Công Nghệ

Gọi vốn cộng đồng đầu tiên bằng Coupon tại Việt Nam

Trung Nguyễn Thứ Sáu | 15/05/2020 08:00

Giải pháp tức thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thuật ngữ gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) đã tồn tại được hơn 10 năm nay, nhưng mới chỉ trở thành xu hướng được nhiều startup Việt lựa chọn trong vài năm gần đây, khi vừa đánh giá được tiềm năng của dự án thông qua đóng góp từ khách hàng vừa làm tăng năng lực kinh doanh bằng cách mở rộng số lượng nhà đầu tư, vượt qua phạm vi truyền thống bao gồm các chủ sở hữu, người thân và các nhà đầu tư mạo hiểm. 

So với việc huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc vay ngân hàng thì gọi vốn cộng đồng cho phép một số lượng lớn hơn nhiều nhà đầu tư tham gia, mỗi người chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ. Các dự án gây quỹ cộng đồng thường có cơ chế dựa trên phần thưởng cho các nhà đầu tư tham gia vào quá trình ra mắt một sản phẩm mới hoặc nhận một món quà cho khoản đầu tư của họ. Điều này sẽ cho phép các startup thu tiền mà không phải từ bỏ quyền kiểm soát cho các nhà đầu tư mạo hiểm, tránh được rủi ro khi doanh nghiệp mới thất bại, nhà đầu tư cũng phải mất số tiền lớn. 

Theo khảo sát mới đây của Statista, gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ khi số vốn huy động trung bình của các startup đã tăng gần 2 lần chỉ trong 2 năm, từ 1.200USD năm 2017 lên đến 2.070USD năm 2019. Tổng số tiền từ các cuộc gọi vốn cũng đạt được hơn nửa triệu USD trong năm 2019. Dù vậy, hình thức gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp này tự làm thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu.  

Nắm bắt được xu hướng mới của các startup cộng thêm việc dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ngành dịch vụ nhà hàng, ẩm thực… phải đóng cửa hoặc tạm dừng do hết tiền, startup phát triển nền tảng đặt chỗ Jamja đã bắt tay với nhiều doanh nghiệp lớn như Sun*, Zalo cho ra mắt dự án gọi vốn cộng đồng bằng coupon đầu tiên tại Việt Nam, có tên Powerpass. 

 

Theo Jamja, phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp này đến từ hoạt động bán hàng offline tại cửa hàng, điểm bán. Nguồn lực doanh nghiệp ngay tức thời không chuyển hướng kịp sang mô hình online. Khách hàng muốn mua hàng lại không tiếp cận được dịch vụ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền để duy trì hệ thống, vượt qua giai đoạn khủng hoảng trước mắt.

Cũng cần nói thêm, đã có một số nền tảng huy động vốn cộng đồng tương tự Powerpass đã ra đời như GoFundMe.com, RocketHub.com,  Fundingvn.com… nhưng các nền tảng này chưa tập trung cho doanh nghiệp về dịch vụ hay ẩm thực. Đó là điểm khác biệt của Powerpass.

 

Cụ thể, Powerpass sẽ giúp doanh nghiệp huy động từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng tùy chiến dịch mà không thu bất cứ khoản phí nào trong giai đoạn đầu của dự án. Doanh nghiệp sẽ chỉ cần đăng tải thông tin lên website và phát hành coupon ngay trên đó. Khi tham gia vào hệ thống, họ được chủ động quyết định về mức ưu đãi của coupon, các loại coupon cũng như thời gian phát hành. 

Còn đối với người mua, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp mua coupon số lượng lớn thông qua nền tảng này. Khách hàng mua coupon có thể có ưu đãi lên đến 50%, áp dụng cho cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng tổ chức. 

Bà Lại Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Vận hành Jamja, cho biết: “Người mua sẽ vừa tiết kiệm được chi tiêu trong khi người bán vẫn thu về được chi phí cơ bản để vận hành hệ thống. Thông qua đó, doanh nghiệp không còn lo bị gián đoạn hoạt động kinh doanh hay đứt kết nối với khách hàng của mình.”

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Bộ phận Sun* Startups, Tập đoàn Sun Asterisk Việt Nam và là nhà đầu tư giải pháp cho Powerpass, cũng chia sẻ: “Với hơn 1.000 kỹ sư công nghệ tại Việt Nam, Powerpass được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian chỉ 15 ngày. Chúng tôi đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các dự án mang lại giá trị tích cực cho xã hội và được vận hành bởi những người có năng lực”.

Bên cạnh đó, với ý nghĩa “Tiếp nguồn sức mạnh - vượt qua đại dịch”, ngay trong thời gian chuẩn bị Powerpass đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng, không chỉ chuỗi dịch vụ lớn tham gia mà dự án còn nhận được sự chung tay từ các doanh nghiệp đồng hành như Beatvn, iPOS, bePOS… 

Dự án này cũng sẽ trích một phần tiền huy động vốn của các chiến dịch thành công để đóng góp vào quỹ COVID-19 của Chính phủ, giúp các doanh nghiệp có thể thực hiện trách nghiệm cộng đồng của mình. Dự kiến, Powepass sẽ thu hút ít nhất 1.000 doanh nghiệp tham gia vào hệ thống chỉ trong 2 tháng sau ra mắt, bắt đầu từ cuối tháng 4.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày