Thế giới

Tín dụng trên GDP Trung Quốc ngang Nhật Bản thời “thập kỷ mất mát”

Thứ Ba | 06/08/2013 08:05

Tín dụng của Trung Quốc gần gấp 2 lần quy mô nền kinh tế tính đến cuối năm 2012, báo cáo của chuyên gia JPMorgan cho biết.
Bơm tín dụng ồ ạt từng khiến các nước châu Á rơi vào khủng hoảng cuối những năm 1990 và khiến Nhật Bản rơi vào thập kỷ mất mát cũng đang gây sức ép đối với giới hoạch định chính sách Trung Quốc.

Một nửa số chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Blomberg cho rằng nợ xấu của chính quyền địa phương và nợ doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và tín dụng của nước này. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối phó với vấn đề nợ xấu ở các chính quyền địa phương trong 18 tháng tới bằng cách mở rộng thị trường trái phiếu chính quyền địa phương và cho phép các địa phương trực tiếp bán trái phiếu để huy động vốn.

Liệu Trung Quốc có tránh được nguy cơ sụp đổ tăng trưởng hay thập kỷ mất mát giống như Nhật Bản những năm 1990 hay không còn phụ thuộc vào khả năng giải quyết nợ xấu và chuyển đổi chính sách của giới lãnh đạo nước này.

Chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Societe Generale, ông Yao Wei nhận định, tỷ lệ nợ của Trung Quốc thực sự đang ở mức nguy hiểm và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của Trung Quốc trong 5 năm tới.

Nợ chính quyền địa phương Trung Quốc được cho là tăng khoảng 50% kể từ cuối 2010, và ở mức khoảng từ 15 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,4 nghìn tỷ USD) đến 16 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến ngày 30/6, theo ước tính của 4 nhà phân tích. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính của Cục Kiểm toán quốc gia Trung Quốc là 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến cuối 2010.

Báo cáo ngày 19/7 của các nhà phân tích thuộc JPMorgan cho biết, Trung Quốc ngày nay cũng giống như Nhật Bản những năm 1980 khi vốn tín dụng gần gấp đôi quy mô nền kinh tế. Báo cáo chỉ ra, tỷ lệ này năm 2012 của Trung Quốc là 187% từ 105% năm 2000, trong khi của Nhật Bản là 176% năm 1990 so với 127% năm 1980.

Chuyên gia kinh tế Grace Ng cảnh báo, thông thường nếu tỷ lệ nợ trên GDP của một nước tăng quá nhanh thì nguy cơ khủng hoảng tài chính cũng cao hơn.

Trong khi đó, đại diện của IMF, ông Murtaza Syed, cho rằng, so sánh Trung Quốc với Nhật Bản là khập khiễng bởi Nhật Bản từng bong bóng bất động sản và chứng khoán. Ông nhận định, Trung Quốc vẫn ở giai đoạn đầu phát triển nên nếu có chính sách và cải cách đúng đắn Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng mạnh trong nhiều năm.

Nguồn Bloomberg/Dân Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày