Kinh Doanh

Fitch Ratings nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam từ ổn định lên tích cực

Minh Anh Thứ Sáu | 02/04/2021 16:37

Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế được xếp hạng “BB” tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Fitch Ratings

Fitch Ratings đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực và giữ nguyên bậc xếp hạng nhà phát hành tiền gửi ngoại tệ dài hạn ở mức “BB”.
Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế được xếp hạng “BB” tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Fitch Ratings

Trước đó, một hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Moody’s cũng vừa nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ ổn định lên tích cực.

Những yếu tố giúp Việt Nam được nâng tín nhiệm

Fitch Ratings cho biết, triển vọng tích cực phản ánh đà tăng trưởng tích cực cũng như tình hình tài chính công vững chắc của Việt Nam trước cú sốc dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tình hình tài chính bên ngoài (external finance) của Việt Nam cũng tiếp tục cải thiện nhờ thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối ngày càng tăng.

Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế được xếp hạng “BB” tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020, ở mức 2.9%.

Thành tích khả quan của Việt Nam phần lớn đến từ thành công trong việc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách và nhu cầu xuất khẩu bùng nổ. Việt Nam vẫn tăng trưởng dương bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 tới hoạt động kinh tế trong nước và dòng vốn vào lĩnh vực du lịch.

 

Hiện tại quá trình triển khai tiêm chủng của Việt Nam khởi đầu khá chậm chạp. Tuy vậy, Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 7% trong năm 2021 và 2022. Dự báo này tương đối phù hợp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục, tăng trưởng xuất khẩu được duy trì, hoạt động kinh tế trong nước dựa trên kỳ vọng dần dần bình thường hóa và quan trọng nhất là kỳ vọng đất nước hình chữ “S” tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh.

Tình hình tài chính bên ngoài (external finances) của Việt Nam được củng cố thêm bất chấp đại dịch. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7% trong năm 2020 (tính theo USD) và tài khoản vãng lai thặng dư ở mức tương đương 3.6% GDP.

Hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ đến từ nhu cầu mạnh mẽ đối với các linh kiện công nghệ cao và sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại (xuất phát từ chi phí gia tăng ở Trung Quốc và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung). Hãng xếp hạng tín nhiệm này dự báo tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ tiếp tục thặng dư tương ứng ở mức 1.2% và 2% GDP trong các năm 2021 và 2022. Trong khi đó, các nước khác được xếp hạng ở bậc “BB” thâm hụt 1.7% GDP (xét theo trung vị).

Các Hiệp định thương mại có ảnh hưởng tích cực

Dự trữ ngoại hối tăng lên 95.2 tỉ USD vào cuối năm 2020. Điều này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ.

Tuy nhiên, tỷ lệ thanh khoản bên ngoài của Việt Nam (external liquidity ratio) cũng tăng lên 388% trong năm 2021, cao hơn gấp đôi so với dự báo trung vị của các nước được xếp hạng “BB”. Đây là thước đo lường năng lực thanh khoản đến từ dòng vốn ngoại của một quốc gia, trong đó số tỷ lệ phần trăm tài sản bên ngoài trên nợ bên ngoài càng cao thì khả năng thanh khoản của quốc gia đó đang ở một vị thế tốt hơn.

Phần lớn dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam trong năm 2020 đều hướng tới lĩnh vực sản xuất. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng (net FDI) năm 2020 đạt 15.4 tỉ USD (tương đương khoảng 4% GDP), gần bằng mức của năm trước.

 

Fitch Ratings dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam nhờ sự chuyển hướng thương mại và cũng như việc tham gia các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo Fitch Ratings, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn bị ảnh hưởng trước sự thay đổi của nhu cầu bên ngoài vì độ mở cao của nền kinh tế.

Fitch Ratings cho rằng, các nỗ lực của Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng đồng thời cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, ổn định nợ trong trung hạn sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.

►Vốn ngoại tăng trở lại thị trường Việt Nam


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày