Thế giới

Chứng khoán Mỹ giảm điểm do nỗi lo triển vọng nền kinh tế

Bạch Hiền Thứ Bảy | 13/05/2023 11:26

Tâm lý nhà đầu tư sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của các số liệu kinh tế. Ảnh: CNBC.

Chứng khoán Mỹ hoàn tất tuần với nhiều mối lo ngại từ cuộc khủng hoảng trần nợ công đến giới tài chính có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng tài chính.
Tâm lý nhà đầu tư sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của các số liệu kinh tế. Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ 6 (12/5) do tâm lý các nhà đầu tư không thể giữ vững trước những nỗi lo về triển vọng nền kinh tế và các dấu hiệu không mấy khả quan từ giới ngân hàng.

Đóng cửa phiên, chỉ số Dow Jones giảm 8,89 điểm, tương đương 0,03%, xuống còn 33.300,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,16% về 4.124,08 điểm. Chỉ số Nasdaq đã không giữ được đà tăng khi giảm 0,35% xuống 12.284,74 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm điểm khi hoàn tất tuần. Ảnh: CNBC.
Chỉ số S&P 500 giảm điểm khi hoàn tất tuần. Ảnh: CNBC.

Hãng CNBC dẫn tin, cuộc đàm phán trần nợ công giữa Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo Quốc hội đã tạm hoãn và dời sang tuần sau. Động thái này đã khiến tâm trí các nhà đầu tư “hụt” một nhịp, trở nên bất an hơn bao giờ hết. 

Trong khi đó, giới tài chính đang đổ dồn sự chú ý về phía ngân hàng PacWest Bancorp khi cổ phiếu ngân hàng này giảm 2,9% trong phiên giao dịch. Trước đó, các cổ phiếu ngân hàng khu vực bị bán mạnh sau khi PacWest Bancorp báo cáo lượng tiền gửi giảm sút. Điều này khiến thị trường cảm thấy cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá nhập khẩu tháng 4 đạt mức 0,4% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng đầu tiên trong năm 2023. 

Tâm lý nhà đầu tư sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của các số liệu kinh tế bao gồm niềm tin người tiêu dùng và giá nhập khẩu hàng hoá. Kết quả sơ bộ về chỉ số tâm lý tiêu dùng (CSI) của Đại Học Michigan cho thấy chỉ số này đã giảm xuống còn 57,7 điểm, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Các nhà kinh tế học đặt kỳ vọng CSI sẽ đạt 63 điểm trong tháng 5. Cuộc khảo sát cũng cho thấy triển vọng lạm phát trong 5 năm tới có thể tăng lên 3,2%, trở thành mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.

Nỗi lo lắng nguy cơ một cuộc suy thoái sẽ ập đến của các nhà đầu tư đã không được xoa dịu giữa bối cảnh chỉ có một số ít cổ phiếu giữ vai trò chống đỡ cho toàn bộ thị trường chứng khoán.

Chứng khoán Mỹ đã giảm từ đầu tuần đến nay, hoàn tất tuần giảm thứ hai liên tục khi hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0,29% và 1,1%. Trái lại, chỉ số Nasdaq nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ đã hoàn tất tuần với mức tăng 0,4%.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày