Phong Cách Sống

Harvard nhận tiền hiến tặng lớn nhất trong lịch sử

Thứ Ba | 09/09/2014 11:40

Khoản tiền 350 triệu đô-la là món quà lớn nhất trong lịch sử 378 năm của trường đại học giàu có nhất nhì nước Mỹ, Đại học Harvard.
Ông Gerald Chan, cựu sinh viên trường Đại học Harvard, trong bức ảnh chụp tại trường cũ. Ảnh: Nhật báo phố Wall
Ông Gerald Chan, cựu sinh viên trường Đại học Harvard, trong bức ảnh chụp tại trường cũ. Ảnh: Nhật báo phố Wall

Vừa qua, Đại học Havard, một trong những trường đại học hàng đầu thế giới, đã nhận được khoản tài trợ lớn nhất từ trước đến nay, 350 triệu USD cho trường y tế công.

Khoản hiến tặng đến từ nguồn quỹ gia đình của nhà đầu tư địa ốc Gerald Chan, thuộc Tập đoàn Hang Lung ở Hồng Kông.

Trung Quốc là quốc gia có số sinh viên theo học tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Số tiền hiến tặng của người Trung Quốc cho các trường đại học thuộc nhóm Ivy League (tên gọi của nhóm tám trường hàng đầu nước Mỹ, bao gồm Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Harvard, Đại học Princeton, Đại học Pennsylvania, Đại học Yale) cũng trở nên dồi dào.

Trong đó, phải kể đến khoản tặng 15 triệu đô-la của bà Zhangxin - CEO của tập đoàn bất động sản SOHO China tới Đại học Havard trong tháng 7/2014; hoặc món tiền 8.888.888 đô-la do người sáng lập quỹ đầu tư Hillhouse Capital Management - ông Lei Zhang tặng Đại học Yale hồi năm 2010.

Bà Susan Fitzgerald, chuyên gia cao cấp tại hãng xếp hạng tín dụng Moody's nhận định "Đang xuất hiện xu hướng tập trung hiến tặng cho các viện đại học và cơ sở đào tạo danh giá trong hơn một thập kỷ qua".

Hiện tượng các món tiền lớn liên tục được trao tặng cho các trường đại học nhà giàu là hệ quả của vài yếu tố, trong đó phải kể đến việc tăng sử dụng đánh giá dữ liệu trên phạm vi lớn. Điều này mang lại bức tranh toàn cảnh và rõ nét cho những đại gia có tiền và có ước vọng giáo dục. Các chiến dịch gây quỹ ở các trường danh giá nhờ đó mà thêm thành công đồng thời nâng cấp lợi thế của nhóm trường danh giá trong việc "ra lò" lớp thế hệ tầm cỡ và giàu có tiếp theo.

Phương pháp đầu tư của các nhóm trường đại học đào tạo giáo dục bậc cao lẫn các quỹ đầu tư mạo hiểm thường là: tìm ra những sinh viên xuất sắc nhất, đầu tư cật lực và thi thoảng chấp nhận mất mát - thường là đầu tư những khoản tiền cao hơn cả học phí; và hi vọng sẽ tạo ra được những cá nhân xuất sắc xuất chúng - những người về sau lại tiếp tục vòng quay trao tặng những món quà lớn hoặc gây được uy tín và ảnh hưởng để "đại gia" khác cũng có hành động trao tặng.

Ngoài ra, các trường thuộc nhóm nhà giàu sẽ thuê các chuyên gia nghiên cứu và gây quỹ xuất sắc nhất để triển khai hoạt động hút vốn đầu tư. Tuy vậy, không phải trường nào cũng làm được. Khi việc tìm kiếm và gây quỹ ở một số nơi càng ngày càng đắt đỏ và phức tạp, chỉ có nhóm trường giàu có mới có thể kham nổi hoạt động này.

Sau khi chính thức xác nhận thông tin được hiến tặng 350 triệu đô-la, Đại học Harvard cho biết ngân khoản sinh ra từ việc đầu tư số tiền này sẽ hỗ trợ sinh viên và giảng viên nghiên cứu ngăn chặn những đại dịch như Ebola, sốt rét, ung thư và các bệnh khác, cũng như giải quyết những mối đe dọa y tế toàn cầu do chiến tranh, nghèo đói và những mối nguy hại về môi trường.

Ông Gerald Chan nhận hai tấm bằng của trường y tế công Harvard trong những năm 1970. Gần đây, ông đã mua hơn 100 triệu USD bất động sản gần trường, nằm ở ngoại ô thành phố Boston, Massachusetts (đông bắc nước Mỹ). Vị doanh nhân 63 tuổi cho biết ông hi vọng món quà mình hiến tặng cho Đại học Harvard sẽ giúp trường triển khai tốt được các dự án nghiên cứu chống các dịch bệnh toàn cầu như Ebola và bệnh béo phì.

Harvard cho biết họ sẽ đổi tên trường y tế công để vinh danh cha của hai anh em Chan, ông T.H. Chan, một nhà phát triển bất động sản người Hồng Kông đã qua đời vào năm 1986.

Harvard, được thành lập vào năm 1636, là trường đại học giàu có nhất ở Mỹ, với khoản tiền hiến tặng tổng cộng hơn 32 tỉ USD.


Nguồn GAFIN, WSJ/DVO


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày