Thế giới

Nhà nước Hồi giáo sắp chiếm trọn miền tây Iraq

Thứ Bảy | 11/10/2014 07:41

Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang dọa tràn chiếm đóng vào Anbar, "tắm máu" tỉnh chiến lược miền tây Iraq.
Đây là một bước bành trướng lớn của nhóm phiến quân và là bước lùi đáng ngại đối với liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu.

"Nếu Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát Anbar, chúng có thể đe dọa nhiều mục tiêu quan trọng ở Baghdad", Washington Post dẫn lời Saeed al-Jayashi, chuyên gia an ninh người Iraq, nói. "Phe chính phủ sẽ thất bại ở đập Haditha và các lực lượng an ninh phải rút lui. Sẽ xảy ra một trận tắm máu".

Anbar, tỉnh lớn nhất của Iraq, có nhiều tuyến đường xe tải đan nhau hướng về Jordan, Arab Saudi và Syria. Đây còn là trung tâm nổ ra cuộc nổi dậy của người Sunni chống lại lực lượng Mỹ sau khi Washington can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003.

Việc IS tấn công Anbar thu hút ít sự chú ý hơn những bước tiến của nhóm phiến quân này ở thị trấn Kobani ở Syria. Trong những tuần gần đây, IS đã xâm chiếm các thị trấn và làng ở miền tây Iraq một cách có hệ thống, bao vây đồn quân sự và cảnh sát, tấn công binh sĩ chính phủ ở Ramadi, thủ phủ của Anbar. IS vốn đã có vị trí vững chắc ở tỉnh này hồi tháng 1, khi chiếm thành phố Fallujah và nhiều phần Ramadi.

"Toàn bộ khu vực xung quanh Ramadi đã rơi vào tay IS", Ahmed Abu Risha, một tộc trưởng, người chỉ huy các tay súng ủng hộ chính phủ đang tham chiến, nói. Ông Abu Risha cho biết lực lượng của mình có trang bị kém và không được không kích hỗ trợ. "Nếu Ramadi thất thủ, cả tỉnh Anbar cũng thất thủ theo. Ramadi giống như cái đầu. Nếu bị chặt đầu, phần cơ thể còn lại sẽ chết".

Nếu giành được Anbar, IS sẽ kiểm soát một trong những con đập quan trọng nhất của Iraq cùng nhiều căn cứ quân sự, giúp chúng có thêm vũ khí. Ngoài ra, thắng lợi này còn giúp IS thiết lập đường viện trợ từ Syria tới gần sát Baghdad và có vị trí chiến lược để tấn công thủ đô của Iraq.

Iraq đã chịu nhiều tổn thất nặng nề trong những đợt phản công mới đây, trong đó có việc mất hai căn cứ quân sự. Các đợt không kích của Mỹ tháng trước từng giúp đẩy lùi cuộc tấn công của IS tại đập Haditha, kiềm chế ý định kiểm soát nguồn cung nước ở Iraq của chúng. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể thì chiến dịch đã không thể ngăn cản đà tiến của IS.

Theo Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (Centcom), các chiến đấu cơ và trực thăng nước này đã tấn công hơn 40 mục tiêu của IS tại tỉnh Anbar, từ khi Washington bắt đầu chiến dịch không kích hồi tháng 8.

Nguồn VnExpress


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày