Tài Chính

Dậy sóng cổ phiếu bất động sản

Vũ Hoài Thứ Ba | 27/04/2021 07:30

Theo dữ liệu từ bảng giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trên sàn HOSE hiện có 25 doanh nghiệp bất động sản đang được niêm yết và giao dịch. Ảnh: kinhtechungkhoan

Kể từ đầu năm 2021 đến ngày 20.4, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã đồng loạt tăng mạnh, bình quân tăng 38,1%.
Theo dữ liệu từ bảng giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trên sàn HOSE hiện có 25 doanh nghiệp bất động sản đang được niêm yết và giao dịch. Ảnh: kinhtechungkhoan

Trên bản đồ vốn hóa của sàn HOSE, ngành bất động sản là nhóm chiếm tỉ trọng vốn hóa lớn thứ 2, sau nhóm cổ phiếu ngân hàng. Hiện tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp bất động sản đạt khoảng 43,7 tỉ USD, chiếm 22,6% tổng giá trị vốn hóa trên sàn HOSE. 

Theo dữ liệu từ bảng giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trên sàn HOSE hiện có 25 doanh nghiệp bất động sản đang được niêm yết và giao dịch. Kể từ đầu năm 2021 đến nay (20.4), thị giá của các cổ phiếu bất động sản đã bứt phá mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng bình quân 38,1%. Trong đó, nhóm cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá tăng trưởng mạnh nhất trong ngành. Giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC), chẳng hạn, tăng mạnh 136% kể từ đầu năm 2021 đến ngày 20.4. 

Nếu chỉ xét các cổ phiếu có thị giá trên mệnh giá thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã NVL), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS) và Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) trở thành những điểm sáng với đà tăng giá trên 70%. 

 

Đơn cử như trường hợp của Bất động sản Phát Đạt. Công ty này đã  nhanh nhạy thích ứng với thời cuộc mới khi chuyển dịch sang vùng ven từ những năm 2018-2019. Trong vài năm gần đây, việc phát triển các dự án bất động sản tại TP.HCM thường gặp vướng mắc về vấn đề pháp lý, thời gian hoàn thành hồ sơ dự án kéo dài, trong khi lãi suất vay vốn ngân hàng cũng bị ràng buộc khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Phát Đạt đã nhanh chóng chuyển hướng sang các tỉnh miền Trung và các tỉnh ven TP.HCM, tập trung ở những địa điểm có lợi thế về quỹ đất lớn, thủ tục pháp lý nhanh gọn và có tiềm năng về du lịch hoặc công nghiệp. 

Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá đây là hướng đi thức thời của Phát Đạt trong bối cảnh tình hình bất động sản ở TP.HCM bị chững lại nhiều năm qua.

Hay Novaland là một trong những chủ đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam, tập trung vào các dự án nhà ở phân khúc trung đến cao cấp tại TP.HCM. Năm 2018, Novaland mở rộng hoạt động sang mảng du lịch - nghỉ dưỡng. Tập đoàn này hiện có quỹ đất rộng trên 2.300 ha phục vụ phát triển nhà ở và khách sạn - nghỉ dưỡng tại TP.HCM và một số tỉnh thành ven biển.

 

Đi cùng làn sóng cổ phiếu bất động sản, các cổ phiếu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SGR), Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) đã tăng hơn 50% về thị giá. Hay như cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng ghi nhận mức tăng giá hơn 32% kể từ đầu năm 2021 đến nay. 

Sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu bất động sản được đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến tích cực. Trong cùng khoảng thời gian trên, chỉ số VN-Index đã tăng 15%, chính thức vượt đỉnh lịch sử ngay đầu tháng 4 và thiết lập vùng giá mới trên ngưỡng 1.200 điểm. Dẫu vậy, phía sau đà tăng vượt trội của các cổ phiếu nhóm bất động sản luôn là những câu chuyện kinh doanh thú vị. 

Nổi bật nhất là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, với nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai. Doanh nghiệp này là một trong những tập đoàn tư nhân thành công nhất và đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Với 19 khu công nghiệp hiện tại, có vị trí chiến lược trên toàn quốc, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc dẫn đầu trong việc thu hút vốn đầu tư FDI với những ông lớn về công nghệ như Foxconn, LG, Luxshare - ICT... Vì thế, sự trở lại của dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam được ví như thiên thời, địa lợi và nhân hòa đối với công ty này. “Sự tích lũy về diện tích đất đã mang lại cho Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc một lợi thế rất lớn khi dòng vốn FDI quay trở lại vào năm 2020 cũng như sự dịch chuyển về địa chính trị toàn cầu”, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhận định.

 Phát Đạt đã nhanh chóng chuyển hướng sang các tỉnh miền Trung và các tỉnh ven TP.HCM, tập trung ở những địa điểm có lợi thế về quỹ đất lớn, thủ tục pháp lý nhanh gọn và có tiềm năng về du lịch hoặc công nghiệp.
Phát Đạt đã nhanh chóng chuyển hướng sang các tỉnh miền Trung và các tỉnh ven TP.HCM, tập trung ở những địa điểm có lợi thế về quỹ đất lớn, thủ tục pháp lý nhanh gọn và có tiềm năng về du lịch hoặc công nghiệp.

Bên cạnh đó, việc Vingroup phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với đơn vị ô tô VinFast tại Mỹ với mức định giá tối thiểu 50 tỉ USD cũng là một đề tài được nhà đầu tư quan tâm xoay quanh sự bứt phá của cổ phiếu VIC. Hiện Vingroup là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với mức định giá hơn 19 tỉ USD. 

Theo nguồn tin từ Bloomberg, nếu thu hút được 2 tỉ USD trong lần IPO này đúng theo ước tính, VinFast sẽ trở thành công ty Việt Nam có thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử, vượt qua thương vụ IPO của Vinhomes với 1,4 tỉ USD trong năm 2018.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày