Góc nhìn chuyên gia

Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn trong dài hạn

Bà Trần Thị Khánh Hiền, VNDirect Thứ Tư | 26/10/2022 11:48

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng Khoán VNDirect. Ảnh: PV.

Hiện nay, yếu tố lo ngại nhất là những dấu hiệu báo hiệu sự suy thoái kinh tế toàn cầu đang đến gần và dần rõ nét hơn.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng Khoán VNDirect. Ảnh: PV.

Trao đổi trong Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia cho rằng những yếu tố không mấy tích cực từ nền kinh tế toàn cầu như nhu cầu của thị trường quốc tế giảm, áp lực kép từ tỉ giá và lãi suất, nhiều nền kinh tế lớn có dấu hiệu suy thoái…Điều này dẫn đến nhiều nhóm ngành có sự giảm tốc về tăng trưởng, thậm chí là thua lỗ, đặc biệt là các nhóm ngành theo các chu kỳ kinh tế. 

Dưới đây là chia sẻ của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect tại Talkshow Phố Tài chính.

BTV Mùi Khánh Ly: Tăng trưởng quý III/2022 của các doanh nghiệp không được như dự báo, Bà đánh giá như thế nào về điều này?

Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh và đa phần là kết quả kinh doanh phù hợp với kỳ vọng. Tuy nhiên, rất ít nhóm ngành hay là doanh nghiệp nào ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với kỳ vọng. Lý giải điều đó thì ngoài những yếu tố tích cực như tiêu dùng phục hồi, giá hàng hóa, nguyên vật liệu hạ nhiệt thì vẫn có những yếu tố tiêu cực đã dần tác động lên các doanh nghiệp trong quý III này. 

Thứ nhất là nhu cầu của thế giới đã có xu hướng giảm rõ rệt, lượng đơn đặt hàng từ các thị trường lớn truyền thống của chúng ta như Mỹ và châu Âu đã sụt giảm rất mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Thứ hai, doanh nghiệp bắt đầu chịu áp lực kép bởi tỉ giá và lãi suất đều có xu hướng tăng mạnh hơn từ thời điểm đầu quý III/2022. 

bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect tại Talkshow Phố Tài chính
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect tại Talkshow Phố Tài chính. Ảnh chụp màn hình. 

BTV Mùi Khánh Ly: Theo Bà, hoạt động kinh doanh của những nhóm ngành nào đã có dấu hiệu bị ảnh hưởng?

Theo những  thống kê sơ bộ của chúng tôi, một số ngành đã ghi nhận sự giảm tốc tăng trưởng trong quý III. Nổi bật bật nhất là những nhóm ngành mà liên quan đến xuất khẩu như là gỗ hay là dệt may, lợi nhuận giảm trung bình khoảng 25%, thậm chí một số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm 50% so với lại cùng kỳ. Một số doanh nghiệp ghi nhận lỗ tỉ giá cũng như lỗ lãi suất. Các doanh nghiệp bất động sản, khu công nghiệp hầu hết đều ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh về mặt lợi nhuận, trung bình giảm khoảng 30%, thậm chí một số doanh nghiệp ghi nhận mức giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

BTV Mùi Khánh Ly: Theo Bà, những dấu hiệu suy giảm này liệu sẽ kéo dài hay không, nhất là trong bối cảnh hiện nay?

Hiện nay, yếu tố lo ngại nhất là những dấu hiệu mà báo hiệu sự suy thoái kinh tế toàn cầu đang đến gần và dần rõ nét hơn. Hầu hết các tổ chức kinh tế lớn đều đưa ra những dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ và khu vực châu Âu giảm khá là mạnh trong năm 2023. 

Trong khi khu vực châu Á thì Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận đà tăng trưởng thấp hơn so với nhóm các nước kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Như vậy, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như là những thị trường, những đối tác lớn của Việt Nam đang ghi nhận sự sụt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam. 

Tôi cho rằng việc này sẽ kéo dài từ sáu tháng cho đến một năm nữa. Một mặt khác thì lãi suất và đồng USD có xu hướng tăng, gây áp lực lên những doanh nghiệp có tỉ lệ đòn bẩy lớn cũng như là sử dụng vốn vay USD.

Xét về các nhóm ngành, hiện nay thì chỉ có nhóm ngành ngân hàng đang có mức tăng trưởng khá là tích cực và vượt hơn so với kỳ vọng do là hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận khoản trích lập dự phòng giảm trong quý này, các nhóm ngành như là bán lẻ hay là ô tô, hàng không đều có mức tăng trưởng tốt và phù hợp với kỳ vọng. 

 

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy thị trường chung sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới, thưa Bà? 

Nếu mà nhìn ngắn hơn từ đây đến cuối năm thì thị trường chứng khoán sẽ khó có sự bùng nổ khi thanh khoản thấp, những tín hiệu tích cực hoặc là những thông điệp, những thông tin tích cực để hỗ trợ cho đà tăng mạnh mẽ của thị trường cũng không nhiều. 

Sẽ khá là khó để mà nói là thị trường chứng khoán đã qua thời điểm khó khăn nhất hay chưa, nhưng mà về dài hạn thì đầu tư vẫn là đi tìm kiếm sự tăng trưởng về mặt lợi nhuận. Hiện nay, định mức sinh lời của thị trường chứng khoán Việt Nam cộng với cả cổ tức của chúng ta thì đâu đó chỉ ở mức là 10%. Nếu mà so với lại lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng thương mại thì có vẻ như là thị trường chứng khoán không hấp dẫn tại thời điểm hiện nay. 

Tuy nhiên, nếu nhìn sang năm 2023 thì cùng với đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết như chúng tôi có dự báo khoảng 15-17% thì lúc đấy định mức sinh lời của thị trường sẽ tăng lên đến khoảng là 14-15 %, lúc này so với lãi suất thì thị trường chứng khoán lại trở nên hấp dẫn. 

Có thể bạn quan tâm:

Rủi ro margin của nhà đầu tư cá nhân ở mức thấp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày