Tài Chính

Quỹ ngoại rút vốn ồ ạt

Vũ Quỳnh Thứ Hai | 30/03/2020 14:00

Ảnh: QH

Dòng vốn ETF rút khỏi Việt Nam cao nhất trong 8 tháng gợi nhớ về đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu...
Ảnh: QH

Do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đến nền kinh tế và để ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc suy thoái, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã thực hiện các biện pháp kích cầu kinh tế và các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng đã giảm lãi suất, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần đây đã hạ lãi suất khẩn cấp đến gần 0%. 

Virus thổi bay tỉ USD

Bên cạnh nỗ lực ngăn nền kinh tế lao dốc, động thái giảm lãi suất của hầu hết các ngân hàng trung ương còn nhắm đến một mục tiêu khác: ngăn chặn rủi ro của cuộc đại thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán. 

Ngày 12.3, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và FED thất bại trong việc xua tan những lo ngại về sự suy giảm kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chỉ số Dow Jones và S&P 500 trải qua mức giảm tồi tệ nhất kể từ “Thứ Hai đen tối” năm 1987 khi lao dốc lần lượt 12,9% và 12%. Đáng chú ý, trong tuần từ ngày 19-24.3.2020, chứng khoán Mỹ nhiều khi chạm đáy với chỉ số DJIA chỉ còn 18.308 điểm. Để dễ hiểu, theo biểu đồ lịch sử 100 năm về chỉ số Dow Jones của Macrotrends, biên độ 18.400 điểm tương đương với thị trường thời điểm tháng 12.2013. 
 

 

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng giảm kỷ lục sau 19 năm. Tính riêng tuần đầu tháng 3, Công ty Chứng khoán KIS ước tính giá trị bán ròng toàn thị trường chứng khoán ở mức 2.060 tỉ đồng, tăng 40% so với tuần trước đó. Theo báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 2.2020 của SSI, hiện tượng bán ròng quay trở lại và xuất hiện trong 18/20 phiên giao dịch của tháng 2, tổng giá trị bán ròng lên tới 3.132 tỉ đồng, mức lớn nhất ghi nhận trong 10 năm.

Về dòng vốn quỹ ngoại ETF, từ ngày 9-13.3.2020, dòng vốn ETF rút khỏi Việt Nam lên tới 13 triệu USD, mức cao nhất trong 8 tháng. Theo KIS, bất động sản, nguyên vật liệu và công nghiệp là 3 lĩnh vực chịu áp lực bán mạnh nhất, giá trị bán ròng ghi nhận lần lượt là 684 tỉ đồng, 353 tỉ đồng và 240 tỉ đồng. Với lĩnh vực bất động sản, áp lực bán tập trung chủ yếu ở VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail), trong khi nguyên vật liệu và công nghiệp bị chi phối bởi lực bán ở HPG (Hòa Phát) và VJC (Vietjet Air)...

Đà bán tháo liên tục thời gian qua đã khiến rất nhiều cổ phiếu rơi về mức thấp nhất kể từ khi lên sàn giao dịch (không tính giá tham chiếu ngày đầu lên sàn). Theo thống kê, kết thúc phiên ngày 24.3, trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, có đến 42 cổ phiếu đang ở mức giá thấp nhất kể từ khi lên sàn giao dịch. Trong đó có các doanh nghiệp tỉ USD như Sabeco, Vinhomes, HDBank, Vietnam Airlines, Vincom Retail hay Techcombank.

Giải cứu VN-Index

“Việt Nam tiếp tục chịu tác động tiêu cực khi dòng vốn bị rút ghi nhận ở mức 13 triệu USD, cao gấp đôi tuần trước đó. Cụ thể, VanEck Vietnam ETF, VFMVN30 ETF và X FTSE Vietnam rút ròng lần lượt là 7 triệu USD, 3,3 triệu USD và 2,8 triệu USD trong tuần trước”, báo cáo Fund Flow ngày 17.3 của KIS nhận định. Còn theo IndexUniverse, số vốn bị rút ra trong tuần 16-20.3.2020 đạt 14,53 triệu USD. Lượng tiền bị rút ra nhiều nhất vào phiên ngày 20.3, với 9,94 triệu USD. Như vậy, tổng lượng vốn VNM ETF từ đầu năm 2020 bị rút ra được đẩy lên con số 24,94 triệu USD. 

Thị trường đặt câu hỏi “Nhà đầu tư liệu có dấu hiệu thoái vốn khỏi Việt Nam?”. “Chúng tôi chưa nhận thấy khối ngoại có hoạt động rút hẳn vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam ở quy mô lớn. Cũng có một số quỹ bị rút tiền và đóng lại nhưng tỉ trọng không nhiều. Các nhà quản lý quỹ dù nội địa hay nước ngoài đều có chung tâm lý lo lắng do giá biến động quá lớn và có thể một số khoản đầu tư chạm ngưỡng đầu tư theo quy định nên phải bán ra giảm thiệt hại”, ông Nguyễn Minh Hạnh,

 

Giám đốc Điều hành Quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), nhận xét. 
Theo đó, một trong các lý do chỉ số ETF giảm sút và thị trường nghiêng về bán tháo có thể phần nào do yếu tố margin call (giao dịch ký quỹ) hoặc chạm ngưỡng cắt lỗ của thị trường chứng khoán hiện tại. Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ có một số giải pháp giúp bình ổn thị trường chứng khoán thời gian tới. “Trong phạm vi thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp ngành chứng khoán, nhà đầu tư, trong đó sẽ cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về margin áp dụng cho giai đoạn trước mắt”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định. 

Nếu yếu tố giao dịch ký quỹ được nới lỏng, nhiều khả năng xu hướng bán tháo sẽ được ngăn chặn do nhà đầu tư không chịu áp lực từ việc giảm điểm ngắn hạn của thị giá. “Giai đoạn bất ổn hiện nay cũng khiến nhiều người muốn giữ tiền mặt để chờ đợi thị trường giao dịch ổn định trở lại mới tham gia. Ðại đa số nhà đầu tư đều nhận thức rằng, biến động là rủi ro nên giai đoạn này được coi là rủi ro cao cho hoạt động đầu tư. Họ chọn cách tạm đứng ngoài và nhiều người đã cùng hành động như vậy”, ông Hạnh nhìn nhận. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết thị trường vẫn đang đối mặt với đà giảm ngắn hạn và ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất là 600 điểm. Mặc dù vậy, có thể thấy thị trường đã giảm rất sâu và mức định giá đang trở nên hấp dẫn hơn trong trung và dài hạn.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày