Kinh Doanh

Thuế, phí và ngân sách: Câu chuyện chưa có hồi kết

Thứ Ba | 08/12/2015 12:00

Doanh nghiệp Việt vừa phải chống chọi với “bão hội nhập” đến từ các hiệp định kinh tế, vừa phải gánh chịu gánh nặng thuế, phí đang có chiều hướng gia tăng.

Sự việc một cơ quan thành ủy tại vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt kinh phí đã hé lộ phần nổi của tảng băng chìm mang tên bội chi ngân sách. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngân sách chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỉ đồng, trong khi nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương còn rất nhiều.

Bức tranh ngân sách năm 2016 cũng chưa thật sáng. Dự kiến, mức độ tăng chi ngân sách (11%) cao hơn tăng nguồn thu (9,4%). Nguồn thu ngân sách 2016 ước tính đạt 1.014.500 tỉ đồng, nhưng nếu loại trừ đi nguồn tiền từ hoạt động thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế (30.000 tỉ đồng) thì con số thực dương của khoản thu ngân sách chỉ đạt 6,1%, có nghĩa thấp hơn mức độ tăng chi ngân sách đến 5%. Khoản thu ngân sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu dầu thô dự báo kém khả quan. Bên cạnh áp lực vĩ mô tăng cao về đảo nợ công và trả lãi vay, ngân sách còn phải vất vả chạy theo mục tiêu bội chi năm 2016 ở mức 4,95% GDP, tương ứng 254.000 tỉ đồng, tức tăng 28.000 tỉ đồng so với năm nay.

Trong ngắn hạn, thu ngân sách chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu chính phủ và thu nợ đọng thuế. Bên cạnh giải pháp cắt giảm chi tiêu công, phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước có lẽ đang nghĩ đến giải pháp tìm nguồn thu bù đắp từ 2 kênh truyền thống là thuế và phí, dự kiến chiếm tỉ trọng 19% GDP năm 2016.

Điều này thể hiện qua một loạt các chính sách vừa được điều chỉnh, tác động trải dài trên mọi lĩnh vực và đối tượng. Cụ thể nhất là chính sách xiết chặt phải thu các khoản nợ thuế doanh nghiệp khó đòi. Bộ trưởng Bộ Tài chính tháng trước đã dự kiến sẽ thu hồi hết số nợ đọng thuế 34.000 tỉ đồng trong năm 2016. Tác động đến lĩnh vực giao thông, luật dự kiến điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng lên ôtô, mặt hàng có sự tăng trưởng bình quân hằng năm 10%, trong lúc người dân Việt đang phải trả khoảng 14 loại thuế, phí để đưa ôtô lăn bánh ra đường. Trên thực tế, giá ôtô tại Việt Nam cao gấp 2,5 lần so với Mỹ trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người của họ cao gấp 20 lần. Dù cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn duy trì phí bảo trì đường bộ với ôtô và thu phí BOT trong năm mới. Được biết, năm nay thu lệ phí trước bạ đạt 18.800 tỉ đồng, vượt gần 22% so với dự toán năm.

Năm 2015, nhiều khoản thu nội địa vượt dự toán năm, phải kể đến thuế bảo vệ môi trường đạt 21.100 tỉ đồng (vượt 63,1% dự toán) và tiền sử dụng đất đạt 49.200 tỉ đồng (vượt 26,1%). Tuy nhiên, khối doanh nghiệp phản ứng mạnh với các mức thuế khoáng sản dự kiến áp dụng đầu năm 2016, tăng trung bình 2-3%. Doanh nghiệp cho rằng mức thuế tài nguyên thực tế đã tăng 230% trong 8 năm qua, gây khó khăn cho doanh nghiệp nội. Bà Trần Thị Như Trang, Tổng Giám đốc Công ty Khoáng sản An Thông, chia sẻ: “Công ty có 1 mỏ, 3 nhà máy nhưng hiện đã phải đóng cửa 2 nhà máy và cho nghỉ hơn 50% trong số 900 công nhân”.

Đồng quan điểm với tổ chức Pan Nature khi so sánh chính sách thuế khoáng sản của Việt Nam với 12 quốc gia, ông Nguyễn Cảnh Nam, đại diện Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam nhận định, chính sách thuế, phí với khoáng sản ở Việt Nam ngày càng tăng cao, ở mức thuộc diện đứng đầu trên thế giới. Dưới quan điểm của nhà điều hành, Vụ trưởng Chính sách thuế lý giải, điều chỉnh thuế tài nguyên là nhằm tăng cường quản lý khoáng sản và bù đắp ngân sách do nguồn thu thuế xuất nhập khẩu khoáng sản ngày càng giảm.

Nhóm thuế áp dụng với hộ kinh doanh cá thể cũng diễn biến theo chiều hướng tăng. Theo Thông tư 92, hộ kinh doanh cá thể sẽ phải nộp mức thuế khoán cố định hàng tháng, thay vì căn cứ trên doanh thu thực tế như trước đây. Đồng thời, các hộ kinh doanh buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử, đồng nghĩa với việc cơ quan thuế sẽ quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn. Dưới góc độ Trưởng ban Hợp tác phát triển Quốc tế, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, bà Clare Alain cho rằng: “Tôi hiểu là Việt Nam đang chịu gánh nặng ngày càng lớn về ngân sách, khi tham gia ký FTA với EU, Hàn Quốc... và TPP sắp tới. Nhưng rất cần tỉnh táo nhìn toàn diện bối cảnh, cẩn trọng rà soát chi tiêu công trước khi quyết định tăng thuế”.

Cơ quan quản lý đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Luật phí và lệ phí, dự kiến áp dụng năm 2017. Theo đó sẽ có 17 loại hình sản phẩm chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước qui định. Trước mắt trong năm 2016, chi phí trả lãi tiền vay vốn của doanh nghiệp sẽ không được xem là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu chi phí này vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Rõ ràng, doanh nghiệp Việt đang rất vất vả khi vừa phải chống chọi với “bão hội nhập” đến từ hàng loạt các hiệp định kinh tế, vừa phải gánh chịu gánh nặng thuế, phí đang có chiều hướng gia tăng.

An Cầm


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày