Tài Chính

Bớt lo nợ xấu, ngân hàng sáng cửa 2022

Minh Đức Thứ Hai | 24/01/2022 08:30

Việc tăng tốc trích lập dự phòng cũng đang diễn ra ở nhiều ngân hàng khác. Ảnh: Qúy Hòa.

Tăng bộ đệm trích lập dự phòng cao cùng triển vọng lợi nhuận giúp các ngân hàng tiếp tục có bức tranh lạc quan trong năm 2022.
Việc tăng tốc trích lập dự phòng cũng đang diễn ra ở nhiều ngân hàng khác. Ảnh: Qúy Hòa.

“Tỉ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên tới 424%, cao nhất ngành ngân hàng. Đặc biệt, toàn bộ dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã được Ngân hàng trích lập đủ 100%, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank, cho biết. Mặc dù dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của Ngân hàng, song tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank năm 2021 vẫn bằng năm trước đó. Tỉ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ngân hàng này cũng chỉ ở mức 0,34%, cho thấy chất lượng tín dụng được kiểm soát rất tốt và không tiềm ẩn rủi ro đáng kể nào cho năm 2022.

Việc tăng tốc trích lập dự phòng cũng đang diễn ra ở nhiều ngân hàng khác. Giai đoạn 2016-2019, tỉ lệ nợ xấu và tỉ lệ nợ nhóm 2 có xu hướng giảm, nhưng từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh khiến tỉ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 có dấu hiệu tăng trở lại. Chẳng hạn, theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, tính đến cuối năm 2021, tỉ lệ bao phủ nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 235%, mức cao nhất trong những năm gần đây và cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Tương tự, VietinBank cũng nâng tỉ lệ bao phủ nợ xấu năm 2021 lên 171%, thay vì mức 132% cuối năm 2020.

Thực tế, xét theo tỉ lệ toàn hệ thống, nợ xấu năm 2021 cao hơn so với năm 2020 khoảng 8% nhưng không có cú sốc nào về nợ xấu xảy ra. Thậm chí, lợi nhuận tăng trưởng khả quan giúp nhiều ngân hàng tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc chủ động trích lập dự phòng cao cho thấy sự chủ động từ phía ngân hàng trước những rủi ro của nền kinh tế trong tương lai và giảm áp lực lên kết quả kinh doanh các năm sau, cũng như dùng khoản chi phí này để thoái nợ với VAMC. “Rủi ro tín dụng chỉ có thể xảy ra với các ngân hàng yếu kém và những ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng. Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của các ngân hàng đã trích lập dự phòng trước hoặc trích lập dự phòng đầy đủ cho dư nợ cơ cấu”, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI đánh giá.

 

Luật Xử lý nợ xấu có thể được ban hành trong năm 2022, khả năng gia hạn Thông tư 14/2021/TT-NHNN và tiếp tục hoãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn khá cao cũng khiến áp lực nợ xấu năm 2022 bớt căng thẳng. Nỗi lo về nợ xấu đang được giải tỏa khi kết quả kinh doanh quý IV/2021 được hé lộ với bức tranh lợi nhuận khá sáng sủa. Agribank, chẳng hạn, báo cáo lợi nhuận hơn 14.000 tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2020; TPBank có lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2020, vượt hơn 4% so với kế hoạch; MSB có lợi nhuận ước đạt 5.000 tỉ đồng, gấp đôi năm 2020...

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, các ngân hàng vẫn kinh doanh khấm khá bất chấp dịch COVID-19 là nhờ nhu cầu tín dụng đã tăng trở lại trong quý cuối năm, cùng với đó là tỉ lệ CASA tại nhiều ngân hàng tăng cao giúp giảm chi phí vốn, tăng hiệu quả cho vay. Mặt khác, thay vì trông chờ vào tín dụng, nhiều ngân hàng đã tăng tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp, cải thiện khả năng sinh lời. 
SSI Research nhận định nhiều ngân hàng cũng được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương. Ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng là 21% so với năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI. Ước tính này không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, MB... 

“Các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước ước tính tăng trưởng lợi nhuận ở mức 19%, trong khi các ngân hàng thương mại khác có thể tăng trưởng tới 22% so với năm 2021 do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn và chỉ thật sự bứt phá mạnh hơn từ quý II với VietinBank, Vietcombank, MB và từ quý III với các ngân hàng khác”, báo cáo SSI Research nhận định. 

 

Mặc dù vậy, sự phân hóa về lợi nhuận của các ngân hàng ngày càng rõ nét, tương ứng với rủi ro nợ xấu. Thị trường cũng ghi nhận nhiều ngân hàng với chất lượng tài sản tốt có tình trạng nợ xấu mới tăng vượt mức kiểm soát. Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cảnh báo, dịch bệnh kéo dài và vẫn đang diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng năm 2022 do có độ trễ. 

“Nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu hiện nay khoảng 7,31%”, ông Tú nói. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao để duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức an toàn dưới 3%.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày