Thế giới

Đã đến lúc gõ cửa Cuba

Lan Anh Thứ Tư | 10/08/2016 11:00

Daonh nghiệp Việt có thể biến Cuba thành điểm sản xuất hàng để xuất khẩu vào Mỹ và các thị trường lân cận.

Christopher Colombus tới Cuba khi tìm ra châu Mỹ và ông ví “Cuba là vùng đất đẹp nhất mà mắt của loài người có thể chiêm ngưỡng”. Nhưng Cuba ngày nay chỉ hé lộ với thế giới về xì-gà, rượu rum và những chiếc xe cổ..., trước khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào tháng 12.2014 và chờ đợi cơ hội được bãi bỏ lệnh cấm vận. Sau quyết định lịch sử này, cơ hội bước vào nền kinh tế 11 triệu dân của Cuba, cửa ngõ vào vịnh Mehico và là bước đệm tấn công sang thị trường Mỹ, Mỹ Latinh, trở nên vô cùng hấp dẫn.

“Rất giống với Hà Nội những năm 1970-1980”, chị Thu Hà vừa trở về sau chuyến du lịch Cuba nêu cảm nhận về đất nước này và chị khoe những tấm hình “cửa hàng bách hóa” rất phổ biến trên đường phố Havana. Sau khi mở cửa, lượng du khách quốc tế đến với quốc gia này tăng 77% trong năm 2015, kéo theo nhu cầu phát triển của cơ sở hạ tầng, bất động sản và nhà hàng, khách sạn. Kết thúc nửa thế kỷ chiến tranh lạnh với Mỹ, Cuba được xem là một thị trường màu mỡ khi phần lớn các mặt hàng tiêu dùng ở đây đều phải nhập khẩu, nền kinh tế còn vận hành theo kiểu bao cấp.

Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Cuba (NSO) năm 2015 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu của Cuba là 13,5 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng trưởng 4-5% trong những năm tới. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Cuba đạt 235 triệu USD. Trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 90%, chủ yếu là gạo, cà phê, gốm sứ, sản phẩm hóa chất, nhu yếu phẩm...  “Thực phẩm, phân bón, giấy, nhựa, xăm lốp xe, nông cụ là những sản phẩm Cuba có nhu cầu nhập khẩu cao”, ông Aurelio Mollineda, Giám đốc Tập đoàn Gecomex (gồm 18 doanh nghiệp nhập khẩu Cuba), nhận xét.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình là đơn vị đầu tiên của Việt Nam mở văn phòng đại diện tại Cuba từ năm 1998. Theo ông Trần Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Công ty, tất cả mặt hàng muốn vào được thị trường Cuba đều phải thông qua các đơn vị quốc doanh để phân phối ra các điểm bán trên cả nước, doanh số mỗi mặt hàng nhập khẩu không được vượt quá 500.000 USD. Thái Bình với 4 loại hình sản xuất kinh doanh đa dạng (sản xuất, gia công, phân phối độc quyền, hợp tác liên doanh) nên đáp ứng tối đa nhu cầu hàng hóa cho thị trường. Doanh thu xuất khẩu của Công ty vào thị trường Cuba năm 2015 xấp xỉ 65 triệu USD và dự kiến đạt hơn 100 triệu USD vào cuối năm nay.

Da den luc go cua Cuba
Kim ngạch nhập khẩu của Cuba là 13,5 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng trưởng 4-5% trong những năm tới. Ảnh: tripcentral.ca

Ở Cuba, thời gian như dừng lại cách đây hơn 50 năm, ngổn ngang những dấu tích của lệnh cấm vận khắc nghiệt. Cuba đang chuyển mình sang nền kinh tế mở để phát triển kinh tế. Với sự đầu tư hơn 600 triệu USD nhằm hiện đại hóa cảng nước sâu Mariel cùng cơ sở hạ tầng, sân bay, logistics, Cuba mong muốn sẽ thu hút đầu tư và giao thương mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam vào khu vực này.

Tuy nhiên, chính sách lao động ở Cuba là yếu tố cần cân nhắc đầu tiên khi có quy định yêu cầu doanh nghiệp cứ có 1 người lao động nước ngoài, phải tuyển dụng 1 lao động Cuba thông qua một công ty quốc doanh chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê lao động.

Đáng chú ý, khi chi trả 1.000 USD để tuyển dụng 1 nhân viên kinh doanh, số lương thực trả đến tay người lao động chỉ là 35 USD. Do đó, để tạo động lực cho nhân viên cống hiến, doanh nghiệp cần có những giải pháp khác ngoài lương.

Các doanh nghiệp Cuba thường ký hợp đồng giao hàng trước 1 năm và yêu cầu trả chậm từ 180-360 ngày, vì Chính phủ Cuba cần thời gian xoay sở để chăm lo mọi mặt cho đời sống người dân, do vậy thường làm chậm dòng tiền của nhà xuất khẩu. Mặt khác, quy trình, thủ tục kinh doanh của Cuba còn kéo dài và phức tạp, có doanh nghiệp mất từ 2-3 năm mới chào được đơn hàng đầu tiên cho thị trường này.

“Khác với người châu Á, người dân châu Mỹ Latinh thường không dành dụm mà có nhu cầu tiêu thụ và mua sắm rất lớn. Người tiêu dùng Cuba rất khó tính, yêu cầu chất lượng hàng hóa phải tốt và ổn định về lâu dài”, ông Thuận, Công ty Thái Bình, cho biết. Doanh nghiệp này từng đối mặt với mức phạt 900.000 USD cho 20 container gạch xuất sang Cuba vì rắc rối trong khâu khử trùng. Đổi lại, một khi đã xây dựng được lòng tin về chất lượng, sức tiêu thụ của thị trường này đủ cho nhà xuất khẩu yên tâm. Điển hình như doanh số sữa đặc Vinamilk xuất sang Cuba thông qua Thái Bình đạt gần 100 tỉ đồng trong năm qua.

Cuba hiện không cho phép các hoạt động quảng bá trên tivi, báo, tạp chí... nên thực hiện truyền thông tại điểm bán, khuyến mãi, tặng sản phẩm dùng thử để truyền miệng là các biện pháp mà doanh nghiệp xuất khẩu thường thực hiện. “Chiến lược của chúng tôi khi bán hàng tại Cuba là không đặt mục tiêu lợi nhuận cao mà phải đạt doanh số lớn”, ông Thuận chia sẻ.

Đang cung cấp trên 80% mặt hàng bột giặt cho toàn thị trường Cuba, Thái Bình dần chuyển hướng từ thương mại sang sản xuất khi đầu tư 2 nhà máy sản xuất bột giặt (23 triệu USD) và tã lót-băng vệ sinh (5 triệu USD) tại đặc khu kinh tế Mariel của Cuba. Công suất nhà máy bột giặt sau khi hoàn thành là 50.000 tấn/năm, phục vụ cho thị trường Cuba và xuất khẩu sang các nước lân cận. Chiến lược này từng được ông Đỗ Long, Tổng Giám đốc Công ty Bita’s, đồng tình khi cho rằng Cuba là bước đệm để doanh nghiệp tấn công sang nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ, chỉ cách Cuba 150 km. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, sau khi bỏ lệnh cấm vận, Cuba có thể xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ đạt 5,8 tỉ USD.

Theo nhận định của ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, Cuba là cửa ngõ để các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể thâm nhập thị trường Mỹ Latinh. Việt Nam đã có mối quan hệ kinh tế với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực 600 triệu dân này, với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 11,3 tỉ USD trong năm 2015. Đáng chú ý, trong đó có 3 nước sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam trong thời gian tới là Chile, Peru và Mexico.

Vì vậy, theo ông Đỗ Long, với dân số khoảng 12 triệu người, Cuba dù hấp dẫn nhưng vẫn không phải là một thị trường lớn. Tuy vậy, với các ưu đãi về thuế quan, nên nghĩ tới chiến lược xây dựng nhà máy tại Cuba để xuất hàng sang Mỹ và các quốc gia lân cận.

Lan Anh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày