Công Nghệ

Giao nhận thức ăn: “Chiến trường” mới của công ty công nghệ Trung Quốc

Huy Khang Thứ Ba | 13/03/2018 18:22

SCMP

Thomas Chen, một cư dân ở Thâm Quyến, nói ông không thể nhớ nổi lần cuối cùng tự mình rời khỏi căn hộ để mua một bữa ăn mang về.
SCMP

→Đặt món trực tuyến: Những vị khách mới

Giống như nhiều người khác sống trong những khu đô thị đông đúc ở Trung Quốc, Thomas Chen - 27 tuổi, làm việc trong ngành dịch vụ pháp lý - đã quen với tất cả các tiện nghi hiện đại có thể truy cập được bằng smartphone: Các đề xuất về bữa ăn từ nền tảng dịch vụ ẩm thực nội địa Meituan-Dianping, thức ăn được giao thông qua ứng dụng Meituan Waimai và trả tiền bằng WeChat Pay.

"Thật là tiện lợi khi tôi có được bữa ăn mà không cần phải bước ra khỏi cửa", Thomas Chen nói.

Những người như Chen là lý do khiến Alibaba lên kế hoạch ​​mở rộng hoạt động của mình vào dịch vụ giao nhận thức ăn thông qua việc mua công ty Ele.me. Động thái này cho phép “gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc” điều hành mạng lưới phân phối của riêng mình để hỗ trợ chiến lược hợp nhất thương mại điện tử của công ty, ý kiến được nêu ra bởi các nhà phân tích.

Nhiều thông tin tại Trung Quốc hồi tháng trước cho hay Alibaba đã đề nghị mua toàn bộ số cổ phần còn lại mà họ không sở hữu tại Ele.me (Thượng Hải) với giá 9,5 tỷ USD - một thỏa thuận sẽ giúp tăng cường sự cạnh tranh giữa Alibaba và Tencent trong các dịch vụ địa phương và thanh toán di động. Cả Alibaba và Ele.me đều từ chối bình luận về việc này, trong khi các đại diện của Tencent cũng không lên tiếng.

Ngành giao nhận thức ăn tại Trung Quốc cũng chứng kiến một đối thủ mới gia nhập vào đầu tháng 3/2018, đó chính là Didi Chuxing - nhà khai thác dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc và là startup có giá trị khủng nhất thế giới. Hiện tại, Didi Chuxing đang cho đăng quảng cáo tuyển đối tác lái xe ở một số thành phố đại lục.

Neil Wang, Chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc của công ty tư vấn Frost & Sullivan, nói: "Đây không chỉ là sự cạnh tranh đơn thuần của Meituan, Ele.me và Didi tại thị trường giao nhận thực phẩm, nó còn là cuộc đua tranh giành người dùng mới và dẫn dắt họ vào hệ sinh thái các dịch vụ khác”.

Với một loạt các dịch vụ giúp cuộc sống của người sử dụng trở nên tiện lợi hơn, Alibaba, Tencent và Didi cũng thu thập được nhiều dữ liệu khách hàng hơn. Ví dụ: Nền tảng giao nhận thực phẩm của họ sẽ có thể cung cấp thông tin chi tiết về khả năng chi trả của người tiêu dùng, sở thích ăn uống và cả hồ sơ thanh toán của họ.

"Việc mua lại Ele.me sẽ mang lại cho Alibaba sức mạnh to lớn bởi hãng này đang sở hữu hệ thống giao nhanh thức ăn lớn nhất Trung Quốc với hơn 3 triệu tài xế và công nghệ khớp lệnh tiên tiến", Neil Wang cho biết.

"Với khả năng giao nhận của Ele.me hiện nay, Alibaba thậm chí còn có thể cung cấp hàng hóa nhanh hơn, hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn cho các cửa hàng thực phẩm của mình hoặc các doanh nghiệp ngoại tuyến khác".

Giao nhan thuc an: “Chien truong” moi cua cong ty cong nghe Trung Quoc
 

Jack Ma, người sáng lập và chủ tịch điều hành Alibaba, đã đưa ra sáng kiến ​​bán lẻ mới cho công ty vào năm 2016 khi ông mô tả nó là "tích hợp dữ liệu trực tuyến, ngoại tuyến, hậu cần và dữ liệu vào một chuỗi giá trị đồng nhất".

Khác với đối thủ JD.com của Tencent, Alibaba không trực tiếp vận hành các hoạt động vận tải và hậu cần, vốn sẽ gây bất lợi cho thị trường dịch vụ giao nhận nội địa - bao gồm cả việc giao nhận thực phẩm và hàng tạp hóa theo yêu cầu - đang ngày càng tăng trưởng. Alibaba đang nỗ lực kết hợp các khoản đầu tư của mình để hỗ trợ các nền tảng mua sắm trực tuyến vốn là cốt lõi của công ty. Bao gồm mua cổ phần trong các công ty như Suning Commerce, Hema Supermarket, Sanjiang Supermarket, Intime Retail, Lianhua Supermarket, Easy Home và Shiji.

Với hợp đồng mua cổ phần Ele.me, Alibaba đã nâng tổng đầu tư vào chuỗi bán lẻ mà Jack Ma gọi là “New Retail” lên hơn 100 tỷ nhân dân tệ (15,8 tỷ USD). Trước phi vụ này, Alibaba đã đầu tư 85 tỷ NDT trong các vụ mua lại doanh nghiệp liên quan kể từ năm 2015. Alibaba cũng đã dẫn đầu vòng huy động vốn 1 tỉ USD của Ele.me vào năm ngoái cũng như đã tham gia vòng đầu tư trị giá 1,25 tỷ USD vào năm 2016.

Con số này vượt qua khoản ước tính 22 tỷ NDT tổng vốn đầu tư của Tencent kể từ năm 2017 vào các công ty như Superhost Yonghui, Heilan Home, Carrefour và Vipshop Holdings.

Giao nhan thuc an: “Chien truong” moi cua cong ty cong nghe Trung Quoc
 

Karen Chan, một nhà phân tích cổ phiếu, nói rằng phạm vi bao phủ của Ele.me là hơn 1.500 quận huyện tại Trung Quốc, cũng sẽ giúp mở rộng phạm vi của Alibaba Tmall Supermarket - đặc biệt là hỗ trợ đắc lực cho dịch vụ giao hàng trong 30 phút mà hệ thống này đang xây dựng. Ele.me hiện đang chiếm 50% thị trường giao nhận thực phẩm ở Trung Quốc đại lục, tiếp đó là Meituan Waimai với 43,5% thị phần, theo số liệu của Analysys International.

Như đã đề cập ở trên, thị trường giao nhận thực phẩm Trung Quốc vừa đón nhận người chơi mới là Didi Chuxing - một bước đi theo con đường của Uber, vốn đã bán toàn bộ mảng kinh doanh gọi xe tại Trung Quốc vào năm 2016. Uber đã thành lập một mạng lưới lái xe rộng lớn trước khi tung ra dịch vụ giao nhận thực phẩm Uber Eats, và giờ đó là con đường mà Didi Chuxing sẽ đi theo.

Sự tiện lợi mà người tiêu dùng đang tận hưởng từ các hệ sinh thái dịch vụ sẽ có cái giá của riêng nó. Mà rõ ràng nhất là các thông tin cá nhân và thói quen của người dùng sẽ được các công ty công nghệ cao khai thác triệt để, trong khi các thương gia tuy được hưởng lợi từ kinh doanh những sẽ trở nên ngày càng phụ thuộc.

Nguồn SCMP


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày