Kinh Doanh

"Chống sốc bên ngoài, Việt Nam phải cố gắng gấp đôi"

Hải Vân Thứ Tư | 18/04/2018 08:57

Nhiều khả năng có thêm một lần tăng lãi suất trong năm 2018 của FED, thay vì 3 lần như dự báo.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự định tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018 và có thể đạt 2,1% vào cuối năm. Hiện, mức lãi suất FED đang áp dụng là 1,25-1,5%.

Nhiều khả năng “FED sẽ có thêm một lần tăng lãi suất” trong năm 2018, thay vì 3 lần như dự báo, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói với NCĐT.

Theo quan sát của TS. Lực, lượng tiền bơm ra nền kinh tế Mỹ là khá nhiều, từ các chính sách của Tổng thống Donald Trump, trong khi giá lương đang tăng rất nhanh và đồng đô la suy yếu, có thể là lý do thúc đẩy FED tăng lãi suất lên mức cao hơn để kiểm soát lạm phát dưới mức mục tiêu 2%.

Thực ra, tác động từ việc FED tăng lãi suất bây giờ không còn lớn như trước, do tác động đã được hoạch định rõ trong chính sách, cũng như dự báo sớm về giá.

Tuy nhiên, nếu FED tăng lãi suất quá nhanh, TS. Lực nói “sẽ tạo những cú sốc nhất định đối với thị trường tài chính toàn cầu”. Khi đó, tiền sẽ bị thắt chặt hơn, thanh khoản thị trường tài chính thế giới bị ảnh hưởng và lãi suất đồng đô la Mỹ cũng sẽ bị tăng lên.

Lãi suất và tỉ giá vốn là biến số khó lường nhất trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Nếu FED có thêm một lần tăng lãi suất, Việt Nam sẽ chịu 3 tác động, Kinh tế trưởng của BIDV, nhận định.

Một là, giảm lãi suất là rất khó. Nghị quyết mới đây của Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất trong bối cảm lạm phát phải được kiểm soát dưới 4%.

Năm 2017, lãi suất huy động đồng Việt Nam kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4 - 7,2%. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5-1% so với đầu năm, nhưng ở khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất vẫn ở mức 6,8-11%/năm.

Hai là, áp lực đến thay đổi dòng tiền. Dòng tiền có thể dịch chuyển theo dòng vốn đầu tư, nếu môi trường đầu tư của Việt Nam không tốt. Chẳng hạn, dòng tiền có thể đổ vào những điểm đầu tư mới có lợi nhuận cao hơn, với mức độ rủi ro chấp nhận được.

Ba là, tạo áp lực lên tỷ giá. Hiện, tăng trưởng của các nước đang phát triển đang cao hơn Mỹ. Có nghĩa, đồng tiền của các nước đang phát triển tăng giá khá mạnh, trong khi đồng đô la Mỹ khó tăng giá, thậm chí đang giảm giá nhẹ.

Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính và triển vọng năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho thấy, năm 2017 tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD khá ổn định, nhưng chênh lệch về lãi suất vẫn ở mức lớn, khoảng 6-7%.  

Tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh tăng khoảng 1,5 - 2% trong năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đưa dự báo theo “kịch bản” FED chỉ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay.

Thị trường tài chính chịu tác động rất lớn từ lãi suất. TS Lực cho rằng nước ta vẫn cần giữ ổn định lãi suất năm nay, dù lãi suất không phải là cản trở chính tới hoạt động của doanh nghiệp do tín dụng vẫn tăng trưởng 18,2% vào năm 2017 và quý I/2018 đã tăng khoảng 3,5%.

 

Với “kịch bản” FED có 4 lần tăng lãi suất, TS. Lực cho rằng, việc chủ động phân tích, đánh giá các tác động là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là gia tăng khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài.

Muốn vậy, nước ta phải tranh thủ lúc này để tiếp tục tái cơ cấu kinh tế và doanh nghiệp. Đặc biệt, liên quan đến ổn định hệ thống tài chính tiền tệ, nợ xấu phải được xử lý rốt ráo hơn.

TS. Lực cũng cho rằng, cần tăng dự trữ ngoại hối lên 5 hoặc 6 tháng nhập khẩu. Hiện nay, dự trữ ngoại hối đang ở mức 57 tỷ USD, tương đương 3 tháng nhập khẩu, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 6.2.

Như vậy, nếu FED thêm một lần tăng lãi suất, tác động làm tăng chi phí đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ là rất lớn. Dư nợ nước ngoài của Chính phủ, tính đến 31/12/2016, là 947.494 tỷ đồng, tức khoảng 42.938 triệu USD, tăng so với năm 2015, chiếm 39,8% nợ Chính phủ, theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố đầu tháng 3.2018.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày