Thế giới

Ngân hàng ngoại khó làm ăn ở Myanmar

Thứ Năm | 30/10/2014 21:39

Một số ngân hàng nước ngoài đã được cấp phép ở Myanmar nhưng hệ thống tài chính của nước này vẫn còn tồn tại rất nhiều điểm hạn chế.
Trải qua một vài ngày ở Yangon, bạn sẽ gần như tin rằng mình đang ở một thành phố có hệ thống tài chính đã phát triển đầy đủ. Các máy ATM đã xuất hiện rải rác ở khắp thành phố dù cách đây chỉ một vài năm chúng không hề tồn tại ở đây. Thẻ tín dụng cũng ngày càng được nhiều nơi ở Yangon chấp nhận.

Tuy nhiên, ở bên ngoài các thành phố lớn mọi thứ không như vậy. Tính đến cuối tháng 9, Myanmar có tổng cộng 24 ngân hàng (4 trong số này trực thuộc nhà nước trong khi 11 ngân hàng khác có một phần cổ phần thuộc sở hữu của nhà nước) với 863 chi nhánh. Trong khi đó, Thái Lan - đất nước có số dân nhiều hơn Myanmar chỉ 14 triệu người – có nhiều hơn 7.000 chi nhánh ngân hàng. Số chi nhánh ngân hàng bình quân trên đầu người ở Myanmar chỉ nhỉnh hơn một chút so với Nam Sudan và thấp hơn nhiều so với Afghanistan hay Haiti. Một nghiên cứu được Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) công bố năm 2013 ước tính chỉ có 5% người dân Myanmar sử dụng các dịch vụ tài chính thông thường.

Môi trường kinh doanh ngân hàng ở Myanmar còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Ví dụ, các khoản vay chỉ được giải ngân khi tài sản đảm bảo có giá trị gấp đôi so với khoản vay. Không những vậy, chỉ có rất ít tài sản (đất đai, vàng, một vài hàng hóa xuất khẩu) được chấp nhận là tài sản đảm bảo. Thời hạn của các khoản vay cũng không vượt quá 1 năm. Theo luật pháp Myanmar, lãi suất cho vay không được vượt quá mức 13%/năm và lãi suất huy động không được thấp hơn mức 8%/năm.

Các ngân hàng trực thuộc nhà nước Myanmar là những ngân hàng lớn nhưng hoạt động không hiệu quả và không có khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng tư nhân thuộc sở hữu của các tập đoàn thương mại và thường chỉ phục vụ các doanh nghiệp cùng tập đoàn. Hoạt động liên ngân hàng và khả năng thanh tra của NHTW bị hạn chế. Hoạt động thanh toán chủ yếu là thanh toán bằng tiền mặt, có nghĩa là Myanmar phải tốn rất nhiều thời gian và công sức chuyển tiền mặt giữa các chi nhánh ngân hàng.

Trước khi Myanmar “bế quan tỏa cảng” với thế giới bên ngoài, đã có tới 14 ngân hàng nước ngoài hoạt động ở đây – nhiều hơn so với bất cứ quốc gia nào ở Đông Nam Á. Đầu tháng 10, Myanmar lại mở cửa chào đón các ngân hàng nước ngoài quay trở lại với 9 ngân hàng được cấp phép. Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài chỉ được giao vai trò phục vụ các doanh nghiệp nước ngoài lớn ở Myanmar trong khi đất nước này chưa có nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Mỗi ngân hàng cũng chỉ được mở 1 chi nhánh và không được thực hiện hoạt động bán lẻ.

Đây là một điều đáng tiếc. Nếu các ngân hàng nước ngoài có thể cho doanh nghiệp Myanmar vay tiền, doanh nghiệp Myanmar không chỉ dễ dàng tiếp cận vốn hơn mà còn học được nhiều bài học về hiện đại hóa. Quan trọng hơn, điều này giúp phá vỡ những ràng buộc chính trị đang kìm hãm sự phát triển của hệ thống ngân hàng Myanmar. Sean Turnell – nhà kinh tế học người Áo đã cố vấn cho bà Aung San Suu Kyi – cảnh báo rằng ngành ngân hàng Myanmar đang đánh mất cơ hội “nghìn năm có một”.

Nguồn CafeF/Infonet


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày