Công Nghệ

Thụy Điển sắp xây dựng thành công xã hội phi tiền mặt?

Thứ Hai | 15/05/2017 13:49

Lượng tiền mặt được lưu thông ở Thụy Điển đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Xã hội Thụy Điển đang trong quá trình loại bỏ dần tiền mặt khỏi lưu thông, và nhà thờ cũng không phải là ngoại lệ. Tại nhiều nhà thờ ở Thụy Điển, các vị linh mục đã bắt đầu nhận tiền quyên góp từ giáo dân thông qua các ứng dụng di động. Tại đại giáo đường Uppsala có lịch sử từ thế kỷ 13, các giáo dân cũng có thể góp tiền thông qua thẻ tín dụng.

Phần lớn các chi nhánh ngân hàng tại Thụy Điển đã ngưng xử lý giao dịch tiền mặt. Một số cửa hàng và bảo tàng chỉ nhận thanh toán bằng thẻ. Ngay cả nhiều người vô gia cư đi bán báo ở thủ đô Stockholm đã bắt đầu nhận thanh toán thẻ. Nếu đi mua hàng tại một chợ trời cuối tuần, bạn có thể được yêu cầu thanh toán bằng ứng dụng di động Swish thay vì tiền mặt.

Theo các số liệu thống kê, lượng tiền mặt được lưu thông tại Thụy Điển đã giảm xuống còn 56,8 tỷ kronor (tương đương 6,4 tỷ USD) trong quý I năm nay. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990, và giảm hơn 40% so với mức đỉnh vào năm 2007.

Linh mục Lasse Svard tại giáo xứ Jarna-Vardinge ở gần Stockholm cho biết: “15 năm trước tôi sẽ rút hết tiền lương của mình khỏi ngân hàng và cất vào ví để biết mình còn bao nhiêu tiền, nhưng ngày nay tôi chẳng mấy khi mang tiền mặt theo nữa”.

Thuy Dien sap xay dung thanh cong xa hoi phi tien mat?
Lượng tiền mặt lưu thông ở Thụy Điển đã giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg

Theo Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank), nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của tiền mặt chính là do các tiến bộ về công nghệ, và ngân hàng này cũng đang xem xét liệu có nên phát hành tiền ảo riêng cho Thụy Điển hay không.

Phó Thống đốc Riksbank là Cecilia Skingsley cho biết Thụy Điển là một trong những nước đầu tiên sử dụng rộng rãi máy tính và điện thoại di động, do là quê hương của tập đoàn Ericsson. Các ngân hàng Thụy Điển  cũng nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới như thanh toán bằng thẻ, và cùng nhau phát triển ứng dụng thanh toán qua di động Swish, hiện đang được sử dụng bởi 5,5 triệu người (chiếm hơn 50% dân số). Cũng theo bà Cecilia, tiền mặt sẽ có thể “biến mất” trong các giao dịch của khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích một thế giới không tiền mặt. Nhiều người già về hưu đang gặp rắc rối trong việc thích ứng với công nghệ mới, trong khi nhiều nhà vận động bảo vệ quyền riêng tư thì bày tỏ lo ngại rằng chính phủ bây giờ dễ dàng biết được người dân đang làm gì. Cũng có nhiều lo lắng rằng một xã hội phi tiền mặt sẽ dễ bị ảnh hưởng từ các cuộc tấn công của hacker hay các vụ mất điện quy mô lớn.

Cho đến giờ, các mặt phải của xã hội phi tiền mặt - bao gồm việc giảm bớt chi phí kinh doanh, giúp chính phủ thu thuế tốt hơn và giúp người dân bớt lo về việc bị trộm cướp tiền mặt - xem ra vẫn đang nhiều hơn mặt trái.

Một minh chứng cho điều này là ngay cả khi lãi suất ở Thụy Điển đang ở mức âm như hiện nay, nhiều người dân vẫn không muốn nắm giữ tiền mặt. Và trong trường hợp tiền mặt biến mất hoàn toàn, Riksbank sẽ có thêm khá nhiều ảnh hưởng lên nền kinh tế. Kinh tế gia trưởng Robert Bergqvist tại ngân hàng SEB AB bình luận: “Việc duy trì lãi suất âm sẽ có nhiều tác động hơn nữa, vì không có cách nào thoát khỏi ảnh hưởng của nó”.

Thuy Dien sap xay dung thanh cong xa hoi phi tien mat?
Nhiều người vô gia cư bán báo ở Thụy Điển giờ đây nhận thanh toán bằng ứng dụng đi động. Ảnh: NPR

Tại các nhà thờ ở Thụy Điển, việc chuyển sang nhận tiền quyên góp bằng ứng dụng di động và thẻ đã làm giảm rủi ro bị mất cắp tiền. Do việc gửi tiền mặt số lượng lớn vào ngân hàng giờ đây bị tính phí, việc chuyển qua sử dụng Swish cũng là một cách để tiết kiệm. Tại giáo xứ Jarna-Vardingem, việc nhận tiền bằng Swish đã khiến số lượng tiền quyên góp nhận được gia tăng, do nhiều giáo dân giờ đây sẵn sàng đóng nhiều tiền hơn, thay vì đơn giản là dốc hết số xu lẻ họ đang có trong túi như trước đây.

Việc chuyển sang đóng tiền điện tử cũng đã dẫn tới một số hành vi mới khá thú vị. Mats Lagergren, phát ngôn viên của giáo xứ Uppsala, cho biết: “Có chuyện khá buồn cười là giờ đây khi chúng tôi đi quyên góp thì một số giáo dân sẽ giơ điện thoại lên để cho biết rằng họ đang góp tiền”.

Tuấn Minh

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày