Kinh Doanh

Siêu thị ngoại và nghi vấn 'đuổi khéo' doanh nghiệp nội

Thứ Tư | 11/05/2016 07:36

Ngoài mức chiết khấu 25%, các hệ thống siêu thị ngoại tại Việt Nam đang bị nhà phân phối trong nước phàn nàn về những rào cản, gây khó cho hàng nội.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) có công văn gửi đến ông Loic Deleplace - Giám đốc Trung tâm thu mua siêu thị Big C, Olivier Chouet - Giám đốc Thu mua thực phẩm khô và hóa mỹ phẩm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc Thu mua ngành hàng đông lạnh… đề nghị đơn vị này không tăng chiết khấu trong hợp đồng mới của năm 2016.

"Hiện các doanh nghiệp thủy sản hợp tác với Big C phải chịu mức chiết khấu cao trung bình 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. Đây là những mức rất cao mà chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư", Vasep cho biết.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị phía Big C chia sẻ và hợp tác lâu dài, không tăng thêm chiết khấu trong năm 2016, điều chỉnh giảm mức chiết khấu xuống dưới 15%.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Vasep cho biết, hiện hiệp hội có khoảng 20 doanh nghiệp thủy sản chuyên cung cấp hàng cho các siêu thị. Ngoài mức chiết khấu cao, các doanh nghiệp còn đóng rất nhiều loại chi phí khác như hỗ trợ các hoạt động khuyến mại, khai trương siêu thị, hỗ trợ sinh nhật… Vô hình chung, siêu thị buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán và người tiêu dùng chịu thiệt hại nhất. Ngược lại, doanh nghiệp khó trụ nổi trên thị trường.

Trước đó, hồi cuối năm 2015, các doanh nghiệp thủy sản trên cũng đã liên tục gửi văn bản đến hệ thống siêu thị Big C nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Nhiều doanh nghiệp cho biết, với văn bản đề nghị mới lần này, nếu siêu thị không có hướng giải quyết thỏa đáng, họ đành phải rút hàng ra khỏi hệ thống.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Big C cho biết chưa hề nhận được văn bản của Vasep. Không phủ nhận áp mức chiết khấu cao nhưng Big C cho rằng, hiện nay số lượng doanh nghiệp cung ứng khá dồi dào nên để có sản phẩm và giá tốt nhất cho người tiêu dùng thì doanh nghiệp buộc phải chia sẻ với hệ thống.

“Riêng một số thông tin cho rằng chúng tôi thay chủ mới nên hoạt động nhân sự chưa ổn định là không đúng. Bởi lẽ, hệ thống Big C chưa hoàn tất chuyển giao cho tập đoàn Thái và nhân sự cũng không hề có biến động. Tỷ lệ hàng Việt tại Big C Việt Nam đạt 90-95% với 3.000 nhà cung ứng, phần lớn là doanh nghiệp Việt. Nếu nói chúng tôi 'đuổi khéo' doanh nghiệp Việt để thay thế đối tác Thái thì lấy hàng đâu cung ứng cho người Việt”, đại diện Big C lý giải.

Cũng chịu cảnh ấm ức khi cung cấp hàng cho các hệ thống siêu thị trên toàn quốc, một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm ở TP HCM cho biết, hiện nay Metro, Big C, Aeonmall, Lottemart... đang có mức chiết khấu cao hơn so với các hệ thống siêu thị nội.

Cụ thể, đối với nhóm ngành thực phẩm mà ông cung ứng, Metro đang là hệ thống đòi chiết khấu cao nhất với mức dao động 8-9%; Big C, Aeonmall và Lottemart áp mức chiết khấu 7-8%. Riêng hệ thống siêu thị nội như Satra, Co.opmart, Vinmart chỉ 5-6%.

“Không những áp mức giá cao mà các hệ thống siêu thị ngoại luôn tăng mức chiết khấu mỗi năm. Khi trao đổi với các lãnh đạo thu mua của siêu thị, họ giải thích rằng phải chịu áp lực từ trên áp xuống, hàng năm doanh thu siêu thị phải tăng trưởng nên biến động chiết khấu luôn được thay đổi để đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Do vậy, nếu muốn tồn tại trong siêu thị, công ty chúng tôi buộc phải thắt lưng buộc bụng để bù đắp cho mức chiết khấu tăng. Riêng với hệ thống siêu thị nội, nhiều năm mới tăng chiết khấu một lần nên công ty cũng dễ thở hơn”, đại diện doanh nghiệp thực phẩm trên tiết lộ.

Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, các loại dịch vụ cộng thêm như hỗ trợ khai trương, hỗ trợ thẻ thành viên… hầu như siêu thị nào cũng buộc doanh nghiệp phải tham gia, chi phí cho mỗi đợt này cũng khá cao, có khi lên tới cả trăm triệu đồng.

Là ngành hàng chịu mức chiết khấu cao ngất ngưởng, ngang bằng với nhóm nước giải khát, thủy sản, giám đốc một công ty nước mắm cũng cho biết, hệ thống siêu thị ngoại luôn áp mức chiết khấu từ 10 đến 20% cho ngành hàng này. “Có hệ thống siêu thị ngoại mới vào Việt Nam chưa đầy hai năm nhưng cũng liên tục đưa ra mức chiết khấu ngất ngưởng, buộc công ty phải rút hàng khỏi siêu thị. Cùng với hệ thống ngoại, siêu thị nội cũng đưa ra khá nhiều ràng buộc nên tới giờ chúng tôi vẫn chỉ bán sản phẩm tại cửa hàng riêng”, giám đốc trên chia sẻ.

Trong khi ngành hàng thực phẩm tươi sống, nước giải khát, gia vị của các doanh nghiệp tại các siêu thị ngoại chịu mức chiết khấu cao thì nhóm hàng rau củ quả tại các hệ thống này lại được ưu ái hơn so với siêu thị nội.

Cụ thể, một doanh nghiệp chuyên cung cấp mặt hàng rau củ cho các hệ thống siêu thị trên toàn quốc cho biết, rau củ và trái cây của ông khi cung ứng vào Co.opmart đang phải chịu mức chiết khấu 5%. Trong khi đó, các mặt hàng này vào siêu thị ngoại như Big C mức chiết khấu chỉ khoảng 3,5%; Lottemart, Aeomall và Metro là 4-4,5%.

“Vì là mặt hàng rau củ đặc thù tại Big C nên chúng tôi có mức chiết khấu tốt. Tuy nhiên, tại các hệ thống siêu thị nội mặt hàng này cạnh tranh mạnh với nhiều sản phẩm của đơn vị khác nên mức chiết khấu cũng cao hơn. Do vậy, tùy từng ưu thế của sản phẩm tại mỗi siêu thị mà chúng sẽ được chiết khấu ở nhiều mức khác nhau”, giám đốc công ty rau củ ở TP HCM cho biết.

Vị này cũng nhấn mạnh rằng, trong mối quan hệ giữa nhà cung cấp với đơn vị phân phối thì doanh nghiệp bán lẻ luôn nắm đằng cán, còn doanh nghiệp cung ứng luôn phải chịu thiệt thòi. Khi nhà bán lẻ đối mặt với sức cạnh tranh khốc liệt thì áp lực đè lên doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Bởi lẽ, nhà bán lẻ muốn quảng bá thương hiệu, giá tốt để thu hút khách hàng thì doanh nghiệp sẽ phải chịu chiết khấu cao. Mặt khác, tùy vào từng ngành hàng, có thể ngành hàng rau ở siêu thị nội chịu chiết khấu cao nhưng ở một nhóm sản phẩm khác chúng lại có mức chiết khấu hấp dẫn hơn doanh nghiệp ngoại và ngược lại.

Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhìn nhận, hiện nay không chỉ Big C đưa ra mức chiết khấu cao mà nhiều siêu thị nội, ngoại khác cũng đang áp chiết khấu lớn không kém. Mức chiết khấu ở các hệ thống này dao động từ 2 đến 20%, tùy ngành hàng.

“Vấn đề chiết khấu luôn là cuộc đua của các siêu thị. Thị trường bán lẻ Việt còn 'nửa nạc nửa mỡ' nên các nhà bán lẻ còn tung hoành, giấu diếm tỷ lệ chiết khấu, chứ như ở các quốc gia khác trên thế giới các con số này rất rõ ràng và doanh nghiệp có quyền chọn nhà phân phối phù hợp”, ông Phú nói.

Về phía các nhà cung ứng hàng, ông Phú khuyên các doanh nghiệp nên xem lại hoạt động sản xuất, tiết giảm chi phí để có thể cạnh tranh tốt nhất trên thị trường. Nếu cảm thấy nhà bán lẻ chèn ép quá đáng thì có thể kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh vào cuộc để xem xét vụ việc.

“Hiện nay không chỉ các doanh nghiệp thủy sản mà công ty trong các nhóm ngành thực phẩm, nước giải khát, gia vị… cũng vướng phải tình trạng bị chèn ép tại các hệ thống siêu thị nội cũng như ngoại. Do đó, các doanh nghiệp nên biết cách liên kết với nhau và khơi gợi quyền lực người tiêu dùng đứng về phía mình, có như vậy mới có thể trấn áp được các nhà phân phối”, ông Phú chia sẻ.

Nguồn Vnexpress


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày