Kinh Doanh

Hội nghị xúc tiến xuất khẩu da giày: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Thứ Sáu | 17/07/2015 19:50

Ngành Da Giầy Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia.

Được sự hỗ trợ của Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm Quốc gia năm 2015 thông qua Cục Xúc Tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp Hội Da giầy-Túi xách Việt nam (Lefaso) đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu Da giày với chủ đề nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các DN da giày Việt Nam vào ngày 15/07/2015 tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội nghị là cơ hội để Hiệp hội và Ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam quảng bá hình ảnh, sự lớn mạnh của Ngành trong những năm qua, sẽ nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Ngành và Hiệp hội trong Khu vực Châu Á và trên thế giới, đồng thời là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, tiếp thu sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước… nhằm  thúc đẩy quan hệ hợp tác xuất khẩu, giới thiệu năng lực và khả năng của doanh nghiệp. 

Tại hội nghị, hơn 200 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu giày, nguyên phụ liệu tại Việt Nam và nước ngoài sẽ cùng nhau thảo luận một số nội dung hội thảo như: Tiềm năng xuất khẩu của ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, đánh giá nhu cầu thị trường, những thuận lợi khó khăn, cơ hội thách thức trong xuất khẩu ; Các rào cản trong thương mại quốc tế liên quan tới sản phẩm xuất khẩu của toàn ngành… ; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam trong giai đoạn tới (Đến năm 2020).

Ngành Da Giầy Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia. Mặc dù giá trị gia tăng của ngành da giầy không lớn nhưng với trên 800 DN, 1 triệu lao động, ngành da giầy đã mang lại công việc cho một số lượng lớn lao động phổ thông, trong đó số lao động nữ chiếm tới 85%. 

Theo số liệu thống kê, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italia. Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giầy dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Sản phẩm túi xách có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, hiện đã có mặt tại trên 40 nước.

Nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã và đang được Chính phủ tích cực đàm phán với các nước sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành. Trong đó, nổi bật vẫn là Hiệp định với Khối 12 nước Châu Á Thái bình dương (gọi tắt là TPP), với Liên Minh Châu Âu (gọi tắt là FTAEV), với Liên Minh Hải Quan Nga-Belarus-Kazakhstan, với các Hiệp định của Khối ASEAN sẽ có hiệu lực trong 2015… 

Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5 - 57.4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, từ đó giúp DN ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu. Đây không chỉ được coi là cú huých mà còn là cơ hội vàng cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hiện khối ASEAN đã có Hiệp định FTA riêng với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. ASEAN cũng đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chung giữa ASEAN với cả 6 nước nói trên (ASEAN+6), hình thành một khu vực FTA lớn gồm 16 nước với dân số hơn 3 tỷ người. Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Á, Ấn Độ và Australia. 

Đặc biệt, ngày 5/5/2015 vừa qua, Việt Nam đã ký Hiệp định FTA với Hàn Quốc và ngày 29/5/2015 đã ký Hiệp định FTA với Khu vực kinh tế Á- Âu (Liên minh Hải quan), hiện Chính phủ các nước đang thực hiện thủ tục phê chuẩn để các hiệp định này sớm có hiệu lực.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam cũng đã có các cuộc đàm phán để hoàn tất FTA Việt Nam – EU và Hiệp định TPP, dự kiến ký kết trong năm 2015. 

Các FTA sẽ có hiệu lực trong 1-2 năm tới, nên năm 2015 chưa có tác động trực tiếp tăng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm xuất khẩu tại Việt Nam.

Có nhiều lợi thế xuất khẩu nhưng tại ngành da giầy Việt Nam vẫn còn lận đận trong việc tìm hướng xuất khẩu, chủ yếu là gia công xuất khẩu, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu (NPL) do nước ngoài chỉ định, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu. 

Một số loại nguyên phụ liệu chưa có hoặc có rất ít cơ sở sản xuất: giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, cactoong (texon làm đế trong), vật liệu làm pho, phụ liệu, phụ kiện (bằng kim loại, chất dẻo), keo dán và hóa chất. Các loại này hiện nay cung cấp dưới 20%.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm (nguyên phụ liệu) của một số doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (các chỉ tiêu cơ lý, thẩm mỹ như độ đều màu, bền màu ..., các yêu cầu về an toàn sinh thái). Các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhưng chưa đáp ứng được tiến độ giao hàng (do sự thay đổi mẫu mã nhanh chóng và thời gian cung cấp ngắn).

Ngoài ra, trình độ công nghệ, nhân lực cho ngành da giầy ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nên sản xuất nguyên phụ liệu sẽ gặp khó khăn, đặc biệt hiện nay công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu đã ở mức rất cao. Đặc biệt, Việt Nam chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất nguyên vật liệu ngành da giầy: da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất ... 

Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu Da giày sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN trong toàn ngành nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, tăng đơn hàng và phát triển xuất khẩu. 

Lefaso mong muốn thông qua Hội nghị quảng bá hình ảnh ngành công nghiệp, giới thiệu tới các đại biểu từ các nước thành viên trong khu vực và trên thế giới tham dự Hội nghị và diễn đàn về tiềm năng xuất khẩu, uy tín của các doanh nghiệp, chất lượng các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và khả năng đáp ứng những yêu cầu đa dạng phức tạp của các bạn hàng, các nhà nhập khẩu. 

Lefaso đặt ra kỳ vọng là các DN của ngành sẽ hiểu rõ hơn những cơ hội thách thức cũng như thảo luận, đề ra được các giải pháp hiệu quả cho ngành và doanh nghiệp. Cũng qua Hội nghị này, Lefaso mong muốn có sự góp phần tích cực từ các nhà điều hành vĩ mô nhằm tạo điều kiện nhiều hơn nữa thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành Da giày Việt Nam trong thời kỳ mới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày