Kinh Doanh

Trường phái đầu tư giá trị sắp hết thời ở Phố Wall?

Thứ Tư | 14/06/2017 11:31

Chỉ có 10% khối lương cổ phiếu được giao dịch tại các sàn chứng khoán Mỹ là đến từ việc phân tích cơ bản, theo ước tính của JP Morgan.

Theo một báo cáo mới đây của JPMorgan, hoạt động đầu tư định lượng dựa trên các công thức máy tính và giao dịch trực tiếp bằng máy móc đang chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán, và dần đẩy những nhà đầu tư trường phái cơ bản vào dĩ vãng.

Marko Kolanovic, phụ trách toàn cầu về nghiên cứu định lượng và phái sinh của JPMorgan cho biết: "Trong khi phân tích cơ bản chủ yếu là nhằm lý giải cho hành động giá, phần lớn các nhà đầu tư cổ phiếu ngày nay không mua hay bán cổ phiếu dựa trên các thông tin cơ bản về  cổ phiếu".

Kolanovic ước tính "các nhà giao dịch cổ phiếu theo trường phái cơ bản" chỉ chiếm khoảng 10% khối lượng giao dịch cổ phiếu. Đầu tư thụ động và định lượng chiếm khoảng 60%, gấp đôi so với cách đây 10 năm.

Trên thực tế, phân tích của Kolanovic cho thấy sự sụt giảm đột ngột của các cổ phiếu công nghệ lớn trong giai đoạn từ thứ Sáu tuần trước đến thứ Hai vừa qua, là do sự thay đổi chiến lược bởi các nhà phân tích định lượng (quant), hoặc các nhà giao dịch sử dụng thuật toán máy tính.

Trong nhiều tuần trước ngày 17/5, Kolanovic cho biết các quỹ mua vào trái phiếu và các cổ phiếu có suất sinh lời ổn định (bond proxies, có lợi suất cao hơn lợi suất trái phiếu), từ đó đẩy các cổ phiếu có độ biến động thấp và các cổ phiếu tăng trưởng mạnh lên các mức giá cao hơn.  Kolanovic cho biết các loại cổ phiếu nhỏ / có giá trị / có chỉ số beta cao (độ biến động cao so với thị trường) bắt đầu rơi vào vòng xoáy của cái gọi là "sự thoái lui của giao dịch 'Trump reflation'" (dựa trên những hứa hẹn của Trump về giảm thuế, bớt luật lệ, tăng chi tiêu).

Báo cáo của JPMorgan cho biết: "Áp lực tăng giá dành cho cổ phiếu tăng trưởng và có khối lượng giao dịch thấp, và áp lực giảm giá dành cho cổ phiểu giá trị và có lượng giao dịch lớn đã lên đến đỉnh điểm trong những ngày đầu tháng 6 (hiện tượng này gọi là cân bằng danh mục đầu tư hàng tháng - monthly rebalances) và sau đó lại trở lại trang thái cũ, đã kéo lùi các cổ phiếu FANG" (tên ghép chữ cái của 4 công ty - Facebook, Amazon.com, Netflix và công ty mẹ Alphabet của Google),

Cùng với Apple, giá cổ phiếu của các ông lớn công nghệ  đã giảm hơn 3% vào cuối tuần trước và tiếp tục giảm vào thứ Hai, khiến cho chỉ số Nasdaq có 2 ngày giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 12.

Tuy nhiên, Kolanovic cho biết: "tác động từ việc cân bằng định lượng này đã qua đi ", và ông lưu ý thêm rằng các công cụ phái sinh của S&P đã hỗ trợ thị trường tăng điểm vào đầu tuần này.

"Lượng quyền chọn chỉ số S&P 500 có giá trị 1,3 nghìn tỷ USD sẽ đáo hạn vào thứ Sáu, và điều này sẽ thay đổi vị thế của các nhà giao dịch. Điều này có thể tao ra những biến động thị trường bắt đầu từ thứ Sáu cuối tuần này và vào tuần tới.", theo Kolanovic.

Cổ phiếu công nghệ hồi phục vào hôm thứ ba, giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm với chỉ số công nghiệp Dow Jones lên mức kỷ lục.

Kolanovic cho biết công cụ phái sinh, dòng vốn của các quỹ định lượng, chính sách của ngân hàng trung ương và những diễn biến chính trị đã góp phần giảm biến động thị trường xuống mức thấp. Hơn nữa, các chiến lược giao dịch dựa trên một lượng dữ liệu khổng lồ (Big Data) đang ngày càng thách thức phương pháp đầu tư cơ bản truyền thống và sẽ là chất xúc tác cho những thay đổi trong những năm tới.

Con số từ công ty nghiên cứu cấu trúc thị trường Tabb Group cho thấy một sự gia tăng tương tự trong khối lượng giao dịch bằng máy móc, trong khi tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch đã giảm.

Ông Tabb cho hay, các giao dịch định lượng có tần suất giao dịch cao (HFT) chiếm 52% trong khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày trong tháng 5, với khoảng 6,73 tỷ cổ phiếu. Trong những phiên giao dịch cao điểm trong năm 2009, khoảng 61% trong tổng số 9,8 tỷ cổ phiếu giao dịch bình quân hàng ngày đã được giao dịch bởi các nhà giao dịch HFT.

Chắc chắn, không phải tất cả mọi người trên Phố Wall đều phó mặc cho máy móc một cách dễ dàng.

Các nhà phân tích của AllianceBernstein đưa ra nhận định vào ngày 28/4 rằng trí thông minh nhân tạo không thể tạo ra những kết quả khác biệt đáng kể - vì việc phân tích nhiều dữ liệu hơn dẫn đến các chiến lược ngày càng giống nhau.

Bá Ước

Nguồn CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày