang phát triển. Khoảng 5,8 triệu tấn rác đã được xuất đi trong giai đoạn tháng 1-11.2018, phần lớn từ Mỹ, Nhật và Đức, theo Greenpeace.

Hiện chính phủ các nước châu Á kiên quyết nói “không” với hàng triệu tấn rác thải nhập khẩu này, vốn hàng thập kỷ qua đã là nguyên liệu đầu vào của các nhà máy tái chế rác thải nhựa. Và khi càng nhiều rác thải ập đến, các quốc gia nhập khẩu rác lại đối mặt với một vấn đề ngày càng nghiêm trọng là làm thế nào giải quyết đống rác thải hôi thối không dễ tái chế này.

Giai bai toan 2 ti tan rac

“Thông thường 70% rác nhập khẩu có thể xử lý được, còn 30% kia thì nhiễm khuẩn do có chứa thực phẩm”, Thomas Wong, nhà quản lý Impetus Conceptus Pte, một công ty Singapore chuyên cắt vụn rác thải nhựa sản xuất trong nước trước khi chuyển sang các nhà máy tái chế ở Malaysia và Việt Nam, nhận định. “Rác nhiễm khuẩn được gửi đến các lò thiêu và bãi chôn rác (có tính phí) nhưng một số nhà tái chế chỉ đơn giản là tìm đại chỗ nào đó và đốt nó”, Wong nói.

Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu rác vào tháng 1.2018 đã kích hoạt hiệu ứng domino. Hàng triệu tấn rác thải đã chuyển hướng sang Đông Nam Á, khiến khu vực này nhanh chóng trở nên quá tải, buộc chính phủ phải bắt tay hành động.

Malaysia đã công bố một lệnh cấm vào tháng 10. Thái Lan đã ngừng cấp giấy phép nhập khẩu vào năm ngoái và sẽ có thể ban lệnh cấm vào năm 2020, theo Yash Lohia, nhà điều hành tại Indorama Ventures, công ty chuyên sản xuất và tái chế nhựa ở Bangkok. Philippines cho biết đang gửi trả 69 container rác thải trở lại Canada. Indonesia tuyên bố sẽ siết chặt các quy định nhập khẩu rác thải sau khi phát hiện rác thải độc hại có trong hàng nhập khẩu. Ấn Độ và Việt Nam cũng đã tuyên bố những lệnh hạn chế rác thải.

Dù vậy, bà Yeo Bee Yin cho biết rác vẫn len lỏi vào Malaysia dưới những kiện hàng trá hình, nhưng Chính phủ hy vọng có thể giải quyết triệt để tình trạng này vào cuối năm nay. Khi Đông Nam Á ngưng nhập khẩu rác, các công ty sẽ phải tìm kiếm nguồn hàng ở những nơi khác, theo Wong, Impetus Conceptus. “Tôi nghĩ châu Phi sẽ là đích ngắm tiếp theo”, ông nói.

Nhưng mạng xã hội đã giúp nâng cao nhận thức công chúng đối với rác thải ở cả các quốc gia đang phát triển và các nước phát triển mà xuất khẩu rác. Điều đó sẽ khiến cho việc xuất khẩu rác ngày càng khó khăn. “Mọi người đều lên tiếng về rác thải. Đó là khi các quốc gia bắt đầu nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn”, Lohia, thuộc Indorama nhận định.

Giai bai toan 2 ti tan rac

Thông điệp lâu dài cho các quốc gia rất rõ ràng: Phải tự giải quyết rác của chính mình. Nhưng làm sao làm được điều này? Con người tạo 2,01 tỉ tấn rác thải cứng vào năm 2016 và đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên đến 3,4 tỉ USD, theo World Bank. Khoảng 12% rác thải đô thị vào năm 2016 là nhựa, tương đương 242 triệu tấn.

Một tín hiệu lạc quan là chính phủ nhiều nước, chính quyền các địa phương cũng như các doanh nghiệp và cộng đồng startup trên khắp thế giới đã tỏ thái độ kiên quyết xử lý vấn đề này.

Một số doanh nghiệp lấy khí metan có từ quá trình phân hủy rác thải hữu cơ trong các bãi rác lớn tại đô thị. “Chúng tôi đang thu khí gas và dùng nó để sản xuất điện”, Sarun Tunwattanapong cho biết. Sarun đang xây dựng một nhà máy điện 5MW ở Thái Lan gần một bãi chôn rác ở tỉnh Nonthaburi. Một số khác đốt rác để tạo điện.

Tại Singapore, tro có được sau khi đốt rác được dùng để kiến thiết một hòn đảo mới. Nhưng điều này rất tốn kém và vẫn tạo ra khí nhà kính. Một giải pháp khác là rác thải cứng có thể được khí hóa ở nhiệt độ cao sử dụng đèn hàn plasma nhằm tạo ra khí tổng hợp, kim loại và xỉ kính đá để lát đường. Nhà máy của Maharashtra Enviro Power Ltd ở Pune, Ấn Độ biến chất thải nhà máy độc hại thành nguyên liệu sử dụng cho các hệ thống nung.

Một cách nữa là phân loại rác thải dù đây có thể là một công việc chẳng thú vị gì. Nhưng công nghệ ngày càng tự động hóa công việc nhàm chán này và khiến cho quy trình phân loại rác thải hiệu quả hơn. ZenRobotics (Phần Lan) đã phát triển các con robot có thể lấy gỗ và kim loại từ các băng chuyền rác thải. Tại Thụy Điển, công ty thu gom rác NSR AB sử dụng các tia cận hồng ngoại để nhận dạng các loại nhựa khác nhau trên băng chuyền.

Giai bai toan 2 ti tan rac

 “Robot có thể là một giải pháp thay thế thú vị trong tương lai nếu chúng học được cách phân biệt các loại vật liệu nhựa và nếu chúng có thể phân loại đủ nhanh”, Pernilla Ringstrom, một nhà quản lý tại NSR, nhận định. NSR đã thu gom 538 tấn rác thải nhựa vào năm 2018, được làm thành dây buộc composite sử dụng trong ngành đường sắt hoặc bán cho các công ty ở Thụy Điển và Đức.

Nhưng một thách thức là làm sao để người dân tự phân loại rác thải ở nhà. Tại Đài Loan, những chiếc xe chở rác mở nhạc từ xa để báo cho người dân biết chạy ra đổ rác. Nhựa và các hộp nhôm được quăng lên một xe tải màu trắng, còn rác thải để mang đi đốt thì được mang lên một chiếc xe tải màu vàng.

Tại Nhật và châu Âu, tỉ lệ tái chế vượt xa các nước Đông Nam Á vì người dân có ý thức súc rửa đồ đựng bỏ đi sau khi đổ chất lỏng còn thừa, theo Wong của Impetus. Rác thải nhựa không được tái chế nếu còn chứa thực phẩm, dầu gội, hay cà phê trong đó. “Tại Singapore, chỉ 4% rác thải nhựa được tái chế và 96% còn lại phải bỏ đi. Tại Nhật và châu Âu, người dân kỹ hơn khi luôn rửa sạch, vì thế rác không có lẫn lộn như thế”, Wong nói.

Các công ty công nghệ sinh học cũng ra sức xử lý rác thải. Taraph Technologies của Singapore là một trong số những công ty sử dụng vi khuẩn hoặc các quy trình hữu cơ để xử lý rác. Công ty này khai thác các enzyme tự nhiên tiêu hóa nhựa và biến chúng thành các hóa chất thường được sản xuất tại những nhà máy lọc dầu. Taraph kỳ vọng công nghệ này sẽ sẵn sàng về mặt thương mại trong 5-10 năm.

Các công ty trên khắp thế giới cũng tìm kiếm những vật liệu thay thế cho nhựa, vốn đã vượt tốc độ sản xuất của các loại vật liệu khác kể từ năm 1950. Vì thế, các sản phẩm như ống hút bằng giấy, bằng tre... ra đời để hạn chế việc tiêu thụ nhựa. Hay các hộp đựng thực phẩm và dao kéo dùng 1 lần được làm bằng ngũ cốc hoặc phần bỏ đi của cây mía.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày