Thế giới

USD 'mắc kẹt' giữa Fed và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Thứ Sáu | 17/02/2017 11:17

USD vừa vọt lên cao nhất ba tuần sau nhận định của Chủ tịch Fed về việc thúc đẩy kỳ vọng tăng lãi suất sớm vào tháng 3.

Theo CNBC, chỉ số USD có phiên đi lên thứ tư liên tiếp và từng ở mốc cao nhất kể từ ngày 20.1 trước khi giảm nhẹ trở lại đầu phiên giao dịch 15.2 (giờ Mỹ). Lý do là vì nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen khiến thị trường cho rằng Fed rất có thể sẽ tăng lãi suất vào cuộc họp kế tiếp trong tháng 3.

Hiện thị trường dự báo có 23% khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 3, nhiều hơn so với mức chỉ 16% khả năng được nhận định trước khi bà Yellen tuyên bố rằng Mỹ có thể tăng lãi suất nhiều lần hơn nếu nền kinh tế nước này đi đúng hướng. Khả năng tăng lãi suất trong tháng 5 thì nhảy vọt từ 38% lên 50%, theo ngân hàng đầu tư Jefferies.

Dù vậy, triển vọng ngắn hạn của đô la Mỹ là thiếu chắc chắn vì sự mâu thuẫn trong chính sách kinh tế được dự báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chiến lược gia ngoại hối Richard Falkenhäll thuộc hãng SEB nói.

Trong khi chính quyền mới rất có thể nới lỏng thì Fed có thể sẽ thắt chặt chính sách nhanh hơn. Việc này cộng với các thay đổi tiềm năng khác, chẳng hạn như việc áp thuế điều chỉnh biên giới và lợi nhuận giữ ở nước ngoài của các doanh nghiệp giảm đi có thể là tin tích cực cho USD.

“Mặt khác, chính quyền ông Trump có vẻ thích đồng đô la Mỹ yếu hơn và các động thái của Tổng thống Mỹ kể từ khi nhậm chức có thể thúc đẩy rủi ro chính trị đang đặt lên USD lúc này”, ông Falkenhäll nhận định.

Tranh luận về giá trị USD vượt ra ngoài phạm vi nước Mỹ hồi tháng trước. Khi đó, Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia được ông Trump lựa chọn, cáo buộc Đức lợi dụng các nước khác bằng cách giữ giá trị đồng euro ở mức cực kỳ thấp. Dù Đức sau đó phản pháo nhận định này, nhiều nhà bình luận, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, cũng đồng ý rằng tỷ giá hối đoái hiện quá thấp đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tỷ giá hối đoái ở Đức bị định giá thấp 15%, theo nghiên cứu được World Economics công bố hôm 15.2. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng bảng Anh bị định giá thấp 9% sau cuộc bỏ phiếu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) diễn ra hồi tháng 6 qua. Nhân dân tệ của Trung Quốc thì được cho là bị định giá thấp 24%.

Nếu cân nhắc các yếu tố bất ngờ, hiện vẫn có khả năng USD sẽ yếu xuống trong ngắn hạn nếu chính quyền ông Trump thất bại trong việc đáp ứng kỳ vọng cao hoặc khiến thị trường chứng khoán bán tháo. “Dù vậy, triển vọng tăng trưởng mạnh trong trung hạn của kinh tế Mỹ và việc Fed thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong năm nay rất có thể duy trì sức hỗ trợ cho USD. Đây là lý do vì sao chúng tôi dự báo USD ngang giá hoặc ở mức 1,05 USD đổi được 1 EUR vào nửa cuối năm nay”, ông Falkenhäll kết luận.

Nguồn Thanh niên


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày