Kinh Doanh

Chuyển giá khu vực FDI ngày một tăng và phức tạp

Hải Vân Thứ Ba | 10/07/2018 16:16

tỷ lệ doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61% cao hơn các năm từ 2012 đến 2015. Ảnh: Quý Hòa

Nhưng "nói" đến chuyển giá không nên chỉ tính đến tỷ suất lợi nhuận và phân tích so sánh, cần xét đến thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.
tỷ lệ doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61% cao hơn các năm từ 2012 đến 2015. Ảnh: Quý Hòa

Chuyển nhượng giá, còn gọi là chuyển giá, một trong những nội dung chính được bàn sâu tại Hội thảo chuyên đề: Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: thực trạng và giải pháp, hôm 10.8.2018, thời điểm Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim bị Cục Thuế TP.HCM truy thu, phạt tổng số tiền lên tới 148 tỷ đồng.

Chỉ rõ chuyển giá

Việt Nam đã thu hút được trên 24.000 dự án FDI sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Số thu ngân sách nhà nước từ FDI tăng trưởng ổn định, năm 2016 chiếm 19% tổng thu ngân sách nhà nước, đóng góp 18,59% GDP và giải quyết việc làm cho trên 4 triệu lao động.

Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, số doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp.

Tính đến hết năm 2016, có 17.493 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Trong số này có 14.600 doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính, nhưng chỉ có 12.598 doanh nghiệp có báo cáo đầy đủ các chỉ tiêu để phân tích, cho thấy tình trạng doanh nghiệp thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ và lỗ mất vốn năm 2016 giảm so với năm 2015 nhưng vẫn cao hơn các năm 2012, 2013 và 2014. Cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61% cao hơn các năm từ 2012 đến 2015.

Cục Tài chính Doanh nghiệp cho là đã phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp FDI từ năm 2012 đến năm 2016. Theo đó, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ hàng năm là từ 44 đến 51%, đặc biệt năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng doanh nghiệp có báo cáo.

Chưa hết, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cho thấy tình trạng thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp.

Cục Tài chính Doanh nghiệp cũng chỉ rõ tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược, từ nước ngoài vào Việt Nam, của một số doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều này, thể hiện qua số liệu tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi hay viễn thông phần mềm, ROE trước thuế lên tới trên 30%.

Theo Cục tài chính Doanh nghiệp, chuyển giá giữa các doanh nghiệp có vốn FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau. Thậm chí, có một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cục tài chính Doanh nghiệp hối thúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế kiểm soát để hạn chế các doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế.

Tạo cơ hội giải trình

Chuyển giá, liên quan tới các giao dịch giữa các công ty thuộc cùng tập đoàn nhưng thường ở các khu vực địa lý khác nhau trên thế giới, điều này dẫn tới nhu cầu đồng nhất các quy định về giá chuyển nhượng trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Nghị định 20 thay thế Thông tư 66 nhằm thống nhất các quy định về giá chuyển nhượng trong nước với các hướng dẫn tại Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD.

Đang có những bất cập xung quanh văn bản này, làm hạn chế. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra chuyển giá hiện nay “chưa phân biệt” lợi nhuận của doanh nghiệp mới hoạt động.

Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam dẫn chứng Công ty M, họ bắt đầu hoạt động và có doanh thu từ tháng 6.2006, năm 2007 M bị lỗ gộp nhưng từ năm 2008, công ty bắt đầu có lãi và tăng dần qua các năm.

Cơ quan thuế địa phương, năm 2016, đã thanh tra giá chuyển nhượng của M giai đoạn 2007-2012. Đoàn thanh tra đã ấn định mức tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp để điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận của công ty cho các năm 2007, 2008, 2009 và 2010, tương ứng với 6,66%; 9,05%; 9,33% và 10,35%.

Chưa hết, Đoàn thanh tra còn kiến nghị truy thu từ M hơn 3,6 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, kiến nghị xử phạt kê khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp 179 triệu đồng và tính tiến chậm nộp trên số truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 2,6 tỷ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp trốn thuế, nhưng đề nghị Bộ Tài chính “hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng”, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế và giảm chi phí tuân thủ.

Nghị định 20 phần lớn đều nhất  quán với các khuyến nghị trong BEPS. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm khác biệt khiến các doanh nghiệp nộp thuế quan ngại. Chẳng hạn, Nghị định 20 áp dụng mức trần 20% cho tỷ lệ chi phí lãi vay được trừ tính theo công thức Chi phí lãi vay trên EBITDA.

Thế nhưng, tại Chương trình hành động số 4 của BEPS đã khuyến nghị, điểm này chỉ nên áp dụng đối với chi phí lãi vay cho bên độc lập cùng một số quy định về hạn mức tối thiểu, nhằm bỏ bớt những công ty có rủi ro thấp.

Ông Thomas McClelland, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, cho rằng: “Giá chuyển nhượng là một phần không thể tách rời của thương mại quốc tế” và “không thể tránh được các vấn đề có liên quan đến chuyển giá”.

Ông Thomas McClelland, người có tên trong danh sách “Các nhà tư vấn thuế hàng đầu thế giới” của Euromoney, cho rằng, nói đến chuyển giá không chỉ nói về tỷ suất lợi nhuận và phân tích so sánh mà còn phải xem xét đến thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cơ quan thuế cần hiểu rõ về thực tế kinh doanh của doanh nghiệp để có những biện pháp và hành động tương ứng” và “cần chú trọng đảm bảo việc tuân thủ của doanh nghiệp hơn là lựa chọn một số doanh nghiệp nhất định để thanh tra, kiểm tra”, ông cho biết.

Ông Thomas McClelland cũng nói “nên thay đổi” việc sử dụng duy nhất một phương pháp xác định giá thị trường (CPM) và những điều chỉnh sau đó dựa trên một cơ sở dữ liệu “bí mật”. Đặc biệt, “nên tạo cơ hội giải trình” cho những doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ các quy định.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng nên được “quốc tế hóa” để có thể nhanh chóng bắt kịp thị trường quốc tế, baoa gồm việc ký nhiều hơn các thỏa thuận song phương về thuế. Hiện nay, các khuyến nghị của BEPS đã được bổ sung vào các quy định.

"Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một cơ chế áp dụng rõ ràng”, ông Thomas McClelland nói. Ông cho biết, 5 năm vừa qua, chưa có một Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA)  nào được ký chính thức giúp các nhà đầu tư tự tin hơn. Trong khi đó, các cơ chế giải quyết và sửa đổi, như APA, hiện đã có sẵn.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày