Tìm khán giả cho phim độc lập Việt
Trong khi chờ sự hỗ trợ của các quỹ, các nhà làm phim độc lập có cách tự thân vận động để phim đến với khán giả trong nước.
Làm sao để những bộ phim độc lập Việt Nam giành các giải thưởng quốc tế được trở về với khán giả trong nước?Phim độc lập lâu nay được hiểu là dòng phim do một người hoặc nhóm người tự tìm kinh phí sản xuất. Những nhà làm phim độc lập Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn, có lúc chạnh lòng, nói như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Ở nước mình, phim độc lập luôn là một hành trình đơn thương độc mã của người đạo diễn. Anh ta phải tự đi tìm dự án, chuẩn bị dự án, viết kịch bản, lên tất cả mọi thứ, đi tìm nhà sản xuất từ đó mới tìm tiền, tìm ê-kíp, tìm diễn viên...”. Tuy nhiên, tình yêu phim ảnh cùng niềm thôi thúc “thể hiện ngôn ngữ điện ảnh của bản thân” (như lời của đạo diễn Phạm Thiên Ân), “được kể câu chuyện rất đời mà cảm xúc len lỏi sâu vào tâm hồn khán giả và kể hoàn toàn theo gu thẩm mỹ của mình” (diễn viên, biên kịch, nhà sản xuất phim Nhã Uyên) đã đưa họ vượt lên mọi trở ngại, ngày càng khẳng định được tài năng và vị thế của điện ảnh Việt với thế giới.
Một ví dụ là phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc của Phạm Ngọc Lân đã thắng giải Phim châu Á hay nhất tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024, giành giải Phim đầu tay xuất sắc Liên hoan phim Berlin 2024 với 50.000 EUR tiền thưởng. Trước đó, vào mùa hè năm ngoái, với phim Bên Trong Vỏ Kén Vàng, đạo diễn Phạm Thiên Ân nhận được giải Camera vàng (Caméra D’or) tại Cannes 2023. Vào đầu tháng 7/2024, báo quốc tế dự đoán bộ phim này sẽ được đề cử giải Oscar 2025 hạng mục Quay phim xuất sắc.
Ngoài ra, có thể kể đến một loạt phim độc lập khác như Những Đứa Trẻ Trong Sương - bộ phim tài liệu độc lập của Hà Lệ Diễm chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc và giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay tại Liên hoan phim Tài liệu Quốc tế Amsterdam (IDFA), lọt vào danh sách đề cử rút gọn của hạng mục Phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023, đạt giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2023; Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đạt giải cao nhất - Montgolfière d’or (Golden Balloon) tại Liên hoan phim Ba châu lục 2022 ở Pháp và nhiều giải thưởng quốc tế khác; Đêm Tối Rực Rỡ của vợ chồng diễn viên Nhã Uyên - đạo diễn Aaron Toronto đạt giải Phim hay nhất của hầu hết các giải thưởng điện ảnh Việt năm 2022, giành 4 hạng mục giải thưởng tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2023...
Mặc dù giành hàng loạt giải thưởng danh giá với vô số lời ca ngợi về chất lượng phim của các nhà phê bình phim quốc tế nhưng để đến được với số đông khán giả trong nước, phim độc lập Việt Nam phải vượt qua 2 cái khó.
Thứ nhất, nội dung không chiều theo thị hiếu của số đông bởi chú trọng đến sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn. Thứ 2, vì bản chất là phim kinh phí thấp, ngay cả để sản xuất phim còn phải chật vật nên đương nhiên không hoặc ít có kinh phí cho khâu PR, quảng bá phim. Kết quả là hầu hết các phim độc lập Việt vẫn cứ trầy trật tiếp cận khán giả đại chúng trong nước.
Những nhà làm phim độc lập đang chờ Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được xúc tiến và đi vào hoạt động theo Luật Điện ảnh 2022 để giúp ích các tài năng trẻ, các bộ phim độc lập hay. Đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ: “Tôi nghĩ nền điện ảnh của chúng ta rồi sẽ đến được với một trạng thái lý tưởng hơn. Chúng ta sẽ có một hay nhiều quỹ hỗ trợ phát hành những bộ phim hơi kén khán giả”. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng lạc quan: “Mình sẽ có những khán giả của mình, khi họ đã thích thể loại phim này thì họ sẽ rất thích, thích đến mức như là một điều gì đó trong tâm hồn mình”.
Trong khi chờ sự hỗ trợ của các quỹ, các nhà làm phim độc lập có cách tự thân vận động để phim đến với khán giả trong nước. Diễn viên, biên kịch, nhà sản xuất phim Nhã Uyên kể: “Hệ thống rạp phim của Việt Nam mỗi lần chiếu là chiếu toàn quốc. Trong một lần tôi đi dự liên hoan phim tại Pháp, tôi hỏi các nhà làm phim Pháp tại sao phim độc lập của họ vẫn có đông khán giả, họ kiếm được đủ vốn, thậm chí có lời. Họ nói rằng ở Pháp và cả ở Mỹ, đất nước rất rộng lớn, họ sẽ chọn chiếu phim chỉ ở một tỉnh, một bang. Tuần này họ chiếu ở tỉnh này, công chúng ở khu vực đó mới được xem phim đó, lúc đó nếu chất lượng phim tốt, họ sẽ tự tăng suất chiếu, rồi mới chuyển qua tỉnh khác, bang khác, kiểu cuốn gói. Đó là lý do tại sao phim của họ càng ngày càng lớn mạnh dần, được yêu thương và được lan tỏa”.
“Nếu lần sau làm phim độc lập, tôi sẽ chỉ thương lượng với một cụm rạp, chiếu một số suất rồi sau đó mới chuyển sang cụm rạp khác. Lúc đó, tỉ lệ lấp đầy ghế trong mỗi suất chiếu sẽ cao. Ít suất chiếu nhưng các suất luôn đầy khán giả. Khi sự lan tỏa đủ mạnh thì mới tăng suất chiếu, tăng rạp cho đến khi chiếu toàn quốc như lâu nay”, diễn viên Nhã Uyên nói thêm.
Theo đánh giá của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, hiện nay hệ thống hạ tầng và truyền thông dành cho phát hành phim ở Việt Nam chưa theo kịp so với sự mở lòng của một thế hệ khán giả Việt ngày càng rộng lượng và chấp nhận nhiều dạng “gu” nghệ thuật khác nhau. “Chúng tôi tìm hướng tiếp cận phát hành khác, sẽ hợp tác với nhiều bên liên quan đến nội dung tư tưởng, góc nhìn của bộ phim, như khối truyền thông sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa - lịch sử - nghệ thuật, các tổ chức văn hóa quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức công tác xã hội dành cho những nhóm yếu thế và những nhóm làm nghệ thuật mới”, đạo diễn Phạm Ngọc Lân cho hay.
Ủng hộ dòng phim độc lập Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, cho biết: “Nếu có sự đồng thuận từ các đạo diễn, các bên liên quan, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện để những bộ phim độc lập được chiếu rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả”.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư