Chuyên đề

Cơ hội tạo kỳ tích của Việt Nam

Nguyễn Sơn Thứ Tư | 08/07/2020 14:00

Việt Nam đang đứng trước cơ hội để tạo nên những biến chuyển ngoạn mục trong những năm tới.

Là người hưởng lợi nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giờ đây Việt Nam còn tiếp tục tránh được thiệt hại lớn của đại dịch COVID-19 trong khi các quốc gia khác lại bị tàn phá nặng nề. Chưa bao giờ mà cơ hội Việt Nam vươn mình tăng tốc để trở thành một ngôi sao sáng của khu vực lại rõ ràng như hiện nay.

NHẬN DIỆN CƠ HỘI
Nhà sản xuất chip khổng lồ của Mỹ Qualcomm mới đây cho biết sẽ mở phòng thí nghiệm kiểm thử đầu tiên tại Việt Nam. Theo ông ST Liew, Chủ tịch Qualcomm tại Đài Loan (Trung Quốc) và  Đông Nam Á, phòng thí nghiệm còn là một trung tâm phát triển tài năng và góp phần nâng cao năng lực lao động của Việt Nam, một bước chuẩn bị cho sự bùng nổ của kỷ nguyên số. Bước đi này không chỉ nằm trong lộ trình dự phòng cho mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn là cơ hội để Qualcomm hướng tới các khách hàng tiềm năng nội địa như VinSmart, Bkav hay Viettel...

Luxshare ICT, một trong những đối tác lắp ráp tai nghe AirPods cho Apple, cũng bắt đầu quá trình tuyển dụng hàng ngàn công nhân tại Việt Nam. Trên fanpage Luxshare ICT, công ty này đang thông báo đăng tuyển hàng loạt vị trí tại Khu Công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đây là nhà xưởng thứ 2 của Luxshare ICT tại Bắc Giang, sau nhà xưởng tại Khu Công nghiệp Quang Châu. Dự kiến các nhà máy tại Việt Nam sẽ cung ứng khoảng 3-4 triệu chiến AirPods mỗi năm, tương đương khoảng 30% năng lực sản xuất của Luxshare ICT.

Trong làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, động thái của Qualcomm cũng như Luxshare ICT tiếp tục khẳng định Việt Nam là một lựa chọn hợp lý nhất so với các quốc gia khác trong khu vực. Chi phí đang ở mức rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cùng với sự thuận tiện về cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ lý tưởng từ Chính phủ.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trong những năm qua, bao gồm FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Có không ít công ty Mỹ và Nhật dần rời khỏi thị trường Trung Quốc và Việt Nam được cho là lựa chọn hàng đầu thay thế cho sự chuyển đổi này”, ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam, chia sẻ với NCĐT.

 


Trong các năm qua, Chính phủ đã có những ý tưởng rõ ràng trong việc tạo lập một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là sự cải thiện đáng kể về hệ thống năng lượng, các tuyến cao tốc, cảng hàng không và cảng biển.

Các khoản đầu tư đó đã nâng vị trí Việt Nam trên bảng xếp hạng cơ sở hạ tầng quốc gia của World Bank từ 64 năm 2016 lên 39 vào năm 2018. Dự kiến sự gia tăng của dòng vốn FDI và sản xuất công nghiệp có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù phải tuân thủ lệnh giãn cách xã hội, sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được của các nước phát triển ngay trong thời kỳ thuận lợi. Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính thì Việt Nam đã tích lũy được nguồn lực nhờ những năm gần đây tăng trưởng thuận lợi.

Dây chuyền lắp ráp xe VinFast
Dây chuyền lắp ráp xe VinFast

 Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn. Với sự xuất hiện của hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới, ngành sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ nhận được một động lực rõ ràng để cải thiện năng suất và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đi kèm với đó là hàng loạt các lĩnh vực khác như logistics, hàng không, năng lượng, du lịch - giải trí, bán lẻ... sẽ được hưởng lợi.

Theo ông Don Lam, đồng sáng lập VinaCapital, trong quá trình đảo ngược toàn cầu hóa, không phải quốc gia nào cũng đủ sức hấp dẫn như Việt Nam. Hiện nay, có gần 200 quốc gia trên thế giới và hầu hết các quốc gia này đều có chi phí đầu vào cho sản xuất như đất đai và lao động thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Các nhà hoạch định chính sách của doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp tiếp cận “hình phễu” để loại trừ các quốc gia không phù hợp cho việc mở rộng sản xuất của mình. “Việt Nam có thể dễ đàng đáp ứng đồng thời tất cả các yếu tố trên, nên luôn nằm trong danh sách các quốc gia được cân nhắc lựa chọn đặt nhà máy mới của doanh nghiệp nước ngoài”, ông Don Lam nhận định.

HIỆU ỨNG CỘNG HƯỞNG

Bên cạnh sản xuất, hàng loạt lĩnh vực khác nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt là 2 lĩnh vực bất động sản và tài chính. Mới đây, quỹ đầu tư đến từ Mỹ KKR cùng Temasek (Singapore) đã chi 650 triệu USD để đầu tư vào thương hiệu bất động sản Vinhomes - một sự kiện đánh dấu dòng vốn M&A đang phục hồi sau thời gian giãn cách xã hội. Tính toán của KKR khi đầu tư vào Vinhomes là muốn khai khác nhu cầu sở hữu nhà ở từ tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh, đi cùng với các dự án cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp mà Vinhomes dự kiến triển khai.

 


Chưa dừng lại ở đó, KKR cho biết sẽ tiếp tục gia tăng quy mô đầu tư vào Việt nam lên ít nhất 3 lần trong thập niên tới. “Sự bén rễ của các loại hình nhà ở hiện đại, như căn hộ tại các thành phố lớn của Việt Nam đang khoảng 10%, tương tự như Trung Quốc 20 năm trước. Chúng tôi muốn bắt được làn sóng này”, ông Ashish Shastry, người đứng đầu KKR khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Bất động sản cũng là đích nhắm của quỹ danh tiếng SoftBank Ventures Asia khi hợp lực cùng Gaw Capital để rót 25 triệu USD vào Propzy, một startup công nghệ hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. “Sự an toàn mà nền kinh tế Việt Nam mang lại cho nhà đầu tư bất động sản và người mua nhà là điều kiện thuận lợi để Propzy.vn phát triển mạnh mẽ”, ông Daniel Kang, Đối tác cấp cao của SoftBank Ventures Asia, nhận xét. Mới đây, nhà đầu tư Nhật Mitsubishi UFJ Lease & Finance cũng đã mua 49% cổ phần trong công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing. Mục tiêu là nắm bắt nhu cầu cho thuê tài chính tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh khi doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng. 

Các khu công nghiệp nằm ở vị trí thuận lợi cũng là đích nhắm của giới đầu tư. Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ châu Á - Thái Bình Dương, Úc, Anh và Mỹ đang rất muốn gia nhập vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. “Sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư khu vực và quốc tế đã khẳng định tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, mà còn trong các những lĩnh vực khác có liên quan”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định.

KHƠI THÔNG ĐIỂM NGHẼN
COVID-19 có thể mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho các quốc gia, trong đó một số hệ thống vận hành như chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc hay cấu trúc quản trị cũ đã cho thấy sự lạc hậu và cần được thay thế. Vì vậy, ở giai đoạn hậu dịch bệnh, Việt Nam tuy sở hữu một tiềm năng đáng kinh ngạc nhưng cũng vướng phải những điểm nghẽn.

Viện Nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace cho rằng, cấu trúc dân số đang già đi và sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nằm trong số các điểm nghẽn giới hạn cơ hội của Việt Nam. Theo dự báo dân số của Liên Hiệp Quốc, tỉ trọng người già sẽ tăng mạnh vào năm 2050. Đó cũng là lý do tại sao Chính phủ đang thực hiện chiến dịch thúc đẩy khả năng sinh sản. “Để giảm thiểu phần nào áp lực lực lượng lao động có thể thu hẹp, Việt Nam sẽ phải nhanh chóng giải quyết các điểm yếu về cấu trúc khác, đặc biệt là cải tiến cơ sở hạ tầng để kết nối tốt hơn với chuỗi giá trị toàn cầu”, báo cáo của Carnegie Endowment for International Peace nhận định.

 


Các chuyên gia khác cũng dành sự quan tâm đáng kể cho chất lượng hạ tầng. Theo Savills, có không ít nhà đầu tư coi trọng kết nối giữa bất động sản công nghiệp đến các cảng chính và chất lượng cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Đáng chú ý, lực lượng lao động có chất lượng với chi phí hợp lý là yếu tố rất cần được tính đến. Đơn cử như khoảng 10 năm trước, ngành may mặc hiện diện phần lớn ở khu vực miền Bắc Việt Nam, nhưng hiện nay lĩnh vực này lại tập trung nhiều ở miền Trung vì thị trường may mặc công nghiệp đang phát triển bứt tốc tại khu vực này và chi phí cũng phải chăng hơn.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý và rõ ràng nhất ở khu vực Đông Nam Á. Song có một số yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần và giá đất”, Savills nhận định.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu về chuyển giao, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... có lợi thế hơn hẳn. Lý do là quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, dây chuyền, máy móc ít... nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời. Chỉ vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi đó, khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.

 

Khu công nghiệp Mỹ Phước 3
Một định hướng mới về năng lực cạnh tranh trong thời gian tới cũng cần tính đến. Thực tế ngay cả Trung Quốc cũng có những toan tính riêng cho mình. Thậm chí, dịch COVID-19 còn mang đến sức ép cải cách và tạo động lực cho nền kinh tế nước này cải thiện hiệu quả hoạt động mạnh mẽ hơn. Ở đó, cuộc tháo chạy của các ngành sản xuất cấp thấp có thể là một lợi thế cho Trung Quốc trong dài hạn.

Theo ông Li Keabo, Tổng Thư ký điều hành của Trung tâm Kinh tế Thế giới tại Trường Kinh tế và Quản lý Đại học Thanh Hoa, việc mất sản xuất cấp thấp có thể là lợi thế đối với Trung Quốc, vì điều này buộc ngành sản xuất phải tiến lên chuỗi giá trị. Đây là một quá trình chuyển đổi mà Bắc Kinh chấp thuận. Đơn cử như kế hoạch Made in China 2025 đặt mục tiêu Trung Quốc sẽ tự chủ được 40% chất bán dẫn vào năm 2020, sau đó tăng lên 70% vào năm 2025.

 


Nhìn chung, cơ hội đang mở ra cho Việt Nam nhưng để thật sự trở thành một cường quốc kinh tế, phải có kế hoạch ưu tiên phát triển các lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đó có thể là dịch vụ tài chính, kinh tế số, năng lượng sạch, công nghệ sinh học, nông nghiệp có thương hiệu, công nghiệp chế biến sâu có giá trị gia tăng cao hơn. Gần đây, một số sáng kiến rõ ràng hơn để đón lấy cơ hội từ COVID-19 đã xuất hiện ở một số địa phương đầu tàu. TP.HCM đang ấp ủ giấc mơ về một khu đô thị sáng tạo phía Đông, tương tự như Thung lũng Silicon nổi tiếng của Mỹ. Hay Hải Phòng đang nỗ lực trở thành một thủ phủ ô tô mới tại Đông Nam Á.

Để tối ưu hóa cơ hội trước mắt, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng Chính phủ cần cải thiện hạ tầng đất đai, công nghệ, nhân lực. Các thủ tục đầu tư phải được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép. Cuối cùng là hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa. “Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa nếu muốn tạo thế cân bằng với các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch”, Giáo sư Nguyễn Mại nhận định.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày