Kiều bào

Thủ tướng mong muốn ngày càng nhiều kiều bào đầu tư về nước

Vân Nguyễn Thứ Ba | 29/01/2019 17:13

Vietnam+

Đến nay, có trên 200 dự án của bà con Việt kiều với tổng số vốn đầu tư gần 5 tỉ USD.
Vietnam+

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhân dịp gặp gỡ kiều bào đầu năm mới 2019, đã nhận định, trong thành công của đất nước thời gian qua, có sự đóng góp quan trọng của bà con Việt Kiều, đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới: 

Quy mô kinh tế ngày một lớn và hiện đã 5,5 triệu tỷ đồng, trong khi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, năm 2018 GDP tăng 7,08%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn ngày càng nhiều nhà đầu tư Việt kiều đầu tư vào Việt Nam.

Những thành tự này, Thủ tướng khẳng định, có sự đóng góp của bà con kiều bào với nhiều cách thức khác nhau. Đến nay, có trên 200 dự án của bà con Việt kiều với tổng số vốn đầu tư gần 5 tỷ USD.

Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Cơ hội cho các nhà đầu tư là rất lớn không chỉ Việt Nam mà là các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết hiệp thương mại định tự do. 

Thủ tướng kêu gọi kiều bào tiếp tục đóng góp thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước, nhất là hoạt động thương mại và đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư vào Việt Nam, mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. 

Bằng các biện pháp sáng tạo, Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào hãy quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, tổ chức các hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam tại nước sở tại.

Các trí thức, doanh nhân, đại diện cho gần 5 triệu kiều bào đã về nước tham dự Chương trình “Xuân Quê hương 2019”, đã nêu lên nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho đất nước.

Chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, nhận định, những cải cách “mạnh tay” của Chính phủ đã mang lại thành tựu nhất định, đặc biệt là đối với ngành ngân hàng. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này là quan trọng để đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh trong tương lai.

Việt Nam đã thu hút được đáng kể nguồn lực và nguồn chất xám của hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ để phục vụ phát triển đất nước.

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt trí thức kiều bào về nước, tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thiết thực trong các vấn đề phát triển của đất nước, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển công nghệ trong nước.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều Mỹ, một trong doanh nhân Việt kiều đầu tiên đầu tư về quê hương, cho rằng Việt kiều đầu tư vào trong nước còn hạn chế. Ông đề nghị thành lập quỹ đầu tư của các Việt kiều để đầu tư ở nước.

Theo tính toán của doanh nhân Hạnh Nguyễn, 1 tỉ USD đầu tư về Việt Nam, sau 5 năm có thể tăng lên 5 tỉ USD. Vị doanh nhân Việt kiều này cũng kêu gọi “các kiều bào hãy đầu tư về Việt Nam”.  

Trên thực tế, nhiều nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới dù tuổi cao vẫn miệt mài đóng góp cho công cuộc phát triển, hợp tác quốc tế về khoa học của đất nước, đào tạo nhiều cán bộ khoa học cho quê hương.

Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, rất nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài, các hiệp hội, mạng lưới đã và đang tích cực đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, đồng thời đưa các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Năm 2018, số kiều hối gửi về nước đã lên tới gần 16 tỉ USD, tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993. Đáng chú ý, đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây tăng mạnh, tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, trước hết là những gia đình được nhận.

Sang năm 2019, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cho biết, nhiều người mong muốn đóng góp cho quê hương thông qua các hoạt động đầu tư ở trong nước.

Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc đề nghị Chính phủ có chính sách thuận lợi hơn nữa để thu hút đầu tư từ “mỏ vàng lộ thiên” này, cũng như thu hút tài năng, trí tuệ của kiều bào vào công cuộc xây dựng đất nước.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày