Đi cùng F0

Nhà đầu tư nên trong tâm thế ‘không có gì vội’

Ngọc Tâm Thứ Ba | 20/09/2022 16:06

Ông Huỳnh Vân Khôi, Giám đốc kinh doanh, Công ty Chứng khoán ACBS. Ảnh: T&H Communications.

Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Vân Khôi, Giám đốc kinh doanh, ACBS trong buổi hội thảo "Chuyển mình cùng thị trường".
Ông Huỳnh Vân Khôi, Giám đốc kinh doanh, Công ty Chứng khoán ACBS. Ảnh: T&H Communications.

Sợ bỏ lỡ (FOMO) là nỗi sợ rằng người khác đang làm điều gì đó tốt hơn hoặc thú vị hơn bạn. Đó là một cảm xúc phổ biến của con người và gần đây trở nên phổ biến hơn nhờ các phương tiện truyền thông xã hội và các chương trình truyền hình thực tế.

FOMO có thể  tác động lớn đến bạn với tư cách là một nhà đầu tư. Khi đồng nghiệp hoặc bạn bè khoe khoang về lợi nhuận thu được trên thị trường chứng khoán, nó có thể khiến bạn cảm thấy ghen tị, không hài lòng với lợi nhuận của mình và đặt câu hỏi về khoản đầu tư của chính mình. Nỗi sợ hãi này có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của bạn và có khả năng làm lệch kế hoạch đầu tư của bạn.

Chia sẻ trong buổi hội thảo "Chuyển mình cùng thị trường", ông Huỳnh Vân Khôi, Giám đốc kinh doanh, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng với bối cảnh vĩ mô như hiện tại, nhà đầu tư cần giữ một tâm thế phân bổ danh mục hợp lý, an toàn và luôn chủ động với những bất lợi từ thị trường chứng khoán toàn cầu tác động vào thị trường Việt Nam. Nếu chúng ta phân bổ, lựa chọn ngành nghề còn tiềm năng tăng trưởng, với tỉ trọng hợp lý thì nhà đầu tư sẽ ít bị tác động về mặt tâm lý bởi diễn biến của chứng khoán toàn cầu. 

Yếu tố thứ hai theo ông Khôi, nhà đầu tư cần quan tâm đến yếu tố quản trị để khi ở thời điểm phù hợp, chúng ta biết cơ hội nằm ở đâu. Toàn ngành đó có còn tiềm năng không? Bản thân cổ phiếu đang được định giá như thế nào, hoặc có câu chuyện gì sắp tới để kỳ vọng hay không? Nếu trong năm 2023, doanh nghiệp đó còn tăng trưởng, còn hưởng lợi nhưng mà giá đã không còn hợp lý, không còn dưới giá trị nữa thì nhà đầu tư có thể chờ cơ hội từ các nhịp điều chỉnh. 

Mỗi nhà đầu tư là mỗi câu chuyện, năng lực quản trị, dòng vốn khác nhau và mức độ chịu rủi ro cũng là khác nhau, không ai giống ai. Nhà đầu tư cần tìm ra tối thiểu 2-3 ngành triển vọng, lựa chọn những cái tên đầu ngành và giá còn hợp lý hay chờ điều chỉnh trong những phiên mà thị trường rung lắc. 

Một điều mà ông Khôi đặc biệt lưu ý đối với nhà đầu tư là không FOMO theo lời hô hào trên các diễn đàn, trên các room hay trên facebook bởi vô hình chung chúng ta mất đi khả năng quản trị. “Với bối cảnh thị trường thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng, nhà đầu tư nên mua ở những phiên thị trường chiết khấu, hãy lựa chọn những doanh nghiệp có chiến lược, ban quản trị có tầm nhìn, có định hướng phát triển rõ ràng và có tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ra, những câu chuyện riêng sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu trong tương lai”, ông Khôi nói.

“Nếu chúng ta FOMO, chúng ta mua đuổi thì cực kỳ rủi ro. Nhiều khi đó là cổ phiếu tốt, chúng ta mua và có được lợi nhuận, nhưng cũng có thể thua lỗ và phải cắt lỗ đó là chuyện hết sức bình thường. Theo tôi, nhà đầu tư nên trong tâm thế không gì vội, còn tiền là còn cơ hội”,  ông Khôi lý giải thêm.  

Vị chuyên gia này cũng đánh giá tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi lẽ cho dù kinh tế vĩ mô của thế giới nhiều biến động, yếu tố địa chính trị, thế giới đa phương, đa cực, nhưng Việt Nam cũng là một điểm sáng, điểm sáng về mặt kinh tế vĩ mô, CPI thấp hơn so với mặt bằng khu vực và trên thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP vượt kế hoạch. 

Có thể bạn quan tâm 

Thị trường cần thời gian làm quen cơ chế mới


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày